Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh còn có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Đại diện lãnh đạo: HĐND tỉnh, UBND tỉnh; MTTQ tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, các tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh; Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh; Trường Chính trị tỉnh; Báo Điện Biên Phủ; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Điện Biên: TTXVN, Báo Nhân dân; Báo Tài nguyên và Môi trường; Báo Quân đội Nhân dân; Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo giáo dục và thời đại; Báo lao động.

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tổng toàn tỉnh: có 97 điểm cầu với 1.777 đại biểu. Trong đó điểm cầu cấp Tỉnh có 1 điểm cầu với 42 đại biểu; Cấp huyện có 11 điểm cầu với 443 đại biểu; cấp xã có 85 điểm cầu với 1.292 đại biểu.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội nghị lần này một lần nữa khẳng định, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững, đó là: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, sáng tạo, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: văn hóa là một mặt trận quan trọng, “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng. Trong thời kỳ Đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm kế thừa, phát triển tư duy lý luận về văn hóa và chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Điểm cầu cấp huyện tại Trung tâm huyện Nậm Pồ có 35 đại biểu, có 15 điểm cầu cơ sở với 319 đại biểu

Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng:

Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ngày càng chặt chẽ.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng lên. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Quan tâm, tạo cơ chế triển khai chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hoá công sở, văn hoá gia đình...

Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến và tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Nhân dân các vùng, miền, các dân tộc, các tôn giáo đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn...

Việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa ba lĩnh vực: gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ được coi trọng.

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước văn hóa ở khu dân cư được quan tâm. Nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội và đánh giá cao sự đóng góp của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc. Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn quan trọng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến tốt hơn cả về nhận thức và hành động, thể hiện ở văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Một số ngành công nghiệp văn hóa của nước ta có bước đổi mới, phát triển như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa...

Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.

Hội nghị diễn ra trong cả ngày bàn về các nội dung quan trọng: Tổng kết những kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cũng như các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp luật Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.319.960
Online: 36