Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Mông thường cư trú hầu hết ở các huyện, thị và được chia thành 5 ngành: Mông trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhs), Mông đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Dua). Địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Mông là trên những rẻo núi cao, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống chủ yếu còn phụ thuộc vào tự nhiên. Trước sự giao thoa, tác động với nền văn hóa của các dân tộc khác, dân tộc Mông cơ bản vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo và đậm đà bản sắc của dân tộc mình, điều đó được thể hiện qua: Tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, tập quán xã hội, tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội và nghề thủ công truyền thống.

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, dân tộc Mông có tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Vì vậy, dân tộc Mông có nhiều nghi thức, nghi lễ quan trọng gắn liền với lao động sản xuất, với vòng đời của một con người, cầu bình an, sức khỏe. Người thực hành những nghi lễ, nghi thức đó chính là những thầy cúng dân tộc Mông. Thầy cúng dân tộc Mông là người am hiểu về lịch sử,  phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống của tộc người. Thầy cúng trong đời sống đồng bào Mông chính là người nối nghiệp từ đời này sang đời khác và mỗi đời thầy cúng chỉ truyền lại được cho một người. Tuy nhiên, người Mông quan niệm ngoài hình thức “cha truyền con nối” thì đó còn là sự “lựa chọn” của thần linh nên thầy cúng không nhất thiết phải là con, cháu trong dòng họ. Ai được thần linh lựa chọn thì người đó khắc có khả năng khác người và được cộng đồng tin tưởng để thực hành các nghi lễ. Người Mông cho rằng, thầy cúng chính là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dù là cúng trong dịp gì thì ngoài bộ lễ phục, một số đồ dùng không thể thiếu và luôn gắn liền với thầy cúng đó chính là: Chiêng, chũm chọe, xúc xắc, vòng cúng, dao cúng, sừng cúng. Đây đều là những vật dụng được chế tác thủ công của người Mông.

Bộ chiêng dùng trong nghi lễ của thầy cúng

Chiêng được đúc thủ công bằng đồng, đúc thành hình tròn. Mặt chiêng có chấm nổi tạo thành các vòng tròn đồng tâm. Sau mặt chiêng có gờ, trên gờ có hai lỗ để luồn dây vải màu đỏ dùng để xách, treo. Đi kèm với chiêng còn có dùi, dùi chiêng là một đoạn cành tre nhỏ, một đầu tròn gồm nhiều lớp vải nhung bọc lại, đầu còn lại buộc dây vải đỏ.

Bộ chũm choẹ dùng trong nghi lễ cúng

Chũm chọe được đúc bằng đồng gồm 1 đôi giống như chiếc mũ nhỏ, ở giữa có lỗ để luồn dây vải màu đỏ. Chũm chọe được dùng để đánh vào nhau tạo ra âm thanh vang, đanh.

Xúc xắc để tạo âm điệu cho bài cúng

Xúc xắc được làm thủ công từ kim loại, một bộ xúc xắc gồm 2 chiếc tách rời nhưng có độ dày mỏng khác nhau để tạo ra âm thanh khác nhau. Thực chất xúc xắc là 1 khối sắt tròn, lòng rỗng, tâm của xúc xắc có lỗ để xỏ vừa ngón tay cái, viền ngoài của xúc xắc để rãnh hở, chia xúc xắc thành 2 nửa rõ rệt, bên trong có 2 hòn bi nhỏ để tạo ra âm thanh khi lắc. Trong lễ cúng thầy mo còn sử dụng 2 chiếc xúc xắc vào 2 ngón tay cái để tạo âm điệu cho bài cúng.

Vòng cúng dùng trong nghi lễ của thầy cúng

Vòng cúng làm bằng sắt, rèn thành vòng tròn có cán để cầm. Vòng tròn quấn kiểu vặn thừng trên vòng còn có những vòng tròn nhỏ như những bông hoa và buộc thêm đoạn vải đỏ. Cán vòng đánh dẹt, nhọn. Mỗi khi cúng lễ, thầy mo sử dụng vòng cúng để lắc tạo âm điệu.

Dao cúng vật dụng không thể thiếu khi dùng trong nghi lễ

Dao cúng là vật dụng rất quan trọng, tượng trưng cho sức mạnh để chống lại tà ma. Cán dao được làm từ thân gỗ tốt cầm vừa tay. Chuôi dao đẽo gần thành hình tròn. Lưỡi dao dài, giữa phình to, mũi dao nhọn. Giữa cán và lưỡi dao đặt 1 thanh sắt hình chữ Z. Khi thực hiện lễ cúng, dao cúng được đặt trên bàn thờ.

Sừng được dùng để gieo quẻ trong các lễ cúng

Sừng cúng là đồ thờ cúng của đồng bào dân tộc Mông. Một bộ sừng cúng gồm 2 chiếc được cắt ra từ một bên sừng của con dê hoặc trâu, có hình dáng thon, nhọn, cong về 1 phía. Sừng được dùng để gieo quẻ trong các lễ cúng.

Ứng với từng nghi lễ mà thầy cúng có các bài cúng riêng, phù hợp. Tuy nhiên, dù thực hành nghi lễ nào thì nội dung các bài cúng đều giàu tính nhân văn, phù hợp với cuộc sống, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Vì vậy, thầy cúng là người luôn gương mẫu trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tuyên truyền vận động người dân không nghe theo lời kẻ xấu, tích cực xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, thầy cúng còn là cầu nối để cố kết cộng đồng, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi con người trước những thử thách của cuộc sống, đồng thời truyền dạy các di sản văn hoá của cộng đồng.  


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.130.860
Online: 84