Tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là mục tiêu cao nhất trong trận chiến với Thực dân Pháp của quân và dân ta tại thung lũng Mường Thanh. Bằng phương án "Đánh chắc, tiến chắc" với 3 đợt tiến công theo kế hoạch chặt chẽ đã định, ta dần bóc từng lớp vỏ từ ngoài vào trong của "con nhím" nguy hiểm này. Nếu như trong đợt một ta nhanh chóng tiêu diệt những vị trí vòng ngoài phía Bắc và Đông Bắc, thì đợt hai ta vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch trước khi có thể tiêu diệt được Sở chỉ huy của chúng. Trận đấu gay gắt nhất diễn ra tại A1, cứ điểm được coi là "lá chắn cuối cùng", "cánh cửa" để vào trung tâm chỉ huy.
A1 là ký hiệu trên bản đồ quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, Thực dân Pháp gọi cứ điểm này là Elian 2, tên gọi của người con gái đẹp nước Pháp cũng như phần lớn các cứ điểm khác trong hệ thống liên hoàn 49 cứ điểm được coi là “mạnh nhất Đông Dương” lúc bấy giờ. Với tầm quan trọng của quả đồi này, ngay từ khi bắt đầu xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp đã không tiếc tay để biến cứ điểm Elian 2 thành hệ thống hỏa lực lợi hại, một tử địa đẫm máu nếu Việt Minh tấn công vào đây. Tại đây được bố trí làm 3 tuyến phòng ngự: Ngoài cùng là tuyến phòng ngự được bố trí các phân đội bộ binh, quân dù và hệ thống hàng rào dây thép gai với đủ loại có gài xen kẽ rất nhiều mìn; lưng chừng đồi là tuyến ngăn chặn, bố trí các phân đội hoả lực mạnh các loại vũ khí như súng cối, súng DKZ, trọng liên và trong cùng phía trên đỉnh đồi, là tuyến cố thủ, có cơ quan chỉ huy cứ điểm với hệ thống hầm kiên cố, nối liền với các đường hào liên thông với toàn bộ cứ điểm.
Lực lượng chiếm đóng A1 là Tiểu đoàn 1 Trung đoàn số 4 Bộ binh Ma Rốc và liên tục được bổ xung các đơn vị thiện chiến khác. Ngoài ra pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm, hoả lực bắn thẳng ở cứ điểm A3, C2, không quân, xe tăng cũng sẵn sàng chi viện cho cứ điểm A1 bất cứ lúc nào.
Cùng với dãy cao điểm phía Đông khác như C1, C2, D1, D2, D3, E1, E2, ta nổ súng tấn công A1 vào chiều muộn ngày 30/3/1954. Do mât liên lạc ngay từ nhưng giờ đầu, A1 tiến đành muộn hơn dự kiến nửa giờ. Đơn vị đảm nhiệm tiêu diệt A1 là Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 lần lượt thay thế nhau chiến đấu. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây luôn ở thế giằng co, vô cùng khốc liệt, ta và địch luôn ở tình thế mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm. Mặc dù thương vong không phải là ít nhưng ta tiêu diệt được khá nhiều sinh lực địch. Đã nhiều lần Việt Minh ở thế thượng phong, có cơ hội lại tiến lên đỉnh đồi nhằm tiêu diệt toàn bộ cứ điểm giành thắng lợi quyết định nhưng không vượt qua được vì hỏa lực quá mạnh. Nhiều lần thất bại khi cố vượt lên trên, đỉnh đồi A1 đã trở thành là một ẩn số đối với các đơn vị làm nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm này trong khi ở một số quả đồi bên cạnh, quân ta đã làm chủ gần hết các cứ điểm khác trong dãy phòng ngự phía Đông của De Castries. Cùng với việc bị mất nhanh chóng các cứ điểm khác, Thực dân Pháp cũng dồn mọi cố gắng vào cứ điểm A1 bằng việc tăng lực lượng, tăng khí tài quân sự càng làm cho bài toán A1 trở nên nan giải, khó khăn hơn.
Bản mệnh lệnh cho no khối bộc phá trên đồi A1
Cuộc họp Đảng ủy mặt trận sơ kết đợt tấn công vào khu Đông đã đưa ra những đánh giá, nhận định và quyết định tiếp tục những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2 chiến dịch trong đó quan trọng là giải quyết dứt điểm A1 thừa cơ vượt cầu Mường Thanh tiến vào Sở chỉ huy của De Castries. Theo đó ta đã chưa nghiên cứu kỹ trận địa trên A1, không phát hiện được hầm ngầm bí mật của chúng nên không dự kiến cách giải quyết. Ta biết được thông tin này và ước chừng vị trí của chiếc hầm đó nhờ một người dân địa phương. Căn hầm này là một hầm ngầm đào sâu vào đồi, vốn là hầm rượu vang của toà công sứ Pháp trước năm 1945, đã được tận dụng thành căn cứ quân sự ngay từ những ngày đầu khi chiếm đóng Điện Biên Phủ. Diện tích hầm khoảng 18m2 và được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm có hai cửa lên xuống, được làm bằng những vật liệu vô cùng chắc chắn bốn bên là tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ những lớp bê tông dày, khi cần thiết có thể dùng làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người.
