Ngày 12/01, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vài trò tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa việc tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Theo đó, kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về gia đình, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình … nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về xây dựng gia đình trong tình hình mới; phát huy hiệu quả, tính thiết thực, tránh hình thức trong xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền về công tác xây dựng gia đình; xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Đưa mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc lồng ghép vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các  các ngành, địa phương, đơn vị bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển; huy động xã hội hóa trong lĩnh vực gia đình nhằm tối ưu hoá các nguồn lực xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.

3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình: Triển khai đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, theo hướng tích hợp đa ngành, chú trọng đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về gia đình ở cơ sở; kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình ở các cấp; gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới, phụ nữ, thanh niên, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi trong gia đình; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về gia đình, kịp thời hướng dẫn, đề xuất, kiến nghị những phát sinh, bất cập cần điều chỉnh trong công tác gia đình các cấp.

4. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; xây dựng danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực gia đình trong tổng thể danh mục dịch vụ công của lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch; phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới bảo đảm kế thừa, tiếp thu hài hoà các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại; tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả, đồng bộ trong hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho gia đình.

5. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội; tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các sở, ngành,  huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình.

6. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng gia đình tiêu biểu hạnh phúc, phát triển bền vững. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về trẻ em; chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong gia đình.

Kế hoạch cũng đưa ra yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Nội dung phải phù hợp, thiết thực, hiệu quả gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và ở các cấp; bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, đúng tiến độ giữa các sở, ngành có liên quan.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.135.622
Online: 48