Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta không thể không nhắc đến tên tuổi của một vị tướng tài ba, lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc tạo thế, thay đổi chiến lược, chiến thuật để phát huy sức mạnh, đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời làm thay đổi lịch sử. Vị tướng Tổng tư lệnh ấy, đã cùng toàn quân, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa dân tộc Việt Nam bước lên đài chiến thắng vinh quang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở miền quê “gió Lào cát trắng” của tỉnh Quảng Bình. Ông sớm tham gia cách mạng và trở thành học trò - một cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông là người thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ từ 34 người với vũ khí thô sơ, dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trưởng thành và lớn mạnh đánh bại đội quân viễn chinh nhà nghề của Pháp, Mỹ. Từ 1 giáo viên sử học, không qua một trường lớp đào tạo về quân sự nào, mà trưởng thành từ thực tiễn chiến trường, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đánh bại 10 Đại tướng của Pháp, Mỹ được đào tạo tại các trường quân sự nổi tiếng trên thế giới. Ngày 28/5/1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20/01/1948 và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam khi mới 37 tuổi. Điều đó cho thấy Bác Hồ đã tin tưởng, đánh giá rất đúng phẩm chất và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Văn lo việc nước Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”.

Sau những thất bại liên tiếp, Chính phủ Pháp ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Điện Biên Phủ - một vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh của vùng Tây Bắc trở thành “điểm hẹn lịch sử”, “trận quyết chiến chiến lược” trong Đông Xuân 1953 - 1954 của cả Việt Nam và Pháp.

Quân đội viễn chinh Pháp đã cho xây dựng tại Điện Biên Phủ Tập đoàn cứ điểm “mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương”, ưu tiên các loại vũ khí tối tân, hiện đại, bố phòng nghiêm ngặt hòng “nhử quân chủ lực của Việt Minh vào rồi tiêu diệt”.

Sau khi phân tích tình hình, Bộ Chính trị đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 05 tháng 01 năm 1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận mang theo quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đó là tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và phá tan kế hoạch Navarre.

Ngày 12 tháng 01 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến hang Thẩm Púa - Sở chỉ huy đầu tiên của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập hội nghị phổ biến kế hoạch chiến đấu. Theo ý kiến của các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận cần tranh thủ khi quân Pháp đứng chân chưa vững, chưa kịp củng cố công sự trận địa vững chắc, thời gian tác chiến không kéo dài thì có thể đảm bảo được vấn đề hậu cần vì vậy nên “Đánh nhanh, thắng nhanh” có thể giành được thắng lợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy với trình độ tác chiến và trang bị của bộ đội Việt Nam hiện nay chưa thể tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” được. Nhưng vì vừa mới đến, chưa có cơ sở để bác bỏ phương án mà đa số các đồng chí đều đồng tình. Ngày 14 tháng 01 năm 1954, mệnh lệnh chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” được phổ biến trên sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Trận đánh sẽ diễn ra trong ba đêm hai ngày, thời gian nổ súng dự kiến vào 17 giờ ngày 20 tháng 01 năm 1954. Trước khi kết thúc hội nghị Đại tướng nhấn mạnh: “Hiện nay địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần nắm vững tình hình địch để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí”.

