Theo nhiều nghiên cứu cho thấy người Dao ở Việt Nam có nguồn gốc xa xưa từ đảo Hải Nam (Trung Quốc). Họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII). Hiện nay Dân tộc Dao cư trú chủ yếu ở biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và ở một số tỉnh trung du và ven biển Bắc bộ Việt Nam.
Điện Biên là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới chung với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Dao. Các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa là nơi cư trú chủ yếu của dân tộc Dao với các nhóm: Dao quần chẹt, Dao đỏ, Dao khâu. Cũng như phần lớn các dân tộc thiểu số khác, người Dao sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nương và lúa nước. Một số nghề thủ công truyền thống khá phát triển như dệt vải, rèn, mộc, làm giấy phần nào phục vụ nhu cầu cuộc sống của họ. Đặc biệt, nghề làm giấy của người Dao rất được quan tâm và chú trọng thể hiện qua những cuốn sách cổ, tranh chân dung bàn vương, tranh thờ bàn vương, mặt nạ cúng, tờ cúng...đó là di sản văn hóa quan trọng, là nguồn tư liệu và được xem là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Dao.
Bột rơm được người dân láng đều trên mặt vải
Giấy viết của người Dao ở tỉnh Điện Biên được tạo ra bằng kỹ thuật thủ công, sử dụng rơm và tro bếp ninh với nhau do người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Rơm được đun liên tục qua đêm cho tới khi nhừ, vớt ra, rửa sạch và cho vào ngâm nước lạnh để các vết bẩn và tro bếp bám vào rơm bong ra. Sau đó lấy đòn cứng đập nát rơm rồi cho rơm vào nước, hòa tan đổ ra sàng để lọc bỏ những sạn to, còn lại bột rơm nhỏ lắng xuống. Người Dao đóng sẵn một cái khung và căng trên đó một mảnh vải có cắm chốt sao cho vải thật căng rồi đổ bột rơm nhỏ láng đều trên mặt vải một lượt mỏng và mang phơi nắng.
Các tấm bột rơm được mang ra phơi nắng
Khi bột rơm khô, người làm giấy sẽ lấy một vật nhọn, sắc và mỏng để cậy xung quanh khung vải, lật dần lớp giấy ra ngoài. Khi đã có cả mảng giấy to, tùy theo mục đích sử dụng mà cắt thành những khổ giấy có kích thước khác nhau.
Khác với một số dân tộc thiểu số của Việt Nam không có chữ viết, thơ ca được truyền miệng, người Dao đã mượn chữ Hán phiên âm ra tiếng Dao gọi là chữ Nôm Dao để lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đây là điều mà không phải dân tộc thiểu số nào cũng làm được. Chữ Nôm Dao được viết theo lối viết của chữ Hán, viết theo hàng dọc, viết từ phải sang trái, các chữ, các dòng cách đều nhau. Chữ được viết bằng bút lông, nét chữ to, nhỏ tùy thuộc vào ngòi của bút lông và cách miết nét chữ của người viết. Loại mực được sử dụng chủ yếu là mực tàu màu đen, một số ít nội dung được viết bằng mực đỏ. Sách cổ của dân tộc Dao thường có bìa, gáy sách được cố định bằng sợi dây dù hoặc bằng sợi dây làm bằng giấy xoắn lại. Vì giấy được làm thủ công, chưa loại bỏ được hết các tạp chất, khử tính axit nên một số cuốn sách dễ bị ẩm, mối mọt, nhàu nát và rách. Phương án bảo quản thường được người Dao áp dụng đó là đặt sách lên trên gác bếp.
Người Dao có quan niệm "vạn vật hữu linh" - mọi vật đều linh thiêng nên người Dao tin rằng có thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi. Ứng với mỗi thần đó lại là một nghi lễ thờ cúng riêng. Do đó, người Dao có nhiều nghi lễ như: Lễ cúng mưa, lễ cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, lễ cấp sắc…các nghi lễ đó được ghi trong những cuốn sách cổ, thầy cúng sử dụng nội dung các cuốn sách phù hợp với từng nghi lễ. Bên cạnh đó, sách của người Dao còn truyền dạy kinh nghiệm, kiến thức về thời tiết, chọn đất canh tác, tri thức về chữa bệnh, cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Chúng là tài sản của ông bà tổ tiên để lại, vì vậy việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống lưu truyền trong các cuốn sách luôn được người Dao chú trọng.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ nhiều cuốn sách cổ, tranh chân dung Bàn vương, tranh thờ, tờ cúng, mặt nạ cúng của dân tộc Dao; đây là cơ sở để các nhà khoa học, khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu những nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Dao. Trong những năm qua, công tác bảo quản trị liệu đối với hiện vật chất liệu giấy đặc biệt trong đó có sách cổ dân tộc Dao luôn được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Bảo quản góp phần loại bỏ các tạp chất, khử tính axit cho giấy, bồi và trám lại giấy cho những phần đã bị rách và mọt, kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao được thuận lợi hơn.
Cuốn sách cổ của dân tộc Dao
Văn hóa dân tộc là kho tàng tri thức dân gian được đúc kết qua nhiều thế hệ. Những giá trị văn hóa giàu bản sắc ấy được gìn giữ, phát huy bằng nhiều hình hình thức khác nhau, chủ yếu bằng việc thông qua chủ thể văn hoá thường xuyên thực hành, truyền dạy cho thế hệ trẻ và hình thức tư liệu hoá bằng những ghi chép, phản ánh lại tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Dao. Những cuốn sách cổ là kho cơ sở dữ liệu, những minh chứng khoa học để tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá của dân tộc Dao. Do đó Bảo tàng tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phát huy giá trị những cuốn sách cổ của người Dao.