Có những bản cheo leo lưng chừng núi, có những bản phải lội suối, lội khe, có những bản chẳng có đường bê tông cấp phối mà chỉ là con đường mòn nhỏ hình thành từ bước chân bà con đi nương, rẫy,... những con đường mà nếu hỏi lối đi vào ngày trời mưa thì bà con bản địa sẽ xua tay “Ô cán bộ ơi, bản đó mưa là không đi được đâu”, ấy vậy mà chẳng biết tự bao giờ, mọi con đường khó khăn vào các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều được các cán bộ chiếu phim lưu động chinh phục, vượt qua, để mang đến cho bà con nhân dân niềm hạnh phúc của người già, ánh mắt háo hức, mong chờ của lũ trẻ vùng cao mỗi khi có các đội chiếu phim lưu động về bản.
Chiếu phim lưu động là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội cao, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo nói chung và đặc biệt với đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng. Các đội chiếu phim lưu động với vai trò là đội quân xung kích làm nhiệm vụ quan trọng, góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 3 đội chiếu phim lưu động, với khoảng bình quân 1400 buổi chiếu/năm. Công tác chiếu phim lưu động được xác định là một nhiệm vụ chính trị của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời là hoạt động thường xuyên và là một khâu quan trọng trong công tác phổ biến phim tại địa phương. Đối với một tỉnh miền núi, biên giới, do địa hình chia cắt, giao thông đi lại, điều kiện kinh tế cũng như việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông khác còn quá nhiều khó khăn như Điện Biên, thì hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ tại các địa bàn thôn, bản đã trở thành một món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào nơi đây.
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng đó, với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là địa chỉ phục vụ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tập trung mọi nguồn lực, xây dựng các kế hoạch, chương trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, động viên viên chức, người lao động của 03 đội chiếu phim lưu động chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương và sự đón nhận nhiệt tình của bà con dân bản để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Các đội chiếu bóng lưu động đã luôn tích cực, không quản ngại khó khăn, từng bước đi bền bỉ, nhiệt huyết, đầy quyết tâm đưa những thước phim hay, có giá trị tuyên truyền sâu sắc đến với bà con vùng cao.
Một buổi chiếu phim lúu động tại cơ sở (tư liệu trước dịch Covid-19)
Từ cuối năm 2019 đến nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và có ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các mục tiêu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp một cách linh hoạt phù hợp với từng thời điểm đáp ứng cơ bản yêu cầu và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. Theo đó, hoạt động chiếu bóng vùng cao cũng bị ảnh hưởng lớn, các hoạt động chiếu phim vùng cao phải linh hoạt chuyển đổi thành các hình thức tuyên truyền khác.
Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành tại địa phương, hoạt động chiếu phim luôn đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả đảm bảo đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó đội ngũ cán bộ viên chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh năng động, sáng tạo, đoàn kết, phát huy năng lực cá nhân, trí tuệ tập thể, nhiệt tình công tác, yêu ngành, yêu nghề, vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoạt động chiếu phim vùng cao trên địa bàn tỉnh được duy trì và hoạt động hiệu quả. Riêng trong năm 2021 hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các dân tộc vùng cao, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và chuyển đổi phương thức hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19 từ chiếu phim sang tuyên truyền bằng xe máy gắn loa. Kết quả đạt cụ thể như sau: Chiếu phim lưu động và tuyên truyền xe loa phục vụ cơ sở: 1.346 buổi đạt 112,16% kế hoạch/năm (trong đó 387 buổi CPLĐ, 959 buổi tuyên truyền xe loa - chuyển đổi hình thức tuyên truyền do tình hình dịch covid-19).
Theo Thông tư số 08/2015/TT-BVHTTDL ngày 23/10/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hoạt động của Đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng hoặc Trung tâm Điện ảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cần thiết phục vụ công tác của Đội chiếu phim lưu động bao gồm: Thiết bị chiếu phim (máy chiếu phim công nghệ số; máy lưu, giải mã tín hiệu chiếu phim; hệ thống âm thanh phù hợp; máy laptop); phương tiện vận chuyển cơ giới (ô tô chuyên dụng, xe máy); máy phát điện; các thiết bị, phương tiện cần thiết khác được trang bị đồng bộ, phù hợp với điều kiện ở từng địa bàn hoạt động.
Tuy nhiên, thực trạng công tác phổ biến phim thông qua đội chiếu phim lưu động của tỉnh Điện Biên cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc (trừ các tỉnh, thành phố lớn) thì khó khăn chung lớn nhất là trang thiết bị lạc hậu, không còn phù hợp, không thích ứng với phim sản xuất theo công nghệ kỹ thuật số hiện nay nên càng khó khăn hơn trong việc tìm nguồn phim mới. Nguồn phim rất ít, chưa sát so với nhu cầu, chưa phù hợp với văn hóa từng vùng miền... nên chưa thu hút và đáp ứng được nhu cầu khán giả đặc biệt là khán giả trẻ tuổi.
