Đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên gồm hai nhóm ngành là: Thái đen và Thái trắng. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển lâu dài, người Thái đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Mỗi dân tộc lại có cách phục trang riêng, có nghề dệt vải truyền thống phát triển như: Dân tộc Thái, dân tộc Lào, dân tộc Dao, dân tộc Mông và dân tộc Hà Nhì. Đó cũng là nhóm dân tộc có trang phục truyền thống độc đáo nhất trên miền núi rừng Tây Bắc. Cùng với áo dài người Việt, những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số Điện Biên vẫn được gìn giữ và tôn vinh. Nói đến những bộ trang phục đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, bộ trang phục có sức cuốn hút được nhiều người biết đến có lẽ là trang phục của phụ nữ dân tộc Thái, được ca ngợi bởi sự đơn giản và thanh lịch. Để có bộ trang phục hút hồn như vậy người phụ nữ đã rất khéo léo kết hợp từng chi tiết với chiếc áo cóm bó sát người đính hàng cúc bướm bằng bạc, chiếc váy dài nhuộm màu chàm chấm gót chân, thắt lưng xanh và dây xà tích bạc quấn quanh vòng eo, trên đầu đội chiếc khăn piêu. Từng chi tiết của trang phục được mang trên các vị trí khác nhau trên cơ thể làm tăng thêm nhiều lần vẻ đẹp vốn đã đầy duyên dáng của phụ nữ Thái. Đối với trang phục, điểm nhấn đặc biệt tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại là bộ xà tích được làm bằng bạc. Hiện nay tại bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ và bảo quản một số bộ xà tích của dân tộc Thái nhằm lưu giữ và phát huy giá trị.
Trong tiếng Thái xà tích được gọi là Pụa Soỏi, cũng là một loại trang sức của người phụ nữ đi kèm với dây thắt lưng thường dùng để đeo chìa khóa và những đồ nữ trang nhỏ khác. Xà tích được làm bằng bạc, làm bằng phương pháp thủ công hết sức tỉ mỉ.
Một bộ xà tích gồm 4 sợi dây được luồn qua 2 vòng tròn nhỏ ở 2 đầu, một đầu xà tích được trang trí bởi một bộ tua gồm 5 sợi trên các sợi đính các hình con chim, hình trống, hình trái tim, một quả chuông nhỏ, và một răng nanh bằng nhựa. Đầu còn lại có gắn một móc trang trí hoa văn hình bông hoa, được uốn cong, dùng để móc 2 đầu lại với nhau khi đeo.
Xà tích thường được các cô gái đeo quanh thắt lưng, một bên gài vào thắt lưng, một bên trễ xuống bên hông. Xà tích là vật trang trí làm cho người ta chú ý tới vòng eo của người phụ nữ. Trên nền chàm, màu trắng của bộ xà tích càng nổi bật, mỗi bước đi của chị em phụ nữ bộ xà tích phát ra âm thanh rất vui tai, tạo ra sự duyên dáng cho các cô gái Thái.
Nếu rang phục phản ánh nếp sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái thì trang sức cũng góp phần lớn tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào, tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho người phụ nữ Thái. Ngày nay với sự phát triển của kinh tế - xã hội, với sự giao thoa với trang phục của các dân tộc khác, những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái được kết hợp với trang sức, phụ kiện cần được sử dụng, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống sinh hoạt hàng ngày./.