Trong đại dịch Covid-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc Covid-19, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” dành cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5). Thông qua đây, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.
Theo WHO, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Giảm tỷ lệ hút thuốc lá có thể giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Thời gian qua, Việt Nam thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiêu đường, tim mạch,…). Rõ ràng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.
Hiện, tỷ lệ bệnh nhân ung thư, đột quỵ do tác hại của thuốc lá đang là gánh nặng của cả xã hội. Vì thế, Bộ Y tế đã nghiên cứu, xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về môi trường không khói thuốc. Kết quả, trên 96% người dân đã hiểu được nguyên nhân của ung thư là do thuốc lá, nhận thức được ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay: “Chủ đề phòng, chống tác hại thuốc lá năm nay là “Cam kết bỏ thuốc lá”. Đây là chiến lược quan trọng để giúp các thành viên, cá nhân trong cộng đồng để những ai chưa hút thuốc lá thì cam kết không hút thuốc, những ai đã hút thuốc thì cam kết bỏ thuốc. Mặc dù việc bỏ hút thuốc hết sức khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong đại dịch COVID-19, sức khoẻ là vốn quý giá nhất đối với mỗi con người. Vì thế, phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giúp mỗi người có được cuộc sống khoẻ mạnh, chống lại dịch bệnh”.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người hút thuốc mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nặng. Không chỉ vậy, những người nghiện thuốc lá còn phái đối mặt với nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19.
Các biện pháp cần thực hiện kịp thời:
Để đảm bảo hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai sâu rộng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đoàn thể cần tăng cường phối hợp liên ngành trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các đơn vị liên quan cần tiếp tục phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng chống tác hại thuốc.
Nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá cần được đưa vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc của các cơ quan, đơn vị cần được giám sát thường xuyên, lãnh đạo các đơn vị cần gương mẫu thực hiện, không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Các đơn vị cần tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá, lợi ích của việc bỏ thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá…
Song song với việc tuyên truyền tới các cơ quan, tổ chức và người dân về tác hại của thuốc lá điếu thì cũng cần kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha./.