Dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên có nền văn hóa lâu đời và đa dạng, nổi bật là các lễ hội dân gian độc đáo như: lễ tết Nào Pê Chầu, lễ hội Gầu Tào, lễ Cúng Rừng, lễ Ma bò... Trong đó lễ Dù su (Lễ cúng dòng họ) là một trong những lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mông.

Người Mông quan niệm ngày được chọn tổ chức Lễ Dù su là ngày xấu trong năm nên cần tổ chức làm lễ cúng để cầu may, giải hạn, xua đi những điều xấu, không may mắn, rủi ro của năm. Đồng thời, qua tổ chức lễ cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã che chở, phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng được khỏe mạnh, yên ấm. Mặt khác, đây cũng là dịp để cả dòng họ xum họp một nhà, cùng sẻ chia những thành quả lao động sau những ngày vất vả mưu sinh. Qua đó tăng cường tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống, đưa dòng họ phát triển vươn lên cùng xã hội.

Ở Điện Biên, Lễ Dù su của người Mông được tổ chức mỗi năm một lần theo dòng họ và tùy thuộc tập quán cũng như quan niệm về ngày đẹp của mỗi dòng họ ở mỗi địa phương. Chẳng hạn dòng họ Mùa, họ Vàng, họ Tráng ở bản Lồng xã Tỏa Tình, huyện Tuần giáo tổ chức lễ Dù su vào ngày 27 tháng 7 âm lịch. Trong khi đó dòng họ Giàng, họ Sùng lại tổ chức vào ngày 17 hoặc 19 tháng 9 âm lịch. Về địa điểm tổ chức lễ Dù su cũng có những điểm khác nhau: Có dòng họ chỉ cúng trong nhà, trên bàn thờ; có dòng họ vừa cúng trên bàn thờ, vừa cúng phía sau nhà hoặc trên một bãi đất tương đối bằng phẳng gần nhà. Cách tổ chức cũng tùy thuộc từng dòng họ, có nơi chỉ được thực hiện ở nhà trưởng họ; có nơi lại luân phiên tổ chức ở từng gia đình.

Theo tiếng dân tộc Mông, “Dù” có nghĩa là nuôi, che khuất; “Su” nghĩa là tên một loài quái vật hút máu người. Lễ Dù su chính là nghi thức hàng năm tiến hành nhằm xua đuổi, che khuất đi một loài quái vật hút máu người để không làm hại đến con người, cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với  cả dòng họ.

Chuẩn bị giấy mầu để dùng trong nghi lễ cúng Dù Su

Công tác chuẩn bị cho Lễ Dù su được tiến hành rất chu đáo, trước ngày làm lễ khoảng một tháng, trưởng dòng họ cùng với đại diện các gia đình sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật, lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung sau khi tổ chức lễ, lựa chọn các thầy cúng trong việc thực hiện nghi lễ và phân công cụ thể các thành viên khác trong việc phụ lễ, chế biến thực phẩm.

Các hộ gia đình đến dự lễ Dù su thường mang theo một bó hương để làm lễ; giấy bản tự làm, nhuộm màu đỏ, xanh, vàng; các sợi chỉ màu xanh, đỏ, trắng...tượng trưng ma quỷ, điều xấu để thầy cúng xua đuổi, cất vào quả  hồ lô hay cắt bỏ, đốt hoặc mang đi chôn cất với ý nghĩa để những điều xấu không thoát được ra bên ngoài. Trưởng họ sẽ chuẩn bị một con gà trống màu đỏ để trưởng họ làm lễ cúng xua đuổi ma quỷ, điều xấu. Ngoài ra, còn chuẩn bị rượu, gạo, thịt (lợn, bò...tùy điều kiện của dòng họ và số tiền đóng góp của các hộ gia đình) để làm thực phẩm cho bữa liên hoan chung.

Cắt giấy làm lễ

Trưởng họ là người gánh vác trách nhiệm tổ chức vận động, duy trì lễ Dù su. Phần lớn các gia đình trong dòng họ nhớ ngày đã thống nhất thì đến, tuy nhiên gần đến ngày tổ chức lễ trưởng họ sẽ thông tin lại, nhất là những người ở xa để nhắc nhở họ không bỏ lỡ ngày lễ.

Thầy cúng thực hiện lễ xua đuổi “Su” thường là người dòng họ khác, nếu không có hoặc không đủ thầy cúng thì có thể lấy người trong dòng họ. Việc chọn thầy cúng đã được tiến hành trước đó một tháng tại buổi họp của dòng họ, nhưng gần đến ngày tổ chức lễ, trưởng dòng họ có trách nhiệm thông báo lại tới các thầy cúng biết để còn chuẩn bị các đồ hành lễ, không đi ngủ nương, xa nhà.

Khi công việc chuẩn bị được gia đình chủ lễ hoàn tất, lương thực, thực phẩm cho ngày lễ đã đảm bảo, sáng ngày tổ chức lễ các gia đình trong dòng họ sẽ tập trung đông đủ ở gia đình đã được dự định trước đó. Theo sự phân công, mỗi thầy cúng sẽ phụ trách từ 30 đến 40 hộ để làm nghi thức xua đuổi tà ma, cái xấu ra khỏi các gia đình đó.

Các thầy cúng thực hiện nghi lễ Dù su

Nghi lễ diễn ra tại không gian giữa nhà, đặt 2 chiếc bàn trước bàn thờ “Xử ca” để 4 thầy cúng làm lễ, trong quá trình làm lễ có người phụ để gõ chiêng để triệu tập âm binh. Khi các thầy cúng thông báo âm binh đã đông đủ, chuẩn bị lên đường để xua đuổi “su” lúc đó những người phụ sẽ dừng gõ chiêng.

Khi đến đoạn quét, xua đuổi “Su”, tất cả các thành viên của dòng họ ra đứng tập trung tại không gian giữa nhà, phía sau các thầy cúng. Người đại diện cho dòng họ sẽ để các mảnh vải đỏ, xanh, trắng lên trên đầu, vai các thành viên (tượng trưng cho “Su”). Sau khi nghe thấy các thầy cúng làm các động tác xua đuổi “Su” thì đồng thời người trưởng họ cũng cầm con gà trống đi quét, quạt để đánh bay những mảnh vải màu và giấy màu trên đầu các thành viên. Đây là nghi thức quan trọng của lễ Dù su để xua đuổi đi, quét sạch những ma xấu, giúp cho dòng họ không có đau thương và tất cả các thành viên trong dòng họ luôn có sức khỏe, may mắn trong cuộc sống.

 Câu khấn của trưởng họ với đại ý: “Hôm nay tôi quét, tôi xua đuổi này không phải tôi quét, xua đuổi đi hồn vía bố, vía mẹ, vía con cái trong gia đình, vía con cái trong dòng họ, vía lương thực, vía thực phẩm, vía gia súc, vía gia cầm. Nay tôi quét này, tôi xua đuổi đi những con quái vật độc ác phải ra đi, đi đến những nơi mặt trời lặn, để dòng họ tôi, bản làng tôi tai không nghe thấy tiếng, mắt không nhìn thấy những ma độc ác nữa, để gia đình tôi, dòng họ tôi, bản làng chúng tôi  luôn có sức khỏe, sinh sôi, nảy nở và phát triển không ngừng”.

 Sau khi đã làm bay, làm rơi các mảnh vải màu và giấy màu , mọi người đi ra, người đại diện cùng với một số thành viên giúp việc sẽ nhặt những mảnh giấy đó vào trong quả bầu và treo lên cột chính trên mái nhà. Đồng bào quan niệm, khi đã cất đi như vậy những tà ma, quái vật đó sẽ không còn lang thang, phiền  nhiễu và gây hại cho mọi người.     

 Kết thúc nghi lễ, mọi người tập trung tại nhà trưởng họ liên hoan mừng thành công của lễ cúng. Trưởng dòng họ phát biểu, căn dặn mọi người trong nhà, trong họ chịu khó làm ăn, nuôi dạy con cháu biết giữ gìn truyền thống văn hóa của cha ông, của dòng họ. Đồng thời cũng biểu dương các gia đình thuận hòa, làm ăn giỏi, có nhiều con cháu học hành cao đỗ đạt, có tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Mọi người trong họ ngồi ăn theo thứ bậc cao thấp. Thường thì các cụ già ngồi riêng, phụ nữ, thanh niên mỗi người đều tìm chọn cho mình một chỗ ngồi ăn thích hợp. Vừa ăn họ vừa nói chuyện vui vẻ, chúc nhau mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trong ba ngày sau khi thực hiện nghi lễ thì tất cả các thành viên trong dòng họ không được sử dụng lại các loại dao, liềm, dụng cụ lao động; cầm nỏ, súng... kiêng không được đánh bắt cá, săn bắn thú rừng và giết mổ vật nuôi.

Dù su là một nghi lễ đặc sắc và độc đáo của người Mông. Lễ cúng tích hợp nhiều yếu tố văn hóa bản địa, thắm đượm các giá trị nhân văn. Mỗi lần tổ chức lễ hội là một dịp thuận lợi để bà con, anh em trong dòng họ, trong bản trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng xã hội. Dù su là nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ để các dòng họ trong cộng đồng dân tộc Mông tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.309.586
Online: 92