Khoảnh khắc Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử mãi in đậm trong trái tim, khối óc của hàng triệu người dân Việt Nam. Nhớ lại thời khắc huy hoàng của dân tộc cách đây 75 năm, những cựu chiến binh năm xưa giờ đây tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn nhớ rõ những kỷ niệm về Ngày Độc lập.

* Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục III, Bộ Công an: 

Không khí ở Hà Nội lúc đó vô cùng sôi động

Năm nay tôi đã bước sang tuổi 94 nhưng hình ảnh về mùa Thu lịch sử năm 1945 dường như mới diễn ra ngày hôm qua và lúc nào cũng in đậm trong tâm trí. Khi đó, tôi là một thiếu niên của Thành Hoàng Diệu (Hà Nội), được đứng trong đoàn của học sinh Thủ đô để tham dự buổi lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, được chứng kiến thời khắc Hà Nội ngày 2-9-1945 rợp màu cờ đỏ sao vàng, tôi vô cùng tự hào và cảm thấy rất hân hoan.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh

 

Khi lời Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vừa dứt, tôi phấn khởi trào nước mắt, lòng tự nhủ, nước mình giờ đã là một nước độc lập, không còn niềm hạnh phúc nào cao hơn được là dân của một đất nước độc lập.

Không khí ở Hà Nội lúc đó vô cùng sôi động, phấn khởi, người dân từ các vùng lân cận và các huyện ngoại thành nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, mọi ngả đường vào Hà Nội khi đó đều đông nghịt. Gương mặt ai cũng hồ hởi, mặc dù không phải là người thân nhưng mọi người ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vô cùng. Đặc biệt là các nhóm thiếu nhi Hà Nội như chúng tôi thì càng phấn khởi vì đất nước vừa trải qua chiến tranh, giờ được độc lập thì mừng vui không thể nào kể hết thành lời.  

Khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tôi đã được nhìn thấy Người ở khoảng cách rất gần. Tôi cảm thấy mình rất vinh dự và may mắn bởi so với các bạn thiếu nhi ở các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ được ngắm Bác Hồ qua hình ảnh thì tôi được trực tiếp nhìn thấy Bác.

Một thời gian sau, tôi vào chiến trường miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Khi đang ở chiến trường thì nghe tin Bác mất. Lúc đó, tất cả mọi người ở cơ quan tôi đều khóc. Tôi và các đồng đội đã nén đau thương, tiếp tục chiến đấu, để giải phóng quê hương, đất nước, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

------------------

* Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội: 

Tôi rất vui vì đất nước bước sang một trang mới

Thời điểm Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tôi đang làm công tác giáo dục ở tỉnh Quảng Nam.

Mặc dù không được trực tiếp nghe Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập nhưng lúc đó tôi vô cùng vui mừng, bởi từ đây, dân tộc Việt Nam sẽ bước sang một trang mới, niềm mong mỏi độc lập, tự do của cả dân tộc đã thành sự thật.

Ông Huỳnh Đắc Hương.

Tuy nhiên, khi đó số lượng người dân không biết chữ còn nhiều nên tôi nghĩ, đất nước sau khi hòa bình lập lại, phát triển thì công tác xóa mù chữ phải được thực hiện ngay. Vì vậy tôi đã tham gia tổ chức và dạy các lớp bình dân học vụ để giúp đỡ đồng bào học tập.

Năm nay, tôi đã bước sang tuổi 100, được chứng kiến sự thay đổi và phát triển từng ngày của đất nước, tôi cảm thấy rất tự hào về thế hệ tương lai của dân tộc. Đất nước được thế giới ca ngợi, là dân tộc nhỏ bé nhưng đi đầu trong nhiều lĩnh vực.

-----------------

* Ông Nguyễn Như Nghiêm, Ủy viên Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà lao Hỏa Lò:

Chúng tôi đã biến nhà tù thành trường học cách mạng

Ngày 2-9-1945, tôi đang là công nhân cứu quốc của Hà Nội. Không khí Hà Nội lúc đó vui và nhộn nhịp. Mọi người rất phấn khởi, nhiều người đổ về Quảng trường Ba Đình để nghe Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Tôi cũng hòa vào dòng người để đến Quảng trường Ba Đình.

Ông Nguyễn Như Nghiêm.

Cho đến bây giờ, đã bước sang tuổi 94 nhưng hình ảnh Bác Hồ đứng trên lễ đài đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi.

Nhớ lại những ngày Hà Nội chìm trong khói lửa chiến tranh mới thấy giá trị của hòa bình, tự do và độc lập. Khi đó, nhà tôi ở phố Hà Trung (Hà Nội), mỗi sáng mở cửa ra là thấy xác người dân bị chết đói, bị thực dân Pháp đánh đập tàn nhẫn, thương đồng bào mình vô cùng. Vì vậy, tối nào tôi cũng nấu cháo để buổi sáng mang ra chợ Hàng Da giúp đỡ bà con.

Trong thời gian tôi bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò, tôi cùng với một số đồng chí đã tổ chức dạy tiếng Anh cho các chiến sĩ trong tù. Chúng tôi đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, hoạt động ngay trong lòng địch.

Chiến tranh đã qua đi, Hà Nội và cả nước giờ đã “thay da, đổi thịt” rất nhiều. Tôi mong muốn thế hệ ngày nay tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống mà thế hệ đi trước đã dày công xây đắp, để đưa đất nước ngày càng phát triển.

 

Theo https://www.qdnd.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.135.060
    Online: 44