Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi Bản Kéo (Pháp đặt tên là Anne Marie) là cứ điểm thuộc Phân khu Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ án ngữ phía Tây Bắc, cùng với đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo có nhiệm vụ ngăn chặn sự tấn công của quân ta từ hướng Lai Châu vào Điện Biên Phủ. Tại đây, Quân đội Pháp bố trí lực lượng là Tiểu đoàn Ngụy Thái số 3 dưới quyền chỉ huy của tên quan tư Thimonnier. Hầu hết những người này đều là người Thái bản địa bị bắt đi lính cho Pháp. Họ đã kể lại : “Chúng tôi đều bị quân Pháp bắt đi lính cho chúng. Chúng dọa không đi thì bỏ tù, và chúng còn dọa bỏ tù cả gia đình tôi nữa! Khi vào ngụy binh rồi, chúng tôi đã nhiều lần bị Pháp bắt tự tay mình phải bắt trâu, bò, dỡ nhà cửa phá ruộng nương của gia đình, làng xóm thân nhân chính mình…”
Ngay trong đợt tấn công thứ nhất 13/3/1954 ta tấn công vào cứ điểm Him Lam và chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, các chiến sĩ Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ được cứ điểm này. Phát huy khí thế thắng lợi hai trận đầu tại cứ điểm Him Lam và Độc Lập ngày 13-15/3/1954 . Quân đội nhân dân Việt Nam nhận thấy có khả năng giải quyết cứ điểm Bản Kéo không cần tới một trận đánh nên dùng truyền đơn, binh vận kêu gọi lính Thái đầu hàng. Từ ngày 15/3, tiếng loa nói bằng tiếng Thái và tiếng Kinh của bộ đội ta từ trên các điểm cao xung quanh Bản Kéo vọng về kêu gọi lính ra hàng, cùng với những tờ truyền đơn đã lọt vào tay họ từ những ngày trước đó, đã khiến những người lính này hiểu rằng quay về với kháng chiến sẽ được khoan hồng.
Kết hợp với việc rải truyền đơn, đồng chí Phan Hiền phụ trách công tác báo chí và địch vận ở mặt trận đã chỉ đạo đồng chí Mai Văn Hiến vẽ 1 bức tranh để kêu gọi quân Pháp hạ vũ khí và dặn chiều hôm sau quân báo đến lấy treo lên sát Bản Kéo. Chỉ sau vài giờ đồng hồ đồng chí Mai Văn Hiến được sự hỗ trợ của các chiến sĩ đã hoàn tất bức tranh lớn được dán trên các tấm liếp ghép lại với hơn 20m2. Bức tranh diễn tả cảnh người Mẹ ôm con nhìn về phía xa xăm với khẩu hiệu “Ở nhà đang chờ các anh trở về”. Ngày 16/3/1954, dưới chân đồi Bản Kéo đã xuất hiện cảnh tượng với một bức tranh lớn kèm theo dòng chữ: “Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào các anh sẽ được đón tiếp tử tế”. Binh lính ở đồn Bản Kéo đã suy giảm ý chí chiến đấu vì vị bao vây uy hiếp mạnh, sự xuất hiện của bức tranh càng gây tác động mạnh làm cho lính Pháp bị mất tinh thần và lũ lượt kéo nhau ra hàng. Một đoàn lính Thái rời bỏ vị trí mặc dù chỉ huy người Pháp ra sức khống chế, nhưng lính Thái đã lợi dụng lúc chỉ huy Pháp chui xuống hầm ẩn nấp mang vũ khí kéo ra hàng. Quân Pháp cho xe tăng đuổi theo toán quân Ngụy Thái nhưng pháo binh của Việt Minh đã bắn chặn để yểm trợ cho số hàng binh nói trên chạy tới những vị trí trú ẩn an toàn trong rừng, kết quả quân đội Việt Nam đã chiếm cứ điểm Bản Kéo không tốn viên đạn nào.
Có thể thấy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam đã kết hợp binh - địch vận với tác chiến, đẩy mạnh công tác địch vận trong chiến đấu; đưa công tác binh - địch vận trở thành một trong ba mũi giáp công, góp phần không nhỏ đưa đến thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta.