Ngày 01/6/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch 1613/KH-UBND Triển khai thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

 Theo đó, đặt ra mục đích, yêu cầu triển khai Đề án theo từng giai đoạn, cụ thể:

- Thông qua các Chương trình văn hóa, nghệ thuật để tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ổn định cuộc sống cho nhân dân góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giữ gìn, bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống đặc sắc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Tăng cường sự phối hợp giữa các các Sở, Ban ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vùng biên giới; Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình về bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới.

- Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, có sự thống nhất, đồng bộ trong công tác triển khai thực hiện.

- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; gắn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã đề ra Mục tiêu tổng quát, đó là: Xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát, UBND tỉnh đã đưa ra các các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 2021-2025

Tổ chức hiệu quả các hoạt động Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

- Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Mỗi thôn, bản hoặc liên kết 02 đến 03 thôn, bản thành lập 01 đến 02 câu lạc bộ, duy trì hàng năm tổ chức 01 đến 02 cuộc liên hoan, giao lưu, buổi biểu diễn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Tổ chức các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác cho văn nghệ sĩ, trong đó chú trọng đến văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số; các cuộc thi, liên hoan, các cuộc vận động sáng tác văn học, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, nhạc, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc, chuyên mục phát thanh, phóng sự truyền hình, tác phẩm báo chí về đề tài dân tộc thiểu số.

- Phấn đấu mức hưởng thụ chiếu bóng của nhân dân đạt 0,6 lượt/người/năm; tổ chức trên 5.000 buổi chiếu phục vụ nhân dân vùng cao và 250 buổi chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị.

- Phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức: tiếp tục bổ sung sách, báo mới cho hệ thống thư viện tỉnh, huyện; thực hiện luân chuyển sách, báo; hằng năm, tổ chức từ 10-15 cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo, tài liệu; tổ chức các hoạt động phát hành xuất bản phẩm, văn hóa phẩm tới vùng sâu, vùng cao; phấn đấu đến năm 2025 hệ thống thư viện phục vụ 1,5 bản sách/người/năm.

- Hằng năm, tổ chức từ 3-5 cuộc trưng bày, triển lãm ảnh, tài liệu, danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh; trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật về văn hóa các dân tộc

- Hằng năm, thực hiện 365 chương trình phát thanh; 04 chương trình văn nghệ/tuần trên sóng truyền hình của tỉnh và sản xuất 10 chương trình văn nghệ bằng tiếng dân tộc.

- Tổ chức phong phú, đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hỗ trợ kinh phí, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

 Giai đoạn 2025-2030

- Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung các Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ, đội văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản. Duy trì hằng năm tổ chức liên hoan, giao lưu các Câu lạc bộ, đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ số xây dựng các sản phẩm phim, ảnh, sách, báo về văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Để triển khai thực hiện Đề án một cách thiết thực, có hiệu quả UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch; chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao-Du lịch và UBND tỉnh định kỳ theo quy định./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.135.403
Online: 39