Trong thời gian tới đây, ngành thể thao Việt Nam sẽ có những thay đổi với mục tiêu cao nhất là cạnh tranh huy chương tại sân chơi Olympic.

Thể thao Việt Nam đã trải qua một kỳ Olympic không thực sự thành công khi các VĐV tham dự chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Thành tích duy nhất thể thao Việt Nam có được ở đấu trường lớn nhất thế giới này là tấm HCB của VĐV Lê Văn Công môn Cử tạ tại Paralympic. Điều này khiến cho thể thao Việt Nam cần phải nhìn lại và đưa ra những thay đổi cần thiết để hướng tới kết quả tốt hơn trong tương lai.

Báo cáo tổng kết 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021 nêu rõ, đối với phần thể thao thành tích cao, trong thời gian vừa qua, Tổng cục TDTT đã tiến hành xây dựng kế hoạch chuẩn bị tham dự ASIAD 2022 tại Trung Quốc, định hướng Olympic 2024 tại Pháp và tiếp tục triển khai Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035". Trong đó, mục tiêu cao nhất của ngành thể thao là cạnh tranh huy chương tại các đấu trường Olympic.

Thể thao Việt Nam dự tính sẽ thay đổi cách lựa chọn vận động viên tham dự các sân chơi lớn - Ảnh 1.Trong thời gian tới đây, ngành TDTT Việt Nam sẽ có những thay đổi với mục tiêu cao nhất là cạnh tranh huy chương tại sân chơi Olympic (Ảnh: Hiếu Lương)

"Thời gian qua, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cho thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2022 tại Trung Quốc và hướng tới Olympic 2024 tại Pháp. Về phía Ủy ban Olympic thế giới đã công bố dự kiến các môn tham dự. Về cơ bản, các môn thi đấu đều không thay đổi, có chăng chỉ thay đổi Karate, Bi sắt vả có thể đưa thêm 1,2 môn nữa vào" - ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết.

Theo đó, Tổng cục TDTT đang lên kế hoạch họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các ngành có liên để thảo luận liên quan đến vấn đề thể thao thành tích cao và xây dựng định hướng các môn thi đấu, đưa ra các giải pháp đầu tư cho VĐV với mục tiêu lấy được HCV ASIAD và cạnh tranh huy chương tại Olympic trong khoảng 1, 2 chu kỳ tới đây.

"Đấy là mục tiêu cao nhất chúng tôi đặt ra. Muốn xây dựng hình ảnh của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế hay nói cách khác là hình ảnh là cờ Việt Nam được kéo lên trên đấu trường lớn thì phải có những thay đổi. Do vậy, ưu tiên số 1 là các môn tham dự Olympic" - ông Trần Đức Phấn khẳng định.

Theo người đứng đầu Tổng cục TDTT, việc hoạch định chiến lược trên có sự khác biệt so với chiến lược ngành thể thao đưa ra giai đoạn 2010-2020. Nếu như chiến lược 2010-2020 luôn có quan điểm, mục tiêu là phải xếp trong top 3 khu vực hay tuyển chọn VĐV cách liên thông giữa 3 đại hội (Từ SEA Games lựa chọn các VĐV tham dự ASIAD, từ ASIAD chọn VĐV lên Olympic) thì chiến lược mới sẽ hoàn toàn khác.

Cụ thể, ngành thể thao sẽ tiến hành lựa chọn thẳng VĐV chuẩn bị cho các kỳ đại hội lớn. Bên cạnh đó, ngành cũng giành thứ tự ưu tiên cho Olympic ở vị trí số 1 với mục tiêu cạnh tranh huy chương; số 2 là ASIAD với mục tiêu giành HCV ở một số môn và số 3 là SEA Games.

"Với thể thao Việt Nam việc cạnh tranh huy chương ở một số môn đòi hỏi sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ khó cao thì rất khó. Trong giai đoạn hiện nay thì chưa thể nhưng mai kia, khi tầm vóc người Việt Nam phát triển lên thì hoàn toàn có thể. Cho nên định hướng chiến lược cần thay đổi. Tới đây chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến với các tỉnh, thành, từ đó định hướng để các địa phương có cách nhìn, quan điểm đầu tư, tổ chức thực hiện. Nói như vậy tưởng chừng rất đơn giản nhưng đã thay đổi một vòng tròn chiến lược" - ông Trần Đức Phấn nói.

 

Theo Cổng TTĐT BỘ VHTTDL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.132.372
Online: 47