Văn hoá các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của nền văn hoá các dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc là việc có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ “bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra.

 Với người Thái có những nét văn hóa đặc trưng về kiến trúc nhà ở là nhà sàn, trang phục truyền thống với áo cóm, khăn piêu và nhiều lễ hội độc đáo như xên bản, xên mường, Lễ Kin pang Then, Kin pang Một, Kin lẩu nó, lễ Then Cầu con, lễ mừng cơm mới, hội hạn khuống...

Dân tộc Thái có cả kho tàng về ngữ văn dân gian và thường xuyên duy trì nghệ thuật trình diễn dân gian như các làn điệu dân ca Thái, đặc biệt là Nghệ thuật Xòe Thái (múa Thái) với rất nhiều điệu xòe, trong đó Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái.

Nghệ thuật Xòe Thái phát triển đến nay là một minh chứng lịch sử cho sự phát triển của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Thông qua Nghệ thuật Xòe giúp các nhà nghiên cứu tìm về quá khứ để khám phá lối sinh hoạt và những tư duy sáng tạo của người xưa để cho ra đời một di sản văn hóa như ngày nay hay nói cách khác là để khẳng định chủ nhân của loại hình nghệ thuật này. Từ đó chúng ta nhận diện được đó là bản sắc văn hóa riêng có của người Thái.

Nghệ thuật Xòe đã trở thành phong tục của người Thái và cuốn hút mọi người cùng hòa một nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. Nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên khá phong phú với nhiều điệu xòe như: Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt,  Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai. Hầu hết các điệu xòe đều bắt nguồn từ trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất và trong tín ngưỡng. Xòe Thái được cộng đồng gìn giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Rất khó xác định thời điểm chính xác xuất hiện các điệu xòe nhưng thành tựu về sự phát triển của Nghệ thuật Xòe Thái đến ngày nay là không thể phủ nhận.

Tại các bản, người Thái đều thành lập đội văn nghệ, họ thường xuyên múa xòe mỗi khi có công việc của bản và tham gia các hoạt động văn hóa của xã, huyện, tỉnh khi có sự kiện. Các điệu xòe không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn phát huy giá trị ở nhiều không gian văn hóa khác nhau như: Tại các sân khấu chuyên nghiệp, trong các lễ hội, ngày hội văn hóa, thể thao du lịch; trong các hội thi, hội diễn của Trung ương và địa phương; các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc hoặc trong các hoạt động đối ngoại. Nghệ thuật Xòe Thái trở thành sợi dây cố kết cộng đồng các dân tộc và mọi du khách khi đến với Điện Biên.

Âm nhạc trong Nghệ thuật Xòe đã góp phần tạo nên không gian vui tươi rộn rã của bản mường Thái mỗi dịp tổ chức xòe vòng mà không phải dân tộc nào cũng có. Nhạc cụ cổ xưa nhất trong Nghệ thuật Xòe là các sản phẩm của tự nhiên như những đoạn gỗ, tre, nứa từng gắn bó với con người từ thuở hoang sơ ở núi rừng dùng gõ nhịp vào nhau để tạo ra âm thanh hòa theo nhịp điệu xòe, sau này con người đã sáng tạo ra các loại nhạc cụ như: trống, chiêng, chũm chọe, đàn tính (tính tảu), đàn nhị… Ngày nay được sự quan tâm của Đảng, nhà nước về các chính sách dân tộc nên phần lớn các nhà văn hóa bản đã được hỗ trợ các trang thiết bị như tăng âm, loa đài, trống và các loại nhạc cụ tạo thuận lợi cho bà con dân bản tổ chức hội xòe.

Ngoài ra, trang phục của đồng bào dân tộc Thái trong xòe vòng càng  làm tôn thêm nét đẹp truyền thống, đặc biệt đối với phụ nữ Thái càng duyên dáng hơn nhờ chiếc cóm (áo nữ) đủ màu sắc đính hàng khuy bạc hình bướm, hình nhện, hình ve sầu…chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân kết hợp với chiếc váy vải màu đen, hình ống dài tha thướt; eo lưng được thắt bằng dải lụa hoặc mảnh vải màu xanh lá cây; dây xà tích bạc đính hình lục lạc, con bướm, ve, cá đeo ngoài cạp váy càng tạo nên nét quyến rũ của người phụ nữ Thái trong điệu xòe. Vào những ngày lễ trọng đại khi tham gia xòe người phụ nữ Thái trắng còn mặc thêm áo dài đen. Nữ Thái Đen đội piêu (khăn), nổi bật với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Trang phục nam của người Thái có màu quần áo phổ biến là màu chàm.

Duy trì Nghệ thuật Xòe  đã góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Thái như: Bảo tồn Nghệ thuật trình diễn dân gian - các điệu múa, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống cũng được phát huy giá trị; bảo tồn tập quán xã hội và tín ngưỡng - một số nghi lễ như: Kin pang Then, Kin pang Một, Kin lẩu nó, các lễ xên Then (cúng Then)...đều có Nghệ thuật Xòe như Xòe vòng, xòe khăn, xòe quạt. Điều này cho thấy sự tác động 2 chiều giữa thực hành nghi lễ với thực hành Xòe Thái, cả 2 loại hình di sản cùng tồn tại và bổ trợ cho nhau, vì thế có thể khẳng định Nghệ thuật Xòe Thái có ý nghĩa và vai trò nhất định trong việc bảo tồn một số nghi lễ truyền thống.

Hội thảo khoa học quốc tế về nghệ thuật Xòe Thái

 Hiện nay, Nghệ thuật Xòe không chỉ dành cho người Thái mà còn có sự lan tỏa tới các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt là Xòe vòng. Có thể do Xòe vòng là điệu múa có động tác đơn giản, dễ thực hiện hoặc do sức hút của điệu múa vốn thuộc về tất cả những ai yêu thích và sẵn sàng tham gia vòng xòe bởi đây là điệu múa không phân biệt dân tộc, tuổi tác hay giới tính, càng nhiều người tham gia càng thiết lập nhiều vòng xòe, khi đó tinh thần cộng cảm của con người càng được nhân lên. Mỗi người đều xiết chặt bàn tay, đưa bước chân xòe, nhìn nhau trìu mến và trao nhau cho nhau nụ cười ấm áp để cùng thắp lên niềm tin, sự lạc quan về ngày mai tươi sáng. Xòe vòng đã trở thành sinh hoạt quan trọng, là điểm nhấn văn hóa và thường là hoạt động kết thúc của chương trình nghệ thuật của tỉnh Điện Biên khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và tổ chức các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh.

Trong  xu thế hội nhập của đất nước có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài nên Nghệ thuật Xòe truyền thống của dân tộc Thái đang có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh những điệu xòe truyền thống diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại, ít nhiều đã phá vỡ tính nguyên gốc của Nghệ thuật Xòe truyền thống. Cùng với nó là sự biến đổi về âm nhạc, nhiều nơi đã thay thế nhạc truyền thống bằng âm nhạc hiện đại. Thế hệ trẻ khi xòe thấy rất rõ không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Có nhiều điệu Xòe đến nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về múa và những người cao tuổi, còn lại không được thực hành rộng rãi.

Mặt khác, sự tồn tại của Nghệ thuật Xòe không chỉ phản ánh nét văn hóa đặc trưng và là cơ sở nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc Thái mà còn là di sản góp phần điểm tô cho bức tranh văn hóa đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam.

Chính vì lẽ đó chúng ta càng phải quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái. Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái mang đậm nét văn hoá truyền thống và giá trị nghệ thuật cao như:

- Triển khai các Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế xã hội qua các giai đoạn. Thông quan việc triển khai thực hiện Đề án, nhiều loại hình di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái. Thực tế, tỉnh Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái, ưu tiên truyền dạy các điệu xòe cho các bản, các đội văn nghệ người Thái.

- Thông qua hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát huy các điệu múa cũng như âm nhạc trong múa của người Thái.

- Đã tiến hành tư liệu hóa một số di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm cả Nghệ thuật Xòe Thái như: Các phim, ảnh, sách về nghệ thuật Xoè Thái.

- Quan tâm tới các nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ, thực hành và truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái; đã triển khai việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó kịp thời tôn vinh các nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy Nghệ thuật Xòe; đồng thời động viên, khích lệ các nghệ nhân có nhiều cống hiến hơn nữa đối với việc gìn giữ di sản văn hóa nói chung.

