Là dân tộc chiếm gần 70% dân số đang sinh sống tại Tủa Chùa, văn hóa tinh thần của người Mông nơi đây khá phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc và dường như ít bị pha tạp, ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác. Từ các loại hình dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian đến âm nhạc và nhạc cụ của người Mông đều thể hiện những nét đặc trưng riêng biệt.

Thông qua các loại nhạc cụ, người Mông gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình với bạn bè, cộng đồng và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ. Vì thế đã là người Mông thì chàng trai nào cũng biết dùng một loại nhạc cụ của dân tộc mình. Người Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: Khèn, nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống và mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, cũng như thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là khèn.

Khèn là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo và quan trọng đối với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của dân tộc Mông. Cây Khèn mang ý nghĩa sâu sắc, là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc; nó gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào.

Cây khèn được cấu thành bởi nhiều bộ phận như: Thân khèn; bầu khèn; đuôi khèn; ống khèn; lam khèn; lỗ khèn; đai khèn và lỗ thổi khèn, được chia thành 3 phần chính (thân khèn, ống khèn, đai khèn). Để chế tác cây khèn tốt, phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu, tỉ mỷ từ việc chọn, gia công vật liệu và tạo âm săc…Khèn Mông có hai loại là khèn ngắn và khèn dài. Để phân biệt khèn ngắn và khèn dài người ta dựa vào chiều dài của các ống khèn. Thông thường khèn dài có hàng ống thứ nhất dài khoảng 1 mét, hàng ống thứ hai dài trên 0,9 m, hàng ống thứ ba dài khoảng trên 0,8 m; khèn ngắn có hàng ống thứ nhất dài trên 0,7 m, hàng ống thứ hai dài trên 0,6 m, hàng ống thứ ba dài trên 0,5 m.

Thân khèn được làm bằng gỗ, thường là gỗ thông hoặc gỗ pơ mu vì chất gỗ nhẹ, không cong, ít đàn hồi và hút nước tốt. Gỗ được làm khèn có kích thước (15 x 15 x 80) cm, được chẻ thành từng thanh, phơi khô, sau khi phơi khô người nghệ nhân sẽ dùng dao tạo hình bầu khèn, đẽo gọt định hình thân khèn rồi chẻ đôi từ đuôi lên ngọn, cố định phần đuôi và tiếp tục đẽo gọt cho hoàn chỉnh. Sau đó người thợ dùng một dụng cụ khá đặc biệt để khoét rỗng bên trong tạo lỗ ống và bầu khèn.

Nghệ nhân Thào A Dè (thôn Sung Ún, xã Mường Báng) tạo thân khèn

Dây đai vừa có tác dụng trang trí, vừa giữ cho khèn khỏi bị vỡ, dập trong quá trình sử dụng; vật liệu thường dùng để để làm đai là dây mây hoặc vỏ cây đào rừng chẻ nhỏ. Vỏ cây đào rừng đã phơi khô đem ngâm trong rượu hoặc nước cho mềm, dẻo. Tách vỏ to, nhỏ tùy theo nghệ nhân, gọt cho mỏng vừa phải ở phần vỏ ngoài, lấy mũi dao nhỏ đục một lỗ hình tam giác đo vào chỗ cần làm đai giữ thân, đánh dấu đầu còn lại để cắt khóa ngang khi luồn vào hình tam giác, lồng vào thân khèn, dịch chuyển đúng chỗ cho chắc.

 Nghệ nhân Thào A Dè (thôn Sung Ún, xã Mường Báng) nạo vỏ cây đào rừng để làm dây đai khèn

Ống khèn: Mỗi cây khèn thường 06 ống (01 ống lớn và 05 ống nhỏ), vật liệu để làmống khèn thường là cây sặt (Shôngz kênhk (sông kềnh) chuyên để làm khèn, có thân thẳng, ống dài, phải phơi đủ độ, không được ẩm, cũng không được quá khô thì tiếng khèn mới hay. Trước khi lắp ông khèn vào thân khèn người nhệ nhân phải cẩn thận kiểm tra âm thanh được tạo ra của các ống khen.

Lưỡi gà (lam khèn) là một bộ phận rất quan trọng của chiếc khèn.Việc tạo lưỡi gà rất quan trọng, độ trầm bổng, vang ngân của tiếng khèn phụ thuộc vào kích thước to, nhỏ, dày, mỏng của các là đồng. Thông thường người nghệ nhân lựa chọn một thanh đồng nhỏ dài khoảng 10 cm, đặt trên đe rồi dùng búa tán thật mỏng, mài dũa, rạch đường rãnh để tạo lưỡi gà; các miếng đồng được lắp vào các ống trúc, mỗi ống trúc có 01 miếng đồng riêng, ống ngắn nhất và to nhất được gắn 2 miếng để đảm bảo độ rung và âm thanh của khèn. Quá trình chế tác chiếc khèn có rất nhiều công đoạn và làm thủ công.

Nghệ nhân  tán đồng để làm lưỡi gà (lam) khèn

Uốn ống, dùi lỗ ống cũng là một công đoạn không kém phần quan trọng trong việc chế tác khèn. Khi lắp, đuôi các ống phải thẳng, đầu cong lên tạo cho dáng khèn đẹp hơn. Sau khi tạo được cây khèn hoàn chỉnh người nghệ nhân sẽ kiểm tra lại âm thanh của cây khèn, điều chỉnh lại các âm sắc để đảm bảo âm thanh tổng thể của cây khèn giúp người thổi khèn có được những làn điệu khèn hay.

Có thể nói, cây khèn Mông được chế tác khá cầu kỳ theo những nguyên lý được truyền lại qua bao đời, chứa đựng trong nó tình cảm, tâm hồn của người Mông. Không chỉ là nhạc cụ, đạo cụ bày tỏ niềm vui, nỗi buồn, khèn Mông còn như sợi dây kết nối vô hình với tổ tiên và các đấng thần linh. Vì vậy, đến nay nhạc cụ này đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hoá truyền thống dân tộc Mông, được quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị./.  


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.416.385
Online: 15