Dự thảo Luật Điện ảnh hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển.

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 7/9 tại Nhà Quốc hội dưới hình thức trực tuyến.

Tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển - Ảnh 1.Toàn cảnh Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực điện ảnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2009. Luật Điện ảnh được ban hành là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của nền điện ảnh nước nhà.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng nhấn mạnh, qua 14 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số quy định chưa phù hợp với thực tế, không có tính khả thi hoặc tính khả thi không cao. Trong đó, một số quy định của Luật Điện ảnh còn chưa cập nhật với tình hình phát triển của nền kinh tế thị trường hoặc chưa có quy định nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Để khắc phục những hạn chế, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, qua đó tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, cùng đóng góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại.

Tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển - Ảnh 2.Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ, những ý kiến, thảo luận tại hội thảo tiếp tục cung cấp dữ liệu, thông tin để Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự Luật Điện ảnh (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Luật Điện ảnh là bộ luật có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống, là nhân tố quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, Ban soạn thảo luôn mong muốn việc sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động điện ảnh, thúc đẩy hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Thứ trưởng cũng chia sẻ, nhiều nội dung trong quá trình soạn thảo Luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách; cân đối hài hòa giữa các yếu tố liên quan… để có “đáp án” phù hợp. “Ban soạn thảo đã khảo sát thực tiễn, áp dụng các mô hình từ nhiều quốc gia vào điều kiện thực tế Việt Nam. Tinh thần là hướng đến một dự Luật chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.

Bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với vấn đề thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, Luật Điện ảnh hiện hành được xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật. Trong khi đó điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. “Trong giai đoạn hiện nay và một vài thập kỷ tới, phát triển điện ảnh Việt Nam chính là phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Khi xác định như vậy sẽ tránh những chồng chéo, trùng lặp về chính sách cho phát triển điện ảnh Việt Nam và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam…”, bà Lan nêu.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh, nền tảng của công nghiệp điện ảnh. Theo đó, cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc chèn ép, lấn át đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng như sự thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp lớn.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trước sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đòi hỏi phải sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh có những phát triển mới trong kỷ nguyên số, phát huy giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế sáng tạo mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và sức mạnh mềm của Việt Nam ra thế giới.

Tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển - Ảnh 3.

Hội thảo đã làm rõ một số vấn đề trọng tâm trong dự thảo Luật Điện ảnh

Theo bà Hòa, có thể thấy một số hạn chế của điện ảnh Việt Nam khi vươn mình ra thế giới, trong đó có quá ít phim Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các LHP, giải thưởng phim uy tín trên thế giới, chưa có những tác phẩm nổi bật, thiếu vắng nhân tài có sức hút với điện ảnh thế giới. Bên cạnh đó, năng lực quảng bá phim ra nước ngoài của các nhà sản xuất phim tại Việt Nam còn hạn chế. “Việc sửa đổi Luật Điện ảnh cần góp phần tháo gỡ và giải quyết một số thách thức đối với điện ảnh Việt Nam, trong đó có sự cạnh tranh với các nền điện ảnh trong khu vực…”, bà Hòa chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm làm rõ một số vấn đề trọng tâm trong dự thảo Luật như: Quỹ phát triển điện ảnh; Đề xuất một số chính sách khi sửa đổi Luật Điện ảnh; Đổi mới trong quản lý điện ảnh của Việt Nam; Cơ chế xã hội hóa, huy động tham gia của cộng đồng trong hoạt động điện ảnh; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; Quảng cáo phim; Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh; Góp ý cụ thể vào các điều, khoản tại Dự thảo Luật;…

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định đây là nguồn thông tin, luận cứ khoa học quan trọng phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra vào tháng 9/2021)./.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.299.027
Online: 130