Những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, Ngành, Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Điện Biên là tỉnh đa dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự phong phú và đa dạng về các loại hình di sản văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn di sản tiêu biểu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân ngày 14/10/2016 về việc thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ), tỉnh Điện Biên đã đạt được kết quả như sau:
- Đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết số 24/NQ-HĐND; có 25/67 di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, đạt 41,4% so với mục tiêu Nghị quyết số 24/NQ-HĐND; có 09/24 di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích quốc gia, 01 di tích cấp tỉnh), đạt 300% so với mục tiêu Nghị quyết số 24/NQ-HĐND; toàn bộ số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung được bảo quản, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết số 24/NQ-HĐND.
- Có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đạt 94,7% so với mục tiêu Nghị quyết số 24/NQ-HĐND. Đến nay tỉnh đã kiểm kê được 18 dân tộc gồm: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Lào, Kháng, Dao, Hà Nhì, Hoa (Xạ Phang), Xinh Mun, Phù Lá, Tày, Nùng, Cống, Si La, Sán Chỉ, Mường, Thổ. Còn lại các dân tộc khác chưa được kiểm kê.
- Có 11/19 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy, đạt 115,6% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND. Gồm các dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Hà Nhì, Si La, Cống, Hoa, Lào, Dao.
- Có 15 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đạt 100% so với mục tiêu của Đề án; có 02 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đạt 200% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND.
- Có 26 Nghệ nhân được lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đạt 200% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND; giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Điện Biên có 20 Nghệ nhân ưu tú, trong đó có13/13 nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chế độ theo quy định hiện hành, đạt 100% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND.
- Có 88/129 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và tự chủ được chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện, chiếm 68,2% tổng số xã, phường, thị trấn, đạt 157% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (mục tiêu đặt ra là 40% trở lên); có 635/1.441 thôn, bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, có chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện, chiếm 44,1% tổng số thôn, bản, tổ dân phố, đạt 147% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ; có 776/1.441 thôn bản, tổ dân phố được gắn biển tên, chiếm 53,8% tổng số thôn bản, tổ dân phố, đạt 53,8% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (mục tiêu đề ra là 100%) .
- Có 218/225 cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa bàn, là người có thời gian sinh sống lâu dài trên địa bàn, có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương, chiếm 96,8% tổng số cán bộ văn hóa xã hội cấp xã, đạt 101,9% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (mục tiêu đề ra là 95% trở lên) ; có 225/225 số cán bộ văn hóa xã hội cấp xã được đào tạo đúng chuyên ngành, phù hợp với vị trí việc làm, đạt 200% so với mục tiêu của Đề án; có 100% số cán bộ văn hóa xã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm, đạt 100% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND.
- Đến nay có 09/10 huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (duy nhất có huyện Mường Chà chưa triển khai thực hiện , đạt 90% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (mục tiêu đề ra mỗi huyện, thị xã, thành phố đều được hỗ trợ); hoạt động du lịch tại cộng đồng đi vào nề nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Đã và đang đầu tư bảo tồn 02 bản văn hóa truyền thống dân tộc (bản Che Căn, xã Mường Phăng và bản truyền thống dân tộc Khơ Mú, tại bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ), đạt 66,6% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (mục tiêu đề ra là 03 bản văn hóa truyền thống); có 11 bản văn hóa - du lịch được quan tâm hỗ trợ (trong đó tập trung công tác đào tạo, tập huấn trang bị về kiến thức, kỹ năng trong hoạt động du lịch; chưa đầu tư bảo tồn văn hóa, nâng cấp về cơ sở hạ tầng để hoạt động du lịch), số bản văn hóa, du lịch được hỗ trợ đạt 220% so với mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND.
- Tỉnh Điện Biên đã triển khai bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người (dân tộc Si La và dân tộc Cống) thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa. Đến nay đã bảo tồn Lễ cầu mùa và mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Si La. Đối với dân tộc Cống đã bảo tồn và lập hồ sơ khoa học di sản Tết Hoa (Tết truyền thống của người Cống) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời đã mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Cống; đã bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Cống và Si La.
Trong những năm qua, quá trình triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đã bám sát mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND đã đề ra. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
- Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả tích cực, song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt so với mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; số dân tộc được kiểm kê; các huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể; số bản văn hóa truyền thống được bảo tồn; số thôn bản, tổ dân phố được gắn biển tên.
Quá trình bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện. Nguồn lực đầu tư để triển khai Đề án một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả.
- Chưa chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc như: Trụ sở làm việc và nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh Điện Biên chưa được quy hoạch, đầu tư, hiện vẫn đang ở tạm tại Nhà kho hiện vật lòng hồ sông Đà thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên, do vậy rất khó khăn và hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học về các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu của khách du lịch và các nhà khoa học trong và ngoài nước.
- Công tác bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc rất ít người chưa được triển khai đồng bộ, hiện mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong dự án phát triển kinh tế xã hội. Dân tộc Si La và dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết các giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu; nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một.
- Số di tích mới phát hiện trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng còn thấp.
- Việc hỗ trợ đầu tư bảo tồn một số bản văn hóa truyền thống và hỗ trợ đầu tư, nâng cấp một số bản văn hóa - du lịch đến nay chưa thực sự được đầu tư.
- Chưa đáp ứng việc đầu tư cho Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên theo hướng là Đoàn Nghệ thuật ca - múa - nhạc dân tộc và hiện đại: chưa xây dựng được dàn nhạc dân tộc truyền thống.
- Phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển chưa đồng đều; một số bài hát, điệu múa truyền thống của các dân tộc đã bị mai một, chưa thường xuyên tập luyện, trình diễn.
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Một số hủ tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để, các vi phạm chủ yếu là: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức ăn uống linh đình, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; để người chết quá 48 giờ mới chôn cất, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; khi gia đình có người ốm đau không đưa đến trung tâm y tế để khám chữa bệnh mà thực hiện cúng lễ để trừ ma tà...
- Tình trạng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo như vấn đề tuyên truyền đạo trái phép ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào Mông vẫn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến việc giữ gìn và củng cố khối đoàn kết các dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên bởi vì Điện Biên là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt phức tạp; hạ tầng cơ sở chưa phát triển; xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp; tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí không đồng đều. Một số nơi còn tồn tại phong tục tập quán lạc hậu, tình trạng di cư tự do còn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, xuyên tạc để chống phá cách mạng, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương nên việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa chú trọng đúng mức về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa có lúc, có nơi bị xem nhẹ; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong một số nhiệm vụ còn hạn chế. Công tác đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu; chưa có chính sách khuyến khích, động viên đối với hoạt động đặc thù.
Để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND đã đề ra, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần nỗ lực, phối hợp triển khai thực hiện tốt “Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.