Người Cống là một trong những dân tộc thiểu số của nước ta, hiện cư trú chủ yếu ở vùng núi cao, vùng sâu của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tại tỉnh Điện Biên, người Cống sinh sống tập trung ở bản Púng Bon, bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè, xã Nậm Kè và bản Lả Chà, xã Pa Tần của huyện Mường Nhé. Văn hóa truyền thống của người Cống vô cùng phong phú, độc đáo, vừa mang dấu ấn văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, đồng thời có những nét văn hóa riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong đám cưới của người Cống, không chỉ có việc tổ chức ngày vui cho đôi bạn trẻ mà còn phải thực hiện những nghi lễ liên quan đến thần linh và tổ tiên. Thông qua các nghi lễ, tín ngưỡng thể hiện lòng biết ơn thành kính của con cháu đối với tổ tiên. Vì vậy trang phục trong đám cưới vừa hàm chứa niềm vui hạnh phúc nhưng cũng mang đậm tính linh thiêng. Trước ngày cưới, bố mẹ của chú rể đã chuẩn bị sẵn một bộ váy áo mới cho cô dâu. Bộ váy áo này phải được may mới theo truyền thống của dân tộc Cống. Ngoài ra, bố mẹ chú rể còn sắm thêm hoa tai, vòng tay, vòng cổ bằng bạc hoặc vàng cho cô dâu.

         

Áo cưới của cô dâu dân tộc Cống

Áo được may bằng vải dệt thủ công, chất liệu được làm từ sợi bông, nhuộm chàm, màu đen, cổ áo và vạt áo được may 2 lớp. Cổ tay áo và xung quanh gấu áo được  trang trí bằng 1 dải vải nền đỏ dệt các họa tiết kẻ sọc màu trắng, đỏ, vàng, xanh. Từ 2 bên tà dọc lên phần nối giữa thân áo với ống tay áo được thêu trang trí họa tiết hình chữ X bằng các sợi chỉ xanh, đỏ, vàng, trắng. Hai bên tà áo được đính 2 dải vải nền đỏ dệt các đường kẻ sọc ngang, trên mỗi đầu dải vải đính các tua cấu tạo bằng các hạt cườm và các mảnh vải tơ tằm cắt nhỏ. Áo có 9 cặp cúc bướm bằng nhôm, dọc 2 bên vạt áo được đính mỗi bên 9 đồng xu 20cent bằng bạc.

Váy cưới của cô dâu dân tộc Cống

Váy được làm từ vải dệt thủ công, chất liệu được làm từ sợi bông, nhuộm chàm màu đen. Váy được may từ 2 khổ vải dệt thủ công, phần gấu váy được trang trí bằng 1 dải vải dệt xen kẽ các họa tiết kẻ ngang màu tím, xanh, vàng, trắng. Váy được mặc vào ngày cưới, ngoài ra còn được dùng trong các dịp lễ, tết. Váy trang phục cô dâu được trang trí bởi những họa tiết cầu kỳ theo chiều dọc thân váy.

Khăn cưới của cô dâu dân tộc Cống

Khăn được làm từ vải dệt thủ công, chất liệu được làm từ sợi bông, nhuộm chàm, màu đen, hai đầu khăn được thêu trang trí bằng các sợi chỉ xanh, đỏ, trắng, vàng tạo thành hoa văn hình núi. Một đầu khăn viền may gấp vào bên trong. Ở mỗi đầu khăn được đính 5 tua làm bằng các hạt cườm trắng và các dải vải tơ tằm được cắt nhỏ.

Đến ngày cưới, mẹ của chú rể mang bộ váy áo mới đến nhà cô dâu để cô dâu mặc. Bộ trang phục này cô dâu thường mặc trong đám cưới (tổ chức trong ba ngày) sau đó thì cất đi, để mặc trong những dịp lễ tết. Trang phục truyền thống nói chung và bộ trang phục cô dâu nói riêng không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng dân tộc. Xã hội ngày càng đổi thay, sự giao thoa văn hóa ngày càng trở nên sâu rộng, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng dần bị mai một, mất dần tính nguyên gốc. Vì vậy, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc cần chú trọng quan tâm công tác bảo tồn trang phục truyền thống với những kỹ thuật tạo hoa văn, cách trang trí độc đáo để nhận diện bản sắc văn hoá mỗi dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.312.653
Online: 56