Đó là tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại Hội nghị Lãnh đạo Bộ làm việc với các Bảo tàng, Khu di tích trực thuộc Bộ VHTTDL diễn ra sáng 14/10 tại Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc có đại diện Cục Di sản, đại diện lãnh đạo các Bảo tàng, Khu di tích trực thuộc Bộ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Bảo tàng đã hoàn thành cải tạo, thi công, dàn dựng trưng bày chuyên đề "Đảng Cộng sản Việt Nam- từ Đại hội đến Đại hội", "Bãi Cọi- Nơi gặp gỡ các nền văn hóa" và xây dựng 2 clip giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề này trên website, fanpage của Bảo tàng phục vụ công chúng từ tháng 6/2021 nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của khách trong điều kiện giãn cách.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương làm việc với các Bảo tàng, Khu di tích thuộc Bộ VHTTDL
Bảo tàng cũng xây dựng 2 đề cương trưng bày nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12). Ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng kịp thời đáp ứng nhu cầu khách tham quan trong bối cảnh dịch bệnh đồng thời từng bước thực hiện số hóa tài liệu, hiện vật phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng.
Tổng số khách tham quan Bảo tàng trong 9 tháng năm 2021 là 13.523 lượt khách trong đó miễn phí 5.601 lượt người. Tổ chức 94 buổi Giờ học lịch sử cho 4765 học sinh và nhóm gia đình tại Bảo tàng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng đã tập trung tổ chức 235 buổi Giờ học lịch sử online phục vụ 4840 học sinh.
Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến tháng 9/2021, Bảo tàng phải tạm dừng việc đón khách tham quan trong khoảng 5 tháng vì vậy không có nguồn thu. Việc duy trì hoạt động của công trình và phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao gặp nhiều khó khăn.
Bảo tàng đón tiếp và phục vụ 84.672 khách trong đó có 321 khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Tổ chức thành công 4 trưng bày chuyên đề, đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Báo cáo của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong 9 tháng, Khu di tích đã hoàn thành 80% kế hoạch năm 2021. Thực hiện tốt công tác bảo quản, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo quản, tu sửa hiện vật. Sưu tầm 120 tư liệu, xác minh, xây dựng 40 hồ sơ khoa học; số hóa 1423 ảnh về hoạt động của Khu di tích… Khu di tích đón 320 nghìn lượt khách trong nước, 12 nghìn lượt người tham quan học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Hội nghị
Tương tự, lượng khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng giảm mạnh trong thời gian qua. 9 tháng năm 2021, Bảo tàng đón 11.630 lượt khách trong đó khách nước ngoài chiếm 4.29%. Từ tháng 7/2021, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng đến một số nhiệm vụ chuyên môn, tuy nhiên, bảo tàng đã đổi mới, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Bảo tàng đã ra mắt ứng dụng công nghệ thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA; ứng dụng 3D tour tham quan trực tuyến Bảo tàng. Hiện, Bảo tàng đang đẩy mạnh công nghệ thực tế ảo, 3D và nhiều ứng dụng nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách. Việc đẩy mạnh các hình thức thu hút khách tham quan trong nước, lượng khách tham quan trong nước đã tăng 200% so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (tại Thái Nguyên) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 Bảo tàng đón 21 nghìn lượt khách tham quan. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 3 tháng quý III/2021 chỉ đón gần 500 lượt khách. Bảo tàng cũng đã đổi mới bằng việc áp dụng công nghệ số trong công tác trưng bày, giúp người xem có thể tiếp cận tài liệu, hiện vật thông qua mạng trực tuyến mà không cần trực tiếp đến Bảo tàng.
Tại Hội nghị, đại diện các Bảo tàng, Khu di tích cũng nêu lên một số những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch bệnh, không có nguồn thu; khó khăn trong tuyển dụng cán bộ trẻ tạo nguồn nhân lực kế cận có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu; công tác chỉnh trang, quy hoạch...
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương kiểm tra phòng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, sau diễn đàn "Tác động của đại dịch COVID-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch'', Thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của các bảo tàng, đó là việc xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động Bảo tàng.
Cụ thể, với các Bảo tàng thuộc Bộ, có 3 vấn đề chính cần quan tâm gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa; nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng để xây dựng ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề các di sản văn hóa bằng hình thức trực tuyến; đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu nội dung xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các hoạt động của Bảo tàng trên không gian số.
"Chuyển đổi số là một trong những hoạt động cần thiết mà các Bảo tàng, di tích cần chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới. Mỗi Bảo tàng, di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới. Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, còn có nhiều con đường khác để thu hút du khách mà hình thức tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài"- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu, các Bảo tàng, di tích cần chú trọng đặt lên hàng đầu yếu tố công nghệ, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa. Bên cạnh đó, các Bảo tàng cũng cần chú trọng xây dựng các hoạt động theo các định hướng, nội dung cụ thể; đẩy mạnh công tác phối hợp, giữa bảo tàng với bảo tàng, giữa các bảo tàng với Cục Di sản văn hóa, để có sự thống nhất trong xây dựng cơ sở dữ liệu, quảng bá, trưng bày trực tuyến đạt hiệu quả cao./.