Nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới đối với những xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn và phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2021, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 06 và 16), hàng năm Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên được UBND tỉnh Điện Biên hỗ trợ kinh phí để thực hiện Chương trình trong đó có nội dung mở lớp tập huấn phục dựng một số tiết mục văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của các dân tộc, nhằm giúp cho các hạt nhân văn nghệ được tiếp cận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ tổ chức xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở, mở rộng hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Điện Biên là một tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng biệt, để bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý là rất lớn, bên cạnh đó cũng cần phải có ý thức của mỗi dân tộc trong việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của chính dân tộc mình.

Tập huấn Múa xoè truyền thống dân tộc Thái, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo

Hiện nay, bản sắc văn hoá các dân tộc bị ảnh hưởng không nhỏ chịu tác động tiêu cực của yếu tố khách quan thời kinh tế thị trường, làm mai một bản sắc dân tộc, xác định vai trò quan trọng của việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống tinh thần của người dân, ngành Văn hoá, Thể  thao và  Du lịch đã tổ chức mở các lớp tập huấn văn hoá văn nghệ cơ sở nhằm khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc.

Từ ngày 11/10 đến ngày 05/11/2021, tại các xã Pu Nhi, Mường Luân huyện Điện Biên Đông; Mường Mươn huyện Mường Chà; Mường Pồn, huyện Điện Biên; Quài Nưa huyện Tuần Giáo; Chà Cang huyện Nậm Pồ, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tổ chức mở 06 lớp tập huấn (phục dựng văn hoá văn nghệ dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào) cho 180 học viên với sự hướng dẫn của các giảng viên là hướng dẫn viên am hiểu sâu về phong tục cũng như văn hóa của các dân tộc. Đồng hành cùng giảng viên là các nghệ nhân, diễn viên là đồng bào dân tộc địa phương đã cùng nhau tìm ra những giá trị văn hoá mang tính đặc trưng để thổi hồn cho những tác phẩm văn hoá, văn nghệ tạo nên bản sắc riêng có của dân tộc.

Tập huấn Múa dân tộc Lào , xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông

Với sự nhiệt tình của các giảng viên, cùng với sự say mê, tinh thần học hỏi cao, các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ đã chia sẻ, trao đổi một số nét giá trị văn hóa của các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc trò chơi dân gian của dân tộc được chắt lọc, duy trì, bảo tồn phục vụ đời sống tinh thần trong nhân dân cũng như tham gia giao lưu, phục vụ du khách khi đến với địa phương.

Chia sẻ tại  lớp học nghệ nhân Sùng Chà Tủa dân tộc Mông bản Háng Trợ, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông cho biết “ Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Sở VHTT&DL đã mở lớp tập huấn về các tiết mục văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mông chúng tôi, đã giúp cho văn hoá dân tộc Mông được lưu giữ, bảo tồn và phục vụ đời sống tinh thần trong nhân dân, mong muốn được Đảng và Nhà nước quan tâm tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo chuyên sâu hơn về văn hoá dân tộc, cho Nghệ nhân, học viên được tham quan học hỏi từ các huyện và tỉnh khác”; Học viên Lý Thị Duyên dân tộc Khơ Mú bản Púng Giắt 2 xã Mường Mơn, huyện Mường Chà cho biết“ Qua lớp tập huấn tôi nhận thấy vai trò của mình là thế hệ trẻ cần phải có ý thức học hỏi các thế hệ cha, ông tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc  để từ đó lưu giữ, bảo tồn và tham gia giao lưu, quảng bá bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình với các dân tộc khác trong tỉnh, khu vực và thu hút khách du lịch đến tìm hiểu nét văn hoá dân tộc Khơ Mú”.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, người dân cần phải hiểu được và tự ý thức gìn giữ đời sống văn hoá. Trước hết người dân phải nâng cao nhận thức đối với di sản văn hoá của dân tộc mình, trong họ phải có tình yêu đối với văn hoá cha ông, phục hồi và đưa văn hoá bản địa vào phát triển du lịch và họ thấy được hưởng lợi từ giá trị sinh hoạt văn hoá đó.

Việc tổ chức các lớp tập huấn nhằm phát huy vai trò của người dân trong tham gia bảo tồn, phát triển, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch, thành tựu phát triển của tỉnh nhà; đóng góp vào quá trình xây dựng Điện Biên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn, tăng cường công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, những nét đẹp đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người, thế mạnh du lịch của Điện Biên, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.162.109
Online: 7