Ngày 09 tháng 3 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 828/QĐ-BVHTTDL và 829/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó quyết định đưa di sản "Múa của người Khơ Mú” (loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian) tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên và Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)”(loại hình Tri thức dân gian) tại xã Tả Sìn Thàng, xã Lao Sả Phình, huyện Tủa Chùa; xã Huổi Lèng, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Như vậy tính đến năm 2021 toàn tỉnh Điện Biên đã có 12 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Di sản “Múa của người Khơ Mú” tỉnh Điện Biên.

Người Khơ Mú ở Điện Biên có khoảng hơn 22 ngàn người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu trên các triền núi cao hoặc vùng lưng chừng núi và ở hầu khắp các địa bàn như thành phố Ðiện Biên Phủ và các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng,Tuần Giáo,Tủa Chùa, Mường Chà,Nậm Pồ.

Trong văn hóa của người Khơ Mú có lẽ nổi bật nhất phải kể đến là những lễ hội truyền thống như Lễ cầu mưa, Lễ cầu mùa, Lễ cúng bản, Lễ mừng cơm mới...và không biết từ bao giờ, cộng đồng người Khơ Mú đã thực hành, phát huy các lễ hội truyền thống đó và cùng nhau sáng tạo nên những điệu múa gắn với nghi lễ, gắn với đời sống sinh hoạt mà người Khơ Mú gọi là “tẹ” mang nội dung về sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực của con người trước thiên nhiên; về cuộc sống lao động, sản xuất, vì sự ấm no của mỗi gia đình với cách thể hiện khỏe khoắn, sôi động và lạc quan. Trong đó nổi bật như: múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêps); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do), múa đuổi chim...Các điệu múa của người Khơ Mú gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Thông qua các động tác, âm nhạc, người Khơ Mú thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương, yêu lao động sản xuất. Ðồng thời cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng. 

Múa Tăm đao kết hợp với múa Ong eo của người Khơ Mú

Nghệ thuật múa của người Khơ Mú đã đã thể hiện được bản sắc văn hóa tộc người, chứa đựng tri thức dân gian của cộng đồng về ý nghĩa, giá trị của các điệu múa; góp phần bảo tồn trang phục truyền thống bởi khi múa, ngoài những động tác cơ bản thì trang phục dân tộc cũng tôn thêm vẻ đẹp của múa Khơ Mú và quá trình phát huy các điệu múa không thể không sử dụng trang phục dân tộc. Bên cạnh đó Nghệ thuật múa Khơ Mú còn góp phần bảo tồn các lễ hội truyền thống gắn liền với những tập quán xã hội và tín ngưỡng bởi khi lễ hội diễn ra là đồng nghĩa với việc người Khơ Mú thực hành các điệu múa, ngược lại, duy trì các điệu múa cũng là để phục vụ cho các lễ hội và các cuộc vui trong cộng đồng.

Với tính nhân văn, giàu ý nghĩa, cùng sự khác biệt, đặc sắc, nghệ thuật múa truyền thống của người Khơ Mú cần được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại.

Di sản “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang), tỉnh Điện Biên.

Người Hoa (người Xạ Phang) là dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên, dân số có khoảng hơn 2.000 người, cư trú thành bản, theo dòng họ ở một số xã thuộc các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa. Đến nay, người Xạ Phang vẫn còn giữ được rất nhiều di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có bộ trang phục truyền thống và những đôi giày thêu bằng phương pháp thủ công với những nét hoa văn tinh xảo, độc đáo; những đường thêu khéo léo, tài tình cùng những sắc màu rực rỡ, hòa quyện với cỏ cây, hoa lá thể hiện trình độ nghệ thuật và kỹ thuật điêu luyện của những người phụ nữ Xạ Phang.

Hiện nay chưa có tư liệu nghiên cứu nào chỉ rõ thời điểm xuất hiện và phát triển của việc chế tác và sử dụng các đôi giày tự thêu của người Xạ Phang, tuy nhiên qua các đợt điền dã nghiên cứu trên địa bàn cư trú khác nhau của người Xạ Phang đang sinh sống trong tỉnh Điện Biên đều được người dân cho rằng việc chế tác và sử dụng giày của họ đã có từ lâu đời, lớp người cao tuổi khẳng định từ khi họ mới sinh ra, đến khi trưởng thành, đủ khả năng nhận thức đã thấy các bà các chị thêu, khâu làm ra những đôi giày vừa bền vừa đẹp cho các thành viên trong gia đình sử dụng. Giày của người Xạ Phang được thêu hoa văn đẹp rực rỡ, cuốn hút, được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ. Ngay từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên, các bé gái người Xạ Phang đã được các bà, các mẹ, các chị hướng dẫn việc may vá, thêu thùa, làm các đồ dùng sinh hoạt và trang phục cá nhân. Những khi rảnh rỗi, dưới hiên nhà, không khó để bắt gặp những người phụ nữ cần mẫn với từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những đôi giày thêu vốn được coi là thước đo sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Xạ Phang. Để làm được một đôi giày thêu tốt phải trải qua nhiều bước: Lựa chọn chuẩn bị nguyên liệu đủ để làm giày, tiếp đến là lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, cắt tỉa tạo hình hoa văn và thêu hoa văn trên thân giày, khâu giáp thân giày, quai giày với đế để hoàn chỉnh giày.

Thiếu nữ Xạ Phang thêu giày thủ công

Một đôi giày hoàn chỉnh được tạo ra phải trải qua nhiều công đoạn và quy trình chặt chẽ, tỉ mỉ qua từng đường kim mũi chỉ không những tạo ra một sản phẩm vật chất thông thường, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người Xạ Phang mà nó còn là thành quả của những cố gắng, rèn luyện tích cực, học hỏi nghiêm túc và kết tinh sáng tạo của con người; mỗi sản phẩm được tạo ra trở thành tác phẩm nghệ thuật, trong đó chất chứa những tình cảm tâm tư và những ước mơ hy vọng của người làm ra nó. Để khi những người được sử dụng, được ngắm nhìn và nghiên cứu về những đôi giày thêu của người Xạ Phang luôn giữ thái độ tôn trọng với những người làm ra những đôi giày, nâng niu gìn giữ những giá trị văn hóa mà người Xạ Phang đã tạo ra, gửi gắm trên từng sản phẩm. Đối với người Xạ Phang, nghề thêu hoa văn và khâu giày có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống, không chỉ tạo ra một đồ vật hữu dụng cần thiết mà qua đó truyền tải những giá trị văn hóa tryền thống mà cha ông bao đời đúc kết, tạo dựng lên. Thông qua việc thực hành và trao truyền di sản người Xạ Phang muốn gửi gắm thông điệp mang tính giáo dục tới các thế hệ trẻ về những đức tính cần cù nhẫn nại, không ngừng học hỏi sáng tạo để tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống. 

Việc lập hồ sơ khoa học đối với di sản văn hóa phi vật thể Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bổ sung thêm nguồn tư liệu di sản văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.130.974
Online: 27