Huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” là phần thưởng của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng những cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 13/3 - 07/5/1954. Đến nay, huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” vẫn là một biểu tượng đầy tự hào không chỉ đối với cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, mà còn với mỗi người dân Điện Biên hôm nay.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh (nay là thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Viễn chinh Pháp. Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa, quan tâm, cổ vũ và động viên kịp thời các chiến sĩ Điện Biên - những người đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tình cảm đặc biệt của Người đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ Điện Biên quyết chí xông pha giành thắng lợi vẻ vang. Với ý chí quyết tâm đó, cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, mà trực tiếp là Tổng tư lệnh mặt trận Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954 lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” được phất cao trên nóc hầm De Castries kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ có tiếng vang “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.
Ngày 08/5/1954, Bác Hồ đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”. Trong đó, Bác viết: “… Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Các chú có tán thành không?”. Sau đó, một số chiến sĩ tiêu biểu đại diện cho các Đại đoàn tham gia Chiến dịch đã được Bộ Chỉ huy mặt trận cử về báo cáo thành tích lên Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ, chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phần thưởng biểu dương bao gồm: Thưởng Huân chương Chiến sĩ (sau này được đổi tên thành Huân chương Chiến công), Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huân Chương Sao đỏ.. Trong tâm trí của các chiến sĩ Điện Biên khi ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ, chiến sĩ lập công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ, VIệt Bắc, tháng 5/1954. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cao quý đó do họa sỹ Nguyễn Bích (sinh năm 1925 tại Hà Nội) cùng họa sỹ Mai Văn Hiến (sinh năm 1923 tại tỉnh Tiền Giang) vẽ, thiết kế ngay từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ còn chưa kết thúc. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là người đã đưa ra ý tưởng và yêu cầu cần có một tấm huy hiệu mang tính biểu tượng cho tinh thần của chiến dịch, để cổ vũ và nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta.
Huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”
Chỉ trong khuôn khổ nhỏ, chiếc huy hiệu đã chứa đựng những hình ảnh khái quát, mang đậm giá trị sâu xa. Đó là người chiến sỹ với chiếc mũ nan đang giương súng chiến đấu với lá cờ đỏ sao vàng in dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” - giải thưởng luân lưu Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho các đơn vị, Đại đoàn trước khi lên đường ra mặt trận để các chiến sĩ phất cao cờ Bác trao trong mỗi trận thắng, bao quanh là quang cảnh núi, thể hiện địa hình chiến đấu hiểm trở của chiến trường Điện Biên Phủ. Trên huy hiệu còn có hình ảnh pháo binh - đơn vị Pháo cao xạ lần đầu tiên xuất trận tại Điện Biên Phủ và lập nên những chiến công xuất sắc và dòng chữ mang tính cổ động một cách ngắn gọn nhưng khái quát “Xuân 1954” - khẳng định quyết tâm ghi dấu chiến thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm đó. Nền huy hiệu có biểu tượng màu vàng là tượng trưng cho cánh đồng Mường Thanh, với sự chiến đấu kiên cường, anh dũng của những chiến sĩ Điện Biên đem lại mùa vàng ấm no trên cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc cho bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Cho tới nay hơn 67 năm đã trôi qua, tấm huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” vẫn là một trong những hiện vật có giá trị, biểu tượng cho niềm tự hào toàn thắng của dân tộc đối với những cựu chiến binh, gia đình cựu chiến binh và cả những thế hệ sau này vẫn gìn giữ và đeo trên ngực trong các ngày lễ trọng đại, để luôn nhắc nhở, tự hào và phấn đấu học tập, phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng của ông cha./.