Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngành Quân y có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ quân y, dân y trực tiếp tham gia chiến dịch. Các “Chiến sĩ áo trắng” đã hết mình cống hiến để chăm sóc, cứu chữa thương binh ở mặt trận, giành giật sự sống cho các chiến sĩ, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại chung của dân tộc.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, đồng chí Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Quân y đã huy động thêm 8 đội điều trị kết hợp với 5 đội điều trị của các đại đoàn, cùng nhiều bác sĩ nổi tiếng lên Điện Biên Phủ như Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng,…
Bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh
Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Thứ trưởng Bộ y tế
Đồng chí Vũ Văn Cẩn – Trưởng Ban Quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chuẩn bị thuốc phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ
Những đoàn xe vận chuyển đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ
Những chiến sỹ Quân y dùng xe đạp thồ chở thuốc phục vụ chiến dịch
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Quân y đã xây dựng hầm hào, lán trại cho thương binh, bệnh binh. Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị được triển khai dưới mặt đất, ngành quân y của ta đã nâng một tầm cao mới. Tất cả các đội điều trị, bệnh xá cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đoàn đã thiết kế xây dựng “Bệnh viện ngầm” một cách hoàn chỉnh, khoa học bởi chính cán bộ chiến sỹ quân y và công binh. Mọi công tác được thực hiện đảm bảo an toàn, kịp thời cho việc cứu chữa thương binh. Các hầm được thiết kế có thể chống được phi pháo tương đối an toàn cho việc cứu chữa, nắp hầm lát các cây gỗ to, trên phủ một lớp đất, cột chống đỡ hầm lớn, có giường nằm bằng cây, lót lá, vải và ni lông. Mọi hoạt động chuyên môn, sinh hoạt của cán bộ, y, bác sĩ và thương binh, bệnh binh đều ở dưới hầm. Tuy không gian hầm chật hẹp nhưng có đầy đủ các phòng điều trị với chức năng cần thiết.
Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã sẵn sàng, Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định chọn ngày 13/3/1954 là ngày mở màn cho chiến dịch. Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam nổ súng tấn Trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Rạng sáng ngày 14/3/1954, những cáng thương binh đầu tiên đã về đến các đội điều trị, tổ chọn lọc nhanh chóng phân loại thương binh vào các khu để kịp thời cứu chữa.
Hầm Quân Y trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Các y, bác sỹ chăm sóc thương, bệnh binh trong trong hầm bệnh viện dã chiến
Các chiến sỹ Quân y thăm, khám và trao đổi kinh nghiệm ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ
Sang đợt tấn công thứ hai của chiến dịch, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, thương binh ngày một tăng lên nhưng các chiến sỹ áo trắng vẫn kiên cường, bền bỉ, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa thương binh. Kết thúc đợt tấn công vào các cao điểm trên dãy đồi phía Đông, số lượng thương binh của ta đã lên đến 4.378 người.
Ngày 01/5/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ 3, nhiệm vụ của đợt tấn công này là đánh chiếm các cứ điểm còn lại, chớp thời cơ tiến hành tổng công kích. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. 15 giờ, lực lượng của ta chia làm các mũi tiến công, tiến vào Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các mũi tiến công như thế gọng kìm siết chặt tiến thẳng vào Sở chỉ huy GONO bắt sống tướng De Castries. 17 giờ 30 phút, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm DeCastries, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng kết thúc lợi. Trong đợt tấn công cuối cùng, cán bộ quân y của ta đã cứu chữa cho 1.817 thương binh.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ các chiến sỹ Quân y còn cứu chữa, chăm sóc cả những tù binh của Pháp. Đây là một trong những chính sách khoan hồng của Quân đội nhân dân Việt Nam dành cho Quân đội Pháp. Số tù binh Pháp bị thương nằm trong các hầm hào đã được ta đưa ra ngoài cứu chữa vết thương cho đến khi cấp trên có chủ trương trao trả số tù binh cho quân đội Pháp.
Thương binh Pháp được các chiến sỹ Quân y cứu chữa và chăm sóc tại mặt trận Điện Biên Phủ
Thương binh Pháp được trao trả về nước
Trong 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ Quân y đã chăm sóc, cứu chữa cho gần 15.000 thương bệnh binh của Việt Nam và 1.500 thương bệnh binh của Pháp. Việc chăm sóc, cứu chữa và trao trả tù binh Pháp tại mặt trận Điên Biên Phủ làm cho Pháp và cả thế giới thấy rõ chính sách khoan hồng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tính chính nghĩa cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ, trưng bày và giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật về công tác Quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như các y cụ, dụng cụ hỗ trợ, thuốc men…
Một số dụng cụ y tế của các y, bác sỹ sử dụng để cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiếc Vung nồi của đ/c Cao Thị Nhu - Y tá đội điều trị Đại đoàn 308 sử dụng để chia cơm cho Quân Pháp
Hình ảnh mô phỏng những căn hầm quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Với nhiều tài liệu, hiện vật, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mong muốn tái hiện một phần hình ảnh của các chiến sĩ Quân y, từ đó giúp khách tham quan có cái nhìn khái quát nhất về công tác Quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ.