Bảo tàng tỉnh Điện Biên có tiền thân từ phòng Bảo tàng thuộc ty Văn hóa Thông tin tỉnh Lai Châu, được thành lập vào năm 1963. Bảo tàng tỉnh có vị trí, vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày, giới thiệu các hiện vật phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên với sứ mệnh cung cấp cho khách tham quan những hiểu biết về bản sắc văn hóa địa phương, là kho tàng để tìm hiểu về đời sống văn hóa, cội nguồn của dân tộc trong tỉnh.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh chưa có trụ sở làm việc, nhà trưng bày của bảo tàng được trưng bày tạm tại tầng I kho hiện vật lòng hồ thủy điện Sơn La với diện tích gần 300m2. Vị trí trưng bày khuất, nằm ở phía sau khu nhà làm việc cơ sở II của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; diện tích hẹp, cơ sở vật chất và thiết kế công năng chưa đáp ứng yêu cầu của một nhà trưng bày bảo tàng do đó chưa thu hút được du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan Bảo tàng, một số cơ quan, đơn vị và nhân dân địa phương còn chưa biết đến vị trí của nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh. Nhiều hoạt động trưng bày chuyên đề, bộ sưu tập…, trình diễn văn hóa phi vật thể của các dân tộc chưa được thực hiện tại Bảo tàng, chưa phát huy hết giá trị của hiện vật.

Nhận thấy việc phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh  phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước là hết sức cần thiết, năm 2021, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh được đầu tư kinh phí, sửa chữa, chỉnh trang nhà kho bảo quản hiện vật di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên thành nơi trưng bày của Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Từ đó nhằm tạo dựng cơ sở vật chất, đảm bảo mỹ quan trưng bày, đáp ứng yêu cầu trưng bày, tuyên truyền về giá trị lịch sử cũng như văn hóa các dân tộc trong tỉnh phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách, góp phần quảng bá nét văn hóa của vùng đất, con người Điện Biên tới đông đảo du khách trong và ngoài nước; đưa bảo tàng trở thành điểm đến quan trọng, hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến với Điện Biên. Đồng thời, tạo thêm cơ sở hạ tầng đặc trưng cho ngành du lịch khai thác phát triển tour, tuyến tham quan mới phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Việc cải tạo, chỉnh trang Nhà trưng bày được bắt đầu từ tháng 10 năm 2021 và đang gấp rút hoàn thiện đưa vào phục vụ khách tham quan vào năm 2022. Sau khi cải tạo, Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Điện Biên có diện tích trưng bày khoảng hơn 300m2. Nội dung trưng bày được chia thành 5 phần:

Phần I: Điện Biên đất và người: Cung cấp cho khách tham quan những thông tin ban đầu về Điện Biên - một phần lãnh thổ Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc và những đặc điểm về địa lý, địa chất, các hệ sinh thái, tài nguyên môi trường, những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng 19 dân tộc trước khi tham quan phần trưng bày về lịch sử, văn hóa tỉnh Điện Biên.

Phần II: Điện Biên theo tiến trình lịch sử: Phản ánh tiến trình lịch sử tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ.

Phần III: Bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên: Giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của 4 nhóm ngôn ngữ đang sinh sống trên địa bàn.

Phần IV: Điện Biên thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển: Phản ánh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng tỉnh Điện Biên từ những năm đầu thời kỳ đổi mới đến nay thông qua phần trưng bày

Phần V:  Trưng bày chuyên đề: Được thay đổi theo chủ đề, chủ điểm và theo bộ sưu tập trong kho cơ sở.

Sau khi Nhà trưng bày hoạt động trở lại, Bảo tàng tỉnh Điện Biên sẽ từng bước thực hiện hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, thu hút lượng khách tham quan ngày càng đông; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm cho các em học sinh, sinh viên trên địa bàn để gia tăng sự hiểu biết về lịch sử của mảnh đất cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây khi đến tham quan Bảo tàng.

Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Điện Biên là nơi trưng bày, giới thiệu về lịch sử hào hùng của mảnh đất và bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống tại đây đồng thời giới thiệu những thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh Điện Biên nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; là địa chỉ, điểm đến hấp dẫn, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi phát triển du lịch, đáp ứng được nhu cầu tham quan của người dân và du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng du lịch, kinh tế của tỉnh, trở thành không gian học tập, giáo dục đối với thế hệ trẻ.Với hình thức trưng bày bắt kịp xu hướng hiện đại, đẹp, hấp dẫn và sống động. Trong đó hiện vật gốc là trung tâm của các nội dung trưng bày, kết hợp với các tài liệu, tư liệu ảnh, video, thông tin mà bảo tàng đã thu thập, khám phá, nghiên cứu và sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại.

Đến với bảo tàng, du khách đều cảm nhận được đây là nơi lưu giữ và kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; là tấm gương phản chiếu về đặc điểm tộc người, về kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương qua các thời kỳ lịch sử. Điều này thể hiện rõ nét qua việc trưng bày, lưu giữ, bảo quản những hiện vật gốc phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa của tỉnh Điện Biên từ thời tiền sử đến đương đại. Giúp du khách dễ dàng tiếp cận để nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm một cách tập trung và thuận lợi nhất. Những giá trị văn hoá đó được ẩn chứa trong mỗi hiện vật của bảo tàng, đó là các hiện vật gắn với lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian; nói cách khác, mỗi hiện vật bảo tàng đều có ý nghĩa, giá trị và những câu chuyện về văn hoá nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.482.356
Online: 39