Mặc dù có cuộc sống hòa nhập với các dân tộc khác và ảnh hưởng giao thoa các nền văn hóa khác, song dân tộc Mông về cơ bản vẫn giữ được những nét độc đáo riêng có, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội và nghề thủ công truyền thống,…Đó là bản sắc và cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Mông tỉnh Điện Biên được các thế hệ gìn giữ, trao truyền, sáng tạo và phát triển.

Cùng với 53 dân tộc anh em, đồng bào Mông luôn là một phần của sự thống nhất trong khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú nền văn hoá các dân tộc Việt Nam. Dân tộc Mông tại Điện Biên có 05 ngành, đó là Mông trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhs), Mông đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Dua). Mặc dù có cuộc sống hòa nhập với các dân tộc khác và ảnh hưởng  giao thoa các nền văn hóa khác, song dân tộc Mông về cơ bản vẫn giữ được những nét độc đáo riêng có, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng,  ẩm thực, lễ hội và nghề thủ công truyền thống,…Đó là bản sắc và cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Mông tỉnh Điện Biên được các thế hệ gìn giữ, trao truyền, sáng tạo và phát triển.

          Ngoài tiếng nói, chữ viết thì trang phục chính là đặc điểm để phân biệt rõ nét nhất các dân tộc với nhau. Dân tộc Mông là dân tộc có bộ trang phục truyền thống vô cùng độc đáo, cầu kỳ, được tạo ra bởi đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, từ khi còn nhỏ đã theo bà, mẹ, chị học cách trồng lanh, se lanh, dệt vải, thêu thùa... Mỗi nhóm dân tộc Mông ở mỗi vùng miền khác nhau lại có cách trang trí hoa văn riêng, phối màu riêng tạo nên sự khác biệt độc đáo, rực rỡ sắc màu hơn cho những bộ trang phục của mình. Tuy nhiên, một kỹ thuật tạo hình đặc biệt đáng chú ý nhất chính là tạo hoa văn, họa tiết bằng cách in sáp ong lên vải.

          Đây là công đoạn rất quan trọng, đặc biệt khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn đòi hỏi người làm phải có kỹ năng thuần thục, có kinh nghiệm, cẩn thận và khéo léo. Ngoài ra còn có các phương pháp dệt, thêu, đáp ghép vải màu để tạo nên sự đặc sắc của các bộ trang phục, không chỉ có tác dụng trang trí mà qua đó toát lên một thế giới tâm hồn phong phú, cái nhìn nhân sinh quan về vũ trụ của đồng bào dân tộc Mông.

          Ngày 11 tháng 8 năm 2009, theo Kế hoạch sưu tầm hiện vật văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, gia đình ông Lầu Giống Lử ở bản Làng Giang, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã đồng ý bàn giao lại bộ dụng cụ in hoa văn sáp ong của gia đình mình cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên lưu giữ và phát huy giá trị.

          Bộ dụng cụ dùng để in hoa văn bằng sáp ong bao gồm:

          Chảo đun bằng kim loại: đây là loại chảo nhỏ, dày có đường kính 17cm, sâu lòng, không có nắp đậy nhưng có một tay nắm dài 8,5cm. Chảo này được dùng để đun cho sáp ong nóng chảy ra. Sau khi vắt hết mật, cho sáp ong vào chảo và  nấu cho nóng chảy. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80oC sáp mới không bị khô.

          Ống tre có nắp đậy là loại ống dài 44 cm, rỗng ở bên trong, đường kính 4,5cm. Ống tre này được dùng để đựng các dụng cụ nhỏ cho gọn. Nắp đậy cũng được làm bằng tre, đây là một đoạn đầu mẩu tre có kích thước nhỏ hơn phần ống tre dùng để nắp khít vào ống. Gần miệng ống tre có một vòng lạt nhỏ có tác dụng giữ cho ống tre không bị nứt ra. 

          Thanh gạt bằng tre: dài 29cm, rộng 1,2cm có tác dụng gạt vải cho phẳng, không bị nhăn để việc in sáp ong được dễ dàng hơn.

          Dụng cụ in hoa hình xoáy là một mẩu gỗ nhỏ hình trụ tròn dài 10cm, đường kính 1,5cm, một đầu gắn với một miếng kim loại mỏng được uốn quanh thân gỗ hình xoáy ốc. Thân gỗ có hai vòng tròn khấc. Khi sử dụng người ta nhúng đầu kim loại vào sáp ong rồi in lên vải.

          Dụng cụ miết bằng kim loại: dài 12,7cm có hình dạng giống một con dao quắm thu nhỏ có phần thân và chuôi.

          Dụng cụ tạo dòng kẻ (vẽ) bằng tre và kim loại gồm 05 thanh tre dài khoảng 15cm. Đầu của mỗi thanh tre có gắn 01 lá kim loại hình tam giác. Đây có thể được coi là cây bút mà người phụ nữ Mông dùng để vẽ hoa văn. Lá kim loại càng mỏng thì việc vẽ hoa văn càng càng trở nên dễ dàng.

         Khi vẽ, dù là ở bất cứ nơi đâu, trên lán nương hay ở ngoài sân, hay ở trong bếp người vẽ luôn phải ngồi cạnh bếp lửa. Khi sáp ong đã nóng chảy, không cần phải đun thêm lửa, chỉ cần giữ cho than không bị tàn đủ độ nóng cho sáp ong không bị khô là được. Người vẽ cứ thế chấm bút vào chảo sáp ong đó lần lượt vẽ từng hoa văn lên vải. Một lưu ý đặc biệt, vải phải được trải trên  một tấm ván bằng phẳng và nhẵn. Vẽ đến đâu quấn đến đó để vải không bị bẩn;tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu sử dụng của người vẽ mà họ có thể vẽ trên các tấm vải có kích thước khác nhau. Những họa tiết, hoa văn được vẽ bằng sáp ong trên trang phục người Mông rất đơn giản như: đường thẳng, hình tròn, xoắn ốc, hình vuông, tam giác, zíc zắc…Sau khi vẽ xong hoa văn thì đem miếng vải đó cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra rồi mới tiến hành nhuộm chàm và phơi khô. Dựa vào bản sắc cũng như sở thích của mỗi ngành Mông mà họ cắt ghép, thêu thùa nên những bộ trang phục mang nét độc đáo riêng. Hoa văn trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông ẩn chứa nhiều giá trị, ý niệm về cuộc sống, vũ trụ, phản ánh tâm tư, ước vọng cuộc một sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Ngoài ra nó còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh của các cô gái, là tiêu chuẩn để lựa chọn bạn đời của các chàng trai.

            Xã hội ngày càng đổi thay, sự giao lưu tiếp xúc văn hóa ngày càng trở nên sâu rộng, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng bị mai một đi nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn trang phục truyền thống, kỹ thuật tạo hình trên vải của các dân tộc thiểu số là một vấn đề hết sức cấp thiết. Kinh tế thị trường làm mai một văn hóa truyền thống nhưng chính kinh tế thị trường cũng sẽ tạo ra những cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trang phục dân tộc nói riêng khi trang phục truyền thống trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống trực tiếp của người dân hoặc trở thành sản phẩm để phát triển du lịch, dịch vụ thì người dân có nhiều cơ hội để bảo tồn, khôi phục những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình./.

Bảo tàng tỉnh Điện Biên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.315.088
Online: 110