Cách đây 80 năm (19/5/1941-19/5/2021), Mặt trận Việt Minh được thành lập, thể hiện tính sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết hết thảy dân tộc, tạo sức mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đánh đuổi phát xít Nhật - đế quốc Pháp.

Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước. Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập ngày 19/5/1941 thay cho Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương.

- Về tổ chức: Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở: Ở cấp xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; Ở cấp tổng, huyện (hay phủ, châu, quận); tỉnh, kỳ có Ban chấp ủy Việt Minh của mỗi cấp tương ứng; Ở cấp toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh.

- Về chủ trương: Mặt trận Việt Minh liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở; giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng nǎm cánh làm lá cờ toàn quốc.

- Về hoạt động:

Ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho đồng bào cả nước, người chỉ rõ thời cơ giải phóng đã đến và nhấn mạnh: Thời cơ giải phóng sắp tới, chúng ta phải đoàn kết đánh đuổi đế quốc và Việt gian...

Đến ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chủ trương: “liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn” và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận của mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập.

Cùng với việc công bố Tuyên ngôn, Điều lệ, Mặt trận Việt Minh cũng xác định cụ thể chương trình cứu nước. Chương trình này “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào mong ước:

1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;

2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”.

Chương trình gồm 44 điểm, là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa và những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, người già và kẻ tàn tật, tư sản, địa chủ, nhà buôn. Chương trình này sau được đúc kết lại thành  “Mười chính sách của Việt Minh” và phổ biến trong Nhân dân, dễ hiểu, dễ nhớ. Chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân của Đảng và Mặt trận Việt Minh ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, trên cơ sở thực tiễn tình hình và yêu cầu của cách mạng. Nhiều chỉ thị, lời kêu gọi và cả các truyền đơn của Tổng bộ Việt Minh được truyền đi tới các địa phương và phổ biến tới Nhân dân.

Ngày 07/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về “sửa soạn khởi nghĩa”.

Tháng 10/1944, Bác Hồ có thư gửi đồng bào cả nước thông báo chủ trương của Đảng triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc.

Ngày 22/12/1944, Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Ngày 15/3/1945, Việt Minh ra lời kêu gọi kháng Nhật cứu nước.

Ngày 25/3/1945, Việt Minh phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trên cả nước.

Lúc này uy tín của mặt trận Việt Minh đã tăng lên và các tổ chức của Việt Minh phát triển rất nhanh. Đến giữa năm 1945, mặt trận Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với khoảng 5.000 đảng viên, cùng Mặt trận Việt Minh, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn quốc thắng lợi.

Có thể nói Mặt trận Việt Minh là một trong những điển hình thành công của Đảng ta về công tác Mặt trận. Sau cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh vẫn có vị trí rất to lớn trong công cuộc vận động kháng chiến và kiến quốc. Tháng 5/946, để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết, Đảng ta chủ trương lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt bao gồm Việt Minh và các tổ chức cá nhân yêu nước không phải Việt Minh.

Đánh giá vai trò của Mặt trận Việt Minh, Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3/1951 nêu rõ: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Nhờ có chủ trương, chính sách rõ ràng, đúng đắn, Mặt trận Việt Minh đã phát triển nhanh chóng từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Mặt trận Việt Minh thông qua hoạt động cách mạng của mình, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và đoàn kết thống nhất toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông. Đây là sự sáng tạo tuyệt vời về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.317.640
Online: 48