Di chỉ Huổi Lé (hay còn gọi là Huổi Le 2) thuộc bản Pắc Na, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. “Huổi” theo tiếng Thái gọi là “Suối”, “Le” là danh từ riêng, như vậy Huổi Le được hiểu là Suối Le. Di chỉ có tọa độ 21o59'51'' vĩ Bắc: 103o27'35'' kinh Đông, cao 168m so với mặt nước biển và cao hơn mặt nước sông Đà vào mùa khô khoảng 18m.

Di chỉ Huổi Le 2 có hình bầu dục dài, độ dốc nghiêng theo chiều Bắc xuống Nam khoảng 15o và từ Tây sang Đông khoảng 5o. Diện tích của gò đất này rộng khoảng 1.000m2. Di chỉ vốn là thềm bậc 2 sông Đà, cao 18m so với mặt nước sông hiện tại, đoạn sông Đà chảy qua di chỉ theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đây là đoạn uốn khúc hình cánh cung.

Viên chức Bảo tàng tỉnh đánh số cho hiện vật đá

     Di chỉ được đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học phát hiện vào năm 1998, khi triển khai điều tra khảo cổ học vùng ngập nước của lòng hồ thủy điện Sơn La tuyến Lai Châu. Di chỉ nằm trong dự án thành phần: Khai quật, di dời và xử lý các di tích khảo cổ học lòng hồ thủy điện Sơn La. Đây là dự án thuộc dự án lớn: Bảo vệ cấp thiết và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng lòng hồ và vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2673/VPCP-VX ngày 18/5/2005. Di chỉ được khai quật từ tháng 02 đến tháng 4 năm 2009. Đến năm 2010, Viện Khảo cổ học đã bàn giao các di vật khai quật được tại di chỉ cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên lưu giữ và bảo quản, phát huy giá trị.

Viên chức bảo tàng tỉnh thống kê, phân loại hiện vật đá

  Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ hơn 4.000 hiện vật chất liệu đá thuộc di chỉ Huổi Le 2 tại bản Pắc Na, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Hiện vật chất liệu đá trong kho chủ yếu là các công cụ: Bàn nghiền, chày, móng ngựa, mũi nhọn, rìa ngang, rìa dọc, công cụ mảnh, rìa xiên, hòn nghè. Các hiện vật bước đầu đã bảo quản sơ bộ vì đây là khâu quan trọng nhất nhằm loại bỏ các tạp chất, bụi bẩn bám trên bề mặt hiện vật. Khi bảo quản sơ bộ, sử dụng bàn chải, khăn mềm vệ sinh hiện vật, phơi khô hiện vật trong bóng râm và thực hiện ghi lại số khảo cổ trên hiện vật (đối với hiện vật bị mờ số). Sau đó thống kê, phân loại, sắp xếp hiện vật theo từng hố, lớp của di chỉ khai quật hiện vật. Trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh Điện Biên tiến hành triển khai lập hồ sơ pháp lý cho 1.500 hiện vật chất liệu đá để thuận tiện hơn trong quá trình lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật.

Những hiện vật đá tại di chỉ Huổi Le 2, bản Pắc Na, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có ý nghĩa khoa học và giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng. Khai quật nhằm cứu vớt các di tích và di vật khảo cổ ra khỏi vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sơn La, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Quá trình điều tra, khảo sát, khai quật nhằm thu thập đầy đủ di vật làm tư liệu nghiên cứu lịch sử văn hóa, trưng bày tại bảo tàng Trung ương cũng như bảo tàng các tỉnh Tây Bắc. Đây là nguồn sử liệu quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và thế hệ trẻ nói riêng./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.316.603
Online: 9