Người Kháng là dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me, có quan hệ với các thứ tiếng Khơ Mú, Xinh Mun (Puộc) và Vọng ở nước CHDCND Lào. Họ cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc nước ta và tập trung tại các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La tỉnh Sơn La; huyện Phong Thổ, Mường Tè tỉnh Lai Châu; Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo tỉnh Điện Biên

Tại tỉnh Điện Biên dân tộc Kháng sinh sống, cư trú tập trung thành từng  bản. Tiếng dân tộc Kháng thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ Me, dân tộc Kháng không có chữ viết riêng, thường ngày họ sử dụng chữ phổ thông. Người Kháng làm rẫy theo lối chọc lỗ, tra hạt, lúa nếp là lương thực chính. Phụ nữ Kháng có tục búi tóc, theo truyền thống cũng ăn trầu và nhuộm răng đen như một số dân tộc khác ở Tây Bắc. Trong tục cưới hỏi, người cậu đóng vai trò quan trọng nhất. Vào những dịp lễ hội hay ngày vui, người Kháng đánh trống, đánh chiêng, nhảy múa tăng pẳng tăng bu, múa xoè. Để nhận diện rõ nét hơn về văn hoá của dân tộc Kháng, có thể khám phá vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của dân tộc Kháng khá đa dạng và phong phú như: Trang phục ngày thường, trang phục ngày lễ, trang phục thầy Mo. Mỗi bộ trang phục thể hiện những giá trị thẩm mỹ riêng và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đối với từng giới tính và lứa tuổi, dân tộc Kháng có những cách thức trang trí riêng cho bộ trang phục sao cho phù hợp, trong đó có trang phục nữ trẻ em.

Dân tộc Kháng  biết trồng bông, tuy nhiên họ không biết dệt vải mà đem dùng bông để đổi lấy vải của các dân tộc khác sống cận cư như: người Thái, người Kinh. Trang phục là một sản phẩm vật chất, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm nghệ thuật, nó không chỉ bảo vệ cơ thể con người, đồng thời thông qua kiểu dáng, màu sắc bộc lộ khiếu thẩm mỹ và sự khéo léo của những người phụ nữ. Nghệ thuật trang trí trên trang phục của đồng bào Kháng được thể hiện ở kiểu dáng, mô típ hoa văn. Đó là các mô típ hoa văn hình học: Hình chữ nhật, hình vuông, hình sọc; mô típ hoa văn thực vật như: Cỏ cây, hình hoa, lá; hoa văn động vật: hình ngựa, dê, chim. Các hoa văn trang trí trên trang phục thường được tạo ra bằng cách thêu chỉ hoặc ghép các loại vải nhiều màu. Các hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục truyền thống còn là thông điệp, ý niệm về cuộc sống mà dân tộc Kháng gửi gắm vào đó, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết và phân biệt dân tộc Kháng với các dân tộc khác.

 Hiện nay, trang phục trẻ em nữ của dân tộc Kháng rất ít khi được mặc trong những ngày thường, chỉ mặc trong những ngày lễ tết, hội hè hoặc mặc vào những ngày đi học theo quy định của các trường nội trú trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ, bảo quản một số bộ trang phục của trẻ em nữ dân tộc Kháng, bộ trang phục gồm:

Áo (Sưởi són): Áo được may bằng vải bông nhuộm chàm, màu đen, dáng ngắn. Cổ áo, vạt áo được trang trí bằng hai đường viền vải màu vàng, đỏ và một dải vải xanh. Trên dải vải màu xanh được đính 10 đôi cúc bướm. Từ vai xuống ngực được trang trí bằng hai dải vải đỏ viền vàng, trên dải vải đỏ mỗi bên được trang trí 5 hình tròn bằng nhôm và hai đồng xu 200 đồng. Lớp trong gấu áo được táp một khổ vải màu trắng. Cổ tay áo được táp hai khổ vải xanh, đỏ và một đường viền màu vàng. Áo được dùng để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Váy (Phưn un): Váy được may từ ba khổ vải bông nhuộm chàm, màu đen, không trang trí hoa văn. Lớp trong của cạp và gấu được táp bằng dải vải bông màu trắng. Váy được dùng để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Thắt lưng (Xai hằng): Thắt lưng màu xanh, không trang trí hoa văn, hai đầu thắt lưng được khâu hai khổ vải đỏ. Thắt lưng dùng để thắt quanh váy và giữ váy không bị tuột. Thắt lưng được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.    

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, trong đó có những dân tộc có trang phục rất đẹp và độc đáo, dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên cũng vậy. Mỗi bộ trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc đó. Vì vậy, chúng ta cần phải trân trọng, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, dân tộc Kháng nói riêng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.320.395
Online: 32