Bánh Dày là món bánh cổ truyền không thể thiếu trong các dịp lễ, hội hay dịp Tết đến Xuân về của đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên nói riêng và người Mông nói chung.

Theo quan niệm xưa, bánh Dày của người Mông không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất, đặc biệt được dùng để làm đồ dâng cúng ông bà, tổ tiên, và các vị thần linh.

Theo tiếng Mông, bánh Dày được gọi là “Chúa Plẩu”. Để có món bánh Dày ngon như ý, cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh, được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng. Ngoài ra cần chuẩn bị mấy lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ nặn bánh không bị dính. Một yếu tố không thể thiếu nữa là phải chọn được gạo nếp nương thơm và dẻo.

Khi tết đến, từ tối ngày 29, các gia đình bắt đầu ngâm gạo nếp để đến sáng sớm ngày 30 