Đặc biệt, từ năm 2011, mục tiêu về phát triển điện ảnh không được đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 khiến cho hoạt động chiếu phim lưu động gặp rất nhiều khó khăn, khi công nghệ sản xuất phim chuyển từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số, nguồn phim nhựa để cung cấp cho các đội chiếu phim lưu động cũng như kinh phí để đầu tư trang thiết bị cho chiếu phim kỹ thuật số rất hạn chế.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho các Đội chiếu phim lưu động đang còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị và chính sách thu hút. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm quyết tâm khắc phục các khó khăn, các đội chiếu phim lưu động tỉnh Điện Biên vẫn phải tự đầu tư, trang bị phương tiện xe máy cá nhân để đưa được phim tới thôn, bản; các viên chức phải dùng chính sức mình để mang thiết bị mà không có phương tiện hỗ trợ.
Những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi cần có một cơ chế hỗ trợ đặc thù để tiếp sức cho hoạt động có ý nghĩa quan trọng này.
Năm 2018, theo Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ,Trung tâm Phát hành phim & Chiếu bóng tỉnh Điện Biên nay là Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên được trang bị:
- 01 bộ thiết bị chiếu phim gồm 10 đầu mục có tổng dự toán mua sắm là 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng chẵn).
- Phương tiện vận chuyển gồm 03 hạng mục, có tổng dự toán mua sắm là 850.000.000 đồng (Tám trăm năm mươi triệu đồng chẵn), trong đó có 01 ô tô bán tải hoán cải (do đơn vị chuyên nghiệp có đủ điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành thực hiện hoán cải) được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành trên đường và trở thành xe ô tô chuyên dùng chiếu phim lưu động. Toàn bộ trang thiết bị, phương tiện vận chuyển đều mới 100%, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng.
Việc đầu tư trên thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh để từng bước tháo gỡ các khó khăn của hoạt động chiếu phim lưu động ở địa phương, một chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phù hợp cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nói chung xem ra cũng là bài toán khó, bởi số lượng vẫn ít so với nhu cầu. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên thì những cải tiến đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết là cần phải có sự đầu tư những trang thiết bị mới, gọn nhẹ (nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng hình ảnh, âm thanh) thay thế cho những thiết bị lạc hậu mà trong nước và trên thế giới không còn sử dụng, đổi mới công nghệ và phương thức phục vụ tốt hơn. Phải nâng cấp, đổi mới thiết bị chiếu phim kỹ thuật số với chất lượng video sắc nét, phát hình độ phân giải cao, đầu phóng hình phải đạt tiêu chuẩn chiếu phim HD, 2D, 3D, âm thanh lập thể, đa chiều sống động, có đầu thu kỹ thuật số để lưu trữ phim và thường xuyên cập nhật phim mới nhất, hay nhất.
Việc đầu tư trang thiết bị chiếu phim kỹ thuật số phù hợp cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng trong hoạt động chiếu phim lưu động hiện nay, như vậy mới mong đáp ứng được về mặt kỹ thuật cũng như thị hiếu người xem trên địa bàn nông thôn, miền núi.
Để hoạt động chiếu phim lưu động tiếp tục phát huy hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời phát huy tốt vai trò là kênh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, thiết nghĩ cần có những giải pháp về cơ chế chính sách đãi ngộ với cán bộ làm công tác chiếu phim vùng cao, về đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cũng như những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động chiếu phim vùng cao, cụ thể
Một là: tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh đối với công tác thông tin tuyên truyền dặc biệt là chiếu bóng vùng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường sự quan tâm, phối hợp của lãnh đạo địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Đội tuyên truyền và chiếu phim lưu động khi về cơ sở thực hiện nhiệm vụ.
Hai là: Tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đội chiếu bóng vùng cao, tạo sức mạnh tổng hợp đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền trong thời kỳ mới.
Ba là: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho đơn vị hoạt động như: trang bị máy móc chuyên dùng để thực hiện nhiệm vụ; thay đổi chế độ chính sách, đãi ngộ cho người làm công tác chiếu phim lưu động; tăng cường công tác xã hội hoá trong hoạt động Điện ảnh nói chung và chiếu phim lưu động nói riêng
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, định hướng và yêu cầu các thành viên trong đội có kế hoạch sử dụng thời gian hợp lý, nhất là khoảng thời gian trống để tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi để nâng cao kĩ năng tuyên truyền song ngữ trước giờ chiếu.
Năm là: Tiếp tục quan tâm đầu tư thay đổi nội dung chương trình, hình thức tuyên truyền hấp dẫn hơn, phong phú hơn và thu hút sự quan tâm của người xem. Các thông tin được sân khấu hoá một cách sinh động, dễ hiểu, dễ áp dụng vào đời sống thực tiễn của quần chúng nhân dân.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, chúng ta hy vọng rằng các hoạt động của đội chiếu phim lưu động của tỉnh ngày càng được nâng cao, truyền tải được nhiều nội dung đáp ứng được nhu cầu của người dân tỉnh nhà, đồng thời góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển về mọi mặt./.