Rạng sáng ngày 18 tháng 01 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chuyển đến hang Huổi He, xã Nà Tấu. Từ sau hội nghị tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo dõi tình hình trên chiến trường. Qua gần một tháng tình hình đã thay đổi rất nhiều. Về phía quân Pháp, quân số đã tăng viện lên đến 12.000 quân với những hệ thống công sự trận địa đã được củng cố vững chắc và tăng cường các loại hỏa lực mạnh. Về phía Quân đội Việt Nam, do không lường hết được việc dùng sức người kéo pháo vào trận địa gặp nhiều khó khăn nên đến giờ dự định mở màn tấn công pháo vẫn chưa tập kết đủ, đặc biệt trận địa Pháo lại “nằm phơi mình” trước trận địa pháo của quân Pháp nên nếu xảy ra phản pháo chắc chắn sẽ bị lộ và thất bại nên hoãn thời gian tấn công đến 17giờ ngày 25 tháng 01 năm 1954. Đêm ngày 25/01/1954 là một đêm rất dài, Đại tướng không tài nào ngủ được, đầu đau nhức, đồng chí y tá phải buộc lên đầu Đại tướng một nắm ngải cứu. Những lời Bác dặn Đại tướng trước lúc lên đường luôn văng vẳng: “trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.Vì vậy với tinh thần trách nhiệm của một người chỉ huy trước Bác và Bộ chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sáng ngày 26 tháng 01 năm 1954 trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không thay đổi, nhưng không thể thực hiện theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” mà chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến lúc này có nghĩa là thay đổi lại tất cả: từ việc kéo pháo,  làm đường, chuẩn bị về hậu cần và đặc biệt là sẽ tạo sự hụt hẫng về tinh thần, có thể gây giao động về tư tưởng của các chiến sĩ. Hơn ai hết, là người chỉ huy, Đại tướng hiểu được những khó khăn đó sẽ xảy ra nhưng nếu quyết định “đánh nhanh, thắng nhanh” sẽ là quyết định sai lầm nên thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định, đúng đắn, sáng suốt và cũng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 31 tháng 01 năm 1954 Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển vào khu rừng Mường Phăng. Những ngôi lán lá nằm dấu mình dưới tán rừng nguyên sinh đại ngàn được đảm bảo an toàn, bí mật cho đến khi kết thúc chiến dịch. Đối với Đại tướng – Người gắn bó với nơi này và coi nơi đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Tại đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triển khai mọi công tác chuẩn bị theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”.

Đầu tháng 3 năm 1954, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng đợi giờ nổ súng. 17h ngày 13 tháng 3 năm 1954 Quân đội nhân dân Việt Nam mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trải qua “56 ngày đêm bão lửa” với “gan không núng, chí không mòn” quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 7/5/1954.

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp

Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp

Vinh quang Tổ Quốc chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Vinh quang Hồ Chí Minh - Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi”.

Từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trở về thăm Điện Biên - nơi Đại tướng dành nhiều tình cảm sâu nặng với mảnh đất nơi đây. Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Mường Phăng khi ấy người đã 94 tuổi. Đại tướng trở về trong vòng tay ấm áp của dân bản Mường Phăng. Đại tướng tâm sự: “giờ đây tôi tuổi cao, sức yếu, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi trở về thăm bà con”. Đó là lần cuối cùng trở về của Đại tướng với mảnh đất Điện Biên. Giờ ngôi lán làm việc, căn hầm chỉ huy vẫn còn đây, cảnh vật không khác xưa là mấy nhưng Người thì đã mãi mãi ra đi.

“Ôi vẫn biết phút giây này sẽ đến

Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời

Vị tướng tài bao triệu người quý mến

Trái tim Người ngừng đập Việt Nam ơi!”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng hình ảnh và chiến công của Người vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người con đất Việt và mãi trường tồn cùng non sông đất nước:

“Đại tướng của dân, Đại tướng của vạn nhà

Người ghi vào cuộc đấu tranh nước mình bản trường ca bất tử

Cho mai sau con cháu lật từng trang lịch sử

Mãi tự hào khi nhắc gọi Điện Biên

Người thầy giáo trường Thăng Long với đôi mắt thật hiền

Cùng đội quân nhân dân 2 lần đánh tan Thực dân, Đế quốc

Tâm, trí, dũng và tình yêu Tổ Quốc

Đã làm nên huyền thoại cho thế kỷ 20

Nước mắt dân tộc mình thêm lần nữa chung rơi

Là bài học nhân cách Người ra đi để lại

Giữa biển dân vẫy tay dài mãi

Di ảnh Người đẹp thế nụ cười tươi!”.

Người dân nơi đây vẫn gìn giữ khu rừng Mường Phăng như một khu rừng thiêng và đã trở thành điểm đến trong các cuộc hành hương về nguồn của người dân Việt Nam, cũng như bạn bè trên thế giới. Nơi đây sẽ mãi là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ về nghệ thuật quân sự và khí phách anh hùng bất khuất của dân tộc ta trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Nguồn ảnh Internet


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.315.216
Online: 77