- Tổ chức các Hội thi, Hội diễn; tổ chức Hội xuân và các chương trình nghệ thuật phục vụ các hoạt động, sự kiện chính trị của tỉnh. Trong đó tỉnh đã chú trọng tới việc trình diễn, phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái.

- Duy trì tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội đền Hoàng Công Chất tại thành Bản Phủ; ngay tại cộng đồng cũng tổ chức các lễ hội quy mô nhỏ như  lễ cúng bản, lễ mừng cơm mới. Bên cạnh đó, tỉnh  còn tổ chức tốt Ngày hội văn hóa, thể thao và Du lịch, đồng thời tỉnh đã tham gia các ngày hội do Trung ương tổ chức như: Ngày hội văn hóa  Thái. Trong các lễ hội và ngày hội đã giúp Nghệ thuật Xòe Thái được trình diễn, được tái hiện ở nhiều không gian văn hóa khác nhau góp phần bảo tồn vẻ đẹp tinh túy của nghệ thuật truyền thống và giới thiệu tới đông đảo du khách hiểu được nét văn hóa của người Thái.

- Chú trọng việc phát triển các đội văn nghệ quần chúng, họ được xem là các hạt nhân, là đại diện của cộng đồng đã  thường xuyên thực hành, truyền dạy và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái.

- Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thực hành Nghệ thuật Xòe Thái giúp cộng đồng  nắm rõ kỹ năng thực hành và phát huy được vai trò của chủ thể văn hóa đối với việc phát triển Nghệ thuật Xòe.

- Phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng: Thông qua các bản văn hóa du lịch, mô hình homestay tỉnh Điện Biên không chỉ duy trì và phát triển các đội văn nghệ thường xuyên thực hành Xòe Thái mà còn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu văn hóa, du lịch Điện Biên và tham gia trải nghiệm một số điệu xòe truyền thống. Bản thân mỗi thành viên trong đội văn nghệ đã có ý thức, trách nhiệm cùng với sự đam mê về giá trị thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật mà cha ông để lại nên họ sẽ tiếp tục giới thiệu nét đẹp văn hóa ấy tới nhiều du khách. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các đội văn nghệ, hàng năm bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư hỗ trợ cho nhà văn hóa các bản tăng âm, loa đài, trống...Điều đó đã đem lại niềm vui cho dân bản, để rồi mỗi dịp vui hay những ngày lễ tết, người dân lại sum vầy tại nhà văn hóa cùng ca hát, nhảy múa và nối vòng tay lớn thiết lập vòng xòe.

 - Phát huy Nghệ thuật Xòe Thái trong hoạt động đối ngoại: Trong thời kỳ hội nhập, các nước bắt tay nhau để cùng phát triển về mọi mặt. Do đó tỉnh Điện Biên đã đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thông qua Ngày hội ném còn Việt - Lào - Trung, đại diện nhân dân 03 nước đã nắm tay nhau, xiết chặt vòng xòe, cùng đưa bước chân nhịp nhàng trong tiếng trống xòe rộn rã. Bằng việc tham gia các hoạt động giao lưu về văn hóa đã mở ra một trang mới trong công tác đối ngoại, hứa hẹn có thêm nhiều sự hợp tác để cùng phát triển.

- Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái đó là tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNECO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào hồi 17 giờ 11 phút ngày 15/12/2021 theo giờ Việt Nam, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris, thủ đô nước cộng hoà Pháp, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó cho thấy Nghệ thuật Xòe Thái không chỉ là di sản của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên mà còn là di sản chung của toàn nhân loại. Di sản sẽ được bảo vệ theo công ước quốc tế về văn hóa.

Di sản Nghệ thuật Xòe là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Thái, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần tăng cường giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các quốc gia đồng thời nâng cao cả về thể lực, trí lực, trình độ thẩm mỹ cho công chúng yêu và có sở thích tham gia nghiên cứu, thực hành nghệ thuật xòe Thái. Vì vậy, cần hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống bao gồm cả di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trong Nghệ thuật Xòe Thái. Ngày nay Nghệ thuật Xòe còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Do vậy, trong thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc nói chung, Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng nhằm gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.304.774
Online: 29