Ngày 5/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị với các địa phương về "Tái khởi động du lịch". Hội nghị được thực hiện trực tuyến với 13 Sở Du lịch; 12 Sở VHTTDL của 25 địa phương.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị nhằm tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, phục hồi, phát triển du lịch; đặc biệt khi toàn ngành đang chuẩn bị để có thể "Tái khởi động du lịch" trong bối cảnh mới.

Tái khởi động du lịch: An toàn, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả - Ảnh 1.Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị với các địa phương về "Tái khởi động du lịch" (ảnh Minh Khánh)

Mở cửa phải an toàn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các địa phương trọng điểm về phát triển du lịch, trong thời gian gần đây đã khởi động nhiều hoạt động nhằm tái khởi động ngành du lịch. Thứ trưởng cho rằng đó là trách nhiệm của các địa phương, của ngành trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Thứ trưởng mong muốn lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, thông qua tình hình thực tế sẽ tổng hợp, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành Du lịch nhằm thực hiện mục tiêu vừa "tái khởi động du lịch", vừa sống chung an toàn với COVID-19.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch tại Hội nghị cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và Du lịch Việt Nam nói riêng. Dịch COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

Thống kê về tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam cho hay, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 44.637.911 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 34.155.519 liều, tiêm mũi 2 là 10.482.392 liều (số liệu tính đến ngày 3/10/2021).

Theo chủ trương chung sống với dịch bệnh, cùng với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Cần có sự chung tay, nỗ lực chung của các doanh nghiệp, điểm đến, địa phương và cùng với khởi xướng, định hướng của Bộ VHTTDL trong việc: đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và tái khởi động du lịch.

Tới thời điểm này, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản triển khai đánh giá an toàn dịch bệnh của các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc; Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo du lịch an toàn; hướng dẫn, phổ biến các quy định về phòng chống dịch cho các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên; Xây dựng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 https://safe.tourism.com.vn và ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" để phục vụ khách du lịch; có thể kết nối liên thông dữ liệu trên ứng dụng về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, tờ khai y tế...

Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất và đã được Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ gồm: (1) Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2021, (2) Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất, thời gian hỗ trợ 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6-12/2021, (3) Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đến hết năm 2021, (4) Miễn, giảm lãi vay; miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 6/2022, (5) Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021 và (6) Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn...

Tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, việc chuẩn bị tái khởi động du lịch, thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, khôi phục lại hoạt động du lịch với phương châm "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn".

Tái khởi động du lịch: An toàn, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả - Ảnh 2.Ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội nghị (ảnh Minh Khánh)

Ngày 07/9/2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, tập trung vào 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: (1) Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, (2) Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, (3) Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường, (4) Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch, (5) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và (6) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Theo lộ trình, việc tái khởi động du lịch nội địa, trong tháng 10/2021, các địa phương tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro.... Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.

Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.

Từ tháng 11/2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch - Điểm đến an toàn (các yêu cầu liên quan về tiêm vắc-xin, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID).

Về việc thí điểm mở cửa Phú Quốc đón khách quốc tế, thông tin tại hội nghị cho hay, trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTTDL, Chính phủ đã có chỉ đạo giao UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, từng bước mở rộng ra một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế. Giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc (tháng 11/2021 - 3/2022).

Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo nhất quán về khởi động du lịch theo chương trình.

Đồng bộ, thống nhất kết nối giữa các địa phương

Tại Hội nghị, các địa phương đã nêu lên những khó khăn của ngành du lịch trong thời gian qua, đồng thời có những kiến nghị nhằm chuẩn bị cho việc tái khởi động du lịch trong tình hình mới.

Là địa phương tiên phong trong tái khởi động du lịch nội tỉnh (từ 21/9), Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an toàn du lịch.

Tái khởi động du lịch: An toàn, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả - Ảnh 3.Toàn cảnh Hội nghị (ảnh Minh Khánh)

Theo ông Phạm Ngọc Thủy- Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2021 là năm khó khăn của du lịch địa phương. Cuối năm 2020, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế miễn phí vé tham quan các điểm du lịch như Vịnh Hạ Long, Yên Tử… Tỉnh Quảng Ninh tranh thủ tối đa mọi cơ hội phục hồi hoạt động du lịch, vì vậy bất kỳ thời gian nào có điều kiện là sẽ khôi phục hoạt động du lịch. Từ 21/9 đã khởi động lại du lịch nội tỉnh và đã có lộ trình phục hồi, thu hút khách ngoại tỉnh.

Tỉnh cũng ban hành hai kế hoạch để triển khai; Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào du lịch. Tính đến 30/9, 90% người dân Quảng Ninh đã tiêm vắc xin mũi 1. Các các địa bàn trọng điểm như Hạ Long, Yên Tử đã có khách trở lại. Mục tiêu của Quảng Ninh từ 1/11 sẽ mở cửa du lịch ngoại tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Ninh mong muốn, việc kết nối du lịch các tỉnh với nhau phải thống nhất quy trình đi lại, công bố các điểm an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế. Đồng thời, kiến nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo hướng dẫn cách triển khai phù hợp, đồng bộ, đặc biệt là những nơi đã là vùng xanh an toàn.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tỉnh dự kiến đón du khách ngoại tỉnh về khu du lịch an toàn, tách biệt với người dân tại huyện Xuyên Mộc, huyện Côn Đảo. Trong tháng 11, 12 tỉnh cũng tổ chức Hội du lịch trực tuyến nhằm thu hút du khách. Tỉnh kiến nghị giúp khôi phục nguồn lực lao động vì thiếu hụt lực lượng sau dịch COVID-19 đã chuyển ngành và kiến nghị Bộ VHTTDL có tiêu chí để về liên kết du lịch các địa phương để thực hiện thống nhất.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, khó khăn của du lịch Khánh Hòa là rất nhiều nhân lực của ngành du lịch đã chuyển sang lĩnh vực khác. Hiện 20 nghìn lao động du lịch của tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 1 và chuẩn bị tiêm mũi 2. 100% người dân trong độ tuổi quy định của Bộ Y tế đã tiêm mũi 1.

