Tiến tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp được Ban Tuyên giáo và Bộ VHTTDL tổ chức, đồng thời mong muốn tiếp nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, Báo Điện tử Tổ Quốc trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Văn hóa, với những đặc trưng và sứ mệnh đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu quốc tế. Chính vì vậy, trong lịch sử nhân loại, văn hóa là kênh/ con đường ngoại giao quen thuộc mà các quốc gia lựa chọn để tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ cũng như khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Cuối thế kỷ XX, thuật ngữ sức mạnh mềm văn hóa xuất hiện với hàm nghĩa là sự gia tăng ảnh hưởng, vị thế của quốc gia này với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế thông qua sự hấp dẫn của các giá trị văn hóa.

Văn kiện Đại hội XIII khẳng định cần phải "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau"[1]. Đây là lần đầu tiên, trong Văn kiện của Đảng, thuật ngữ "sức mạnh mềm văn hóa" xuất hiện.

Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam theo tinh thần văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh 1.Ảnh minh họa (Minh Khánh)

2. Nếu hiểu sức mạnh mềm văn hóa quốc gia là sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa thì sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam có những gì?

Trước hết, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được thể hiện ở những phẩm giá của con người Việt Nam, chủ thể tạo nên hệ giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc. Đó là những thế hệ người Việt Nam nồng nàn yêu nước nhưng hết sức nhân văn, yêu chuộng hòa bình; đó là anh hùng trong chiến đấu nhưng tinh tế trong ứng xử; đó là sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, là lòng khoan dung, cởi mở, giàu năng lực tiếp biến ... Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần lớn lao để dân tộc này vượt thoát khỏi những thời khắc hiểm nghèo của lịch sử, vượt thoát khỏi những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên; cùng chung tay dựng xây đất nước, cùng ra sức bảo vệ non sông, cùng chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, cùng khát vọng về một cơ đồ tươi sáng "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được kết tinh trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú của 54 dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 07 di sản tư liệu; 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (119 di tích cấp quốc gia đặc biệt); 215 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia1. Hệ thống di sản văn hóa phong phú này chính là những tài nguyên quý giá, là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội và gia tăng sức mạnh mềm quốc gia.

Không chỉ giới hạn trong di sản, trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam còn được bộc lộ trong những sản phẩm văn hóa hiện đại. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, sự mở rộng của thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa với những hiệu ích kinh tế không nhỏ đã mang lại những kì vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa nguồn lực nội sinh chính là văn hóa và con người Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa dù là sản phẩm sáng tạo dưới sự trợ giúp của công nghệ, khoa học kỹ thuật nhưng giá trị của mỗi sản phẩm này chính là hàm lượng tri thức, văn hóa. Nói cách khác, mỗi sản phẩm công nghiệp văn hóa đều mang trong mình những thông điệp văn hóa của các chủ thể sáng tạo, rộng hơn nữa là những mã văn hóa của nền văn hóa - nơi nó được sinh thành. Chính vì vậy, thông qua tiếp nhận các sản phẩm công nghiệp văn hóa, ngoài nội dung tự thân của mỗi sản phẩm này, người tiếp nhận sẽ hiểu hơn về chiều sâu văn hóa và con người của các nền văn hóa, các quốc gia, dân tộc. Việc xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa thông qua các con đường khác nhau, thương mại, biếu, tặng, trao đổi... cũng chính là quá trình các sản phẩm này đảm nhiệm vai trò giao lưu, kết nối, đối ngoại giữa các quốc gia. Trong chiến lược đối ngoại quốc gia hiện nay, các sản phẩm văn hóa nói chung, sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa nói riêng chiếm một vị trí quan trọng. Với giá trị đặc biệt của mình, trong quá trình hội nhập quốc tế, các sản phẩm công nghiệp văn hóa góp phần làm nên sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Sức hấp dẫn của quốc gia cũng được biểu hiện qua giá trị của các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Thời gian qua, nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã có những tìm tòi, bứt phá, cho ra đời nhiều ý tưởng, nhiều sản phẩm văn hóa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa của người Việt như phần mềm vi tính, trò chơi điện tử ... được thế giới đánh giá cao, trở thành những sản phẩm hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Đây là những dấu hiệu cho thấy nếu được khơi dậy đúng mức, trí tuệ Việt Nam, con người Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

3. Đứng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn chứa đựng nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng với nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để đưa đất nước ngày càng phát triển, trong bối cảnh quốc tế vừa có những thời cơ, vừa có những thách thức, để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, cần chú ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần thể chế hóa quan điểm của Đảng thành các chính sách, các kế hoạch hành động cụ thể. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa. Văn kiện của Đảng đã nhất quán khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển đất nước. Văn hóa là sức mạnh mềm quốc gia. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các chủ trương, quan điểm hết sức khoa học và đúng đắn đó đi vào trong cuộc sống. Quan điểm "phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam" của Đại hội lần thứ XIII của Đảng phải được chuyển hóa vào trong các chiến lược phát triển, từ các chiến lược văn hóa đến các chiến lược ngoại giao và các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội khác.

Thứ hai, cần xác định rõ những tài nguyên nào có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa …. chính là các nguồn lực văn hóa có khả năng tạo nên sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Để phát huy hiệu quả các nguồn lực này, cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hệ thống di sản văn hóa mà chúng ta đang sở hữu hôm nay chính là kết tinh trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu của lớp lớp cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hệ thống di sản văn hóa phản ánh chiều sâu tâm hồn của dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam - tấm thẻ căn cước để nhận diện dân tộc này trong hành trình hội nhập quốc tế. Thông qua việc quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc, bạn bè quốc tế hiểu hơn về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam. Đó là một đất nước với nhiều danh lam thắng cảnh, con người hồn hậu, cởi mở, hiếu khách, trọng nghĩa tình đạo lý; đó là một dân tộc có những truyền thống lịch sử văn hóa hết sức quý báu như yêu nước, đoàn kết, nhân văn, giàu năng lực khoan dung và tiếp biến văn hóa… Bảo tồn và phát huy tốt hệ thống di sản văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc vừa góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, làm nên sức hấp dẫn Việt Nam.

Thứ ba, cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Du lịch văn hóa mang lại những trải nghiệm hết sức sinh động cho du khách về những nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia. Du lịch văn hóa không chỉ mang lại nguồn thu cho các địa phương, cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh loại hình dịch vụ này, giải quyết công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tái đầu tư cho bảo tồn các di sản văn hóa mà nó còn góp phần rất quan trọng trong xây dựng tình cảm, niềm tin đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch phải hướng tới việc xây dựng hình ảnh Việt Nam - điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.

Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam theo tinh thần văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh 3.Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Thứ tư, cần tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa là biểu hiện tập trung của mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa kinh tế và văn hóa. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa từ khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (năm 2016) đến nay đã có những chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, quảng cáo, giải trí kỹ thuật số, phần mềm trò chơi điện tử, … đều đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những hàng hóa văn hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà nó còn là đại sứ thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, cần có các kế hoạch hết sức cụ thể và thiết thực để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ mẫu mã đến nội dung, và đặc biệt lưu ý khả năng chuyển tải tinh thần văn hóa, giá trị văn hóa Việt Nam của các sản phẩm đó,

Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của mỗi cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển của mỗi quốc gia. Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của con người quốc gia đó. Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu

Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Theo Cổng TTĐT Bộ VHTTDL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.015.158
Online: 22