Về phía quân ta việc xác định vị trí hầm và việc áp sát tiêu diệt là khó khả thi trong điều kiện địch đã tập trung binh, hỏa lực mạnh nhất về đây hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những tính toán kiên quyết để tiêu diệt bằng được căn hầm. Một kế hoạch “Lấy hầm trị hầm” được vạch ra, có tính chất quyết định tiêu diệt cứ điểm A1. Sáng kiến đào đường hầm để đưa bộc phá nghìn cân vào phá sào huyệt được đề xuất bởi Trung đoàn 174 và đây sẽ là một kỳ công, một bất ngờ ta dành cho Pháp trên cao điểm quan trọng này.
Việc đào đường hầm tốn khá nhiều thời gian và công sức của các chiến sĩ ta vì đất Đồi A1 rất rắn, cứng. 25 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cán bộ công binh của Bộ, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân địch, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Ngày 20/4/1954 Đội công binh M83 được lệnh đào hầm. Đêm đầu tiên đội chọn 3 đồng chí khoẻ nhất là Lưu Viết Thoảng, Nguyễn Bạch, Nguyên Văn Khối từ 1 vách hào cụt lên khoét cửa hầm. Khi khoét vào mỗi bề được 90cm thì đồng chí Trung đội trưởng bộ binh đứng yểm trợ bị một viên đạn trúng ngực đã hy sinh anh dũng.
Đêm thứ hai, 12 chiến sĩ chia làm 4 tổ thay phiên nhau mở tiếp đường hầm dưới các làn đạn bắn và lựu đạn của địch đường hầm chỉ mở sâu thêm được 80cm. Những ngày sau năng xuất có khá hơn nhưng càng vào sâu càng thiếu dưỡng khí nên chỉ bố trí một người đào, còn một người bên cạnh ra sức quạt, ở phía ngoài 2 đến 3 người nối theo nhau dùng quạt nan quạt không khí vào. Mỗi tổ chỉ đào được nửa tiếng đã phải thay ca. Càng vào sâu đất moi ra càng nhiều, đổ ra ngoài sợ bị lộ nên đã phải dùng túi dù đựng đất để chuyển ra ngoài đắp thêm vào các bờ công sự và chuyển đi xa; càng vào sâu tim hầm càng không thẳng, bộ đội ta đã có sáng kiến dùng chiếc đèn Sô-lếch xách tay đặt chuẩn ở cửa hầm để chiếu sáng và chỉnh hướng.
Trong khi đào hầm các chiến sĩ đã phát hiện có tiếng động như tiếng giày của địch đi phía trên hầm. Để đề phòng địch phát hiện phá đường hầm, ta lại có sáng kiến đào thêm một ngách râu tôm sang hướng khác và cử một đồng chí chuyên ngồi gõ xẻng tạo tiếng động, đánh lạc hướng địch.
Việc đào đường hầm kéo dài hơn dự kiến. Đến gần ngày quyết định cũng là lúc ta chạm phải đá cứng nghi là hầm ngầm, việc đào đường hầm được lệnh dừng lại, lúc này đường hầm ngầm dưới đất dài 33m, ta đào thêm một ngách ở cuối đường hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ. Số thuốc nổ 960kg chỉ được cấp một phần gần 200kg, còn lại các chiến sĩ ta đã phải tháo từ những quả mìn chưa nổ mà Pháp thả dù xuống, một việc cực kỳ nguy hiểm. Khi mọi việc đã xong, quyết định cho nổ khối bộc phá vào 20 giờ 30 phút ngày 06 tháng 5 năm 1954 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn bạch điểm hỏa. Ta cũng quyết định lấy tiếng nổ của khối bộc phá làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.
Đúng ngày giờ đã định, khối bộc phá nổ tung trên đỉnh đồi, bộ binh ta từ các hướng xông lên trong khi địch còn đang hoảng loạn vì vụ nổ. Vụ nổ cũng đã phá huỷ một số lô cốt, chiến hào, diệt một phần đại đội dù số 2 của địch. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Tại đây cuộc chiến diễn ra bằng tất cả những gì hai bên có: bằng lưỡi lê, lựu đạn, tiểu liên trên từng chiến hào, ụ súng.
Địch liên tiếp tăng viện cho A1 nhưng con đường lên đồi đã bị ta chốt chặt với việc triệt hạ lô cốt cây đa cụt, bảo vệ cứ điểm từ hướng Tây Bắc vào lúc 1 giờ 30 phút sáng. Cuộc chiến ở đây kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến lúc này ta đã tiến công, phòng ngự trên đồi A1 39 ngày đêm, loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.
Trận chiến ở A1 nằm ngoài dự kiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ta đã vấp phải những khó khăn không thể lường trước. Tuy nhiên với quyết tâm "đánh chắc thắng", ta đã chấp nhận nhiều hi sinh, mất mát để chiếm bằng được cánh cửa cuối cùng A1, đưa trung tâm chỉ huy địch dưới tầm kiểm soát của đại bác và bộ binh ta. Và chỉ hơn 12 giờ sau đó, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị tiêu diệt, bắt sống Đờ Cát cùng toàn bộ tham mưu của chúng.