Tỉnh cũng đã có kế hoạch đón khách du lịch, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID -19 với cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển… "Vì tiêu chí an toàn trên hết nên từ 1/10 – 15/10 tỉnh Khánh Hòa thực hiện đón khách nội tỉnh có "thẻ xanh", "thẻ vàng". Từ 16/10 đón khách ngoại tỉnh, và kỳ vọng đón khách quốc tế vào cuối năm 2021. Tỉnh cũng đề nghị Bộ VHTTDL cho phép Khánh Hòa đón khách du lịch quốc tế theo charter đến Khánh Hòa, bổ sung TP Nha Trang vào danh mục thí điểm tổ chức thời gian hoạt động dịch vụ, du lịch ban đêm".

Tái khởi động du lịch: An toàn, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả - Ảnh 4.Trước mắt các địa phương đẩy mạnh du lịch nội tỉnh (ảnh minh họa, chụp năm 2019)

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM kiến nghị giảm thuế cho DNDL, giảm 50% thuế VAT 3 tháng cuối năm 2021 và hai năm 2022 – 2023, giảm 100% tiền thuê đất cho DNDL vì không có doanh thu.

Còn ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Du lịch Hà Nội hoạt động theo 4 giai đoạn tương ứng 4 giai đoạn chống dịch của TP Hà Nội. Trong tháng 10 mở cửa phục hồi giai đoạn 2, cho phép du lịch đón khách trong địa bàn TP. Tháng 11 theo giai đoạn 3 và 4, cho phép đón khách từ các tỉnh an toàn kiểm soát tốt. Tháng 12 sẽ thực hiện biện pháp mở cửa theo trạng thái bình thường mới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các địa phương, đã cho thấy rất rõ việc thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng đánh giá cao công tác kết nối giữa Tổng Cục Du lịch và các địa phương trong thời gian qua trong việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách mà Chính phủ đã ban hành.

"Đối tượng của chúng ta là các doanh nghiệp du lịch, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Đây là đối tượng thiệt hại nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất và trụ vững hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách sự động viên của chúng ta… Do vậy, phải chúng ta tập trung làm tốt các chính sách, hạn chế để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chính sách. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch"- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị rà soát lại cách làm, cách tiếp cận, cung cấp thông tin, các nội dung quảng bá, xúc tiến... với tâm thế sẵn sàng khi điều kiện thuận lợi để đón khách.

Thứ trưởng lưu ý các địa phương, việc kích cầu du lịch không có nghĩa là giảm giá. Cần có các hình thức, phương thức khác đòi hỏi các địa phương sáng tạo, năng động, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn đối với du khách.

Thứ trưởng cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, du lịch Việt Nam tập trung cho thị trường khách nội địa. Trong du lịch nội địa có du lịch nội tỉnh và du lịch ngoại tỉnh. Các địa phương cần xác định rõ để có chính sách phù hợp, trước hết là giải quyết nhu cầu của người dân sau tác động của Chỉ thị 15, 16, trước mắt là mở du lịch trong địa phương của mình. "Người Quảng Ninh đi du lịch Quảng Ninh, người Lâm Đồng đi du lịch Lâm Đồng. Đây là trạng thái bình thường mới chứ không phải trạng thái bình thường. Sau khi làm du lịch nội tỉnh, chúng ta làm du lịch nội địa, kết hợp các khu vực tam giác, tứ giác, tuyến đường du lịch, khu vực du lịch, kết nối núi rừng, biển, danh thắng quốc gia, kết nối di sản…"- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Về đón khách quốc tế, Thứ trưởng cho rằng, ngành đang thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ là thí điểm đón khách đến Phú Quốc. Đến nay, người dân trên 18 tuổi ở Phú Quốc đã tiêm ngừa vaccine COVID-19 100% mũi 1, tiêm mũi 2 được trên 10%. Đến hết tháng 10 thì sẽ hoàn thành tiêm đủ 100% người trên 18 tuổi ở Phú Quốc. Bộ VHTTDL sẽ cùng tỉnh Kiên Giang làm việc với các bộ ngành để tập trung triển khai, trên cơ sở đó sẽ triển khai rộng hơn đối với các địa phương đã đề nghị như Khánh Hòa...

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng thông tin, trong ngày mai, 6/10, lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ tổ chức hội nghị với một số cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, địa bàn trọng điểm về khách du lịch đến Việt Nam, lãnh đạo Bộ sẽ có ý kiến về đầu mối thực hiện, quảng bá, kết nối trở lại với các địa bàn khách truyền thống.

Về tiêu chí đón khách du lịch nội địa, Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch chủ trì, sửa đổi Quyết định 473 từ tháng 4/2020, do tình hình dịch bệnh hiện nay đã khác.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an để có những hướng dẫn, tiêu chí, định hướng chung, thống nhất.

Với các kiến nghị của các địa phương về giảm thuế, Bộ VHTTDL ghi nhận, tổng hợp và sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để ban hành chính sách phù hợp./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.155.641
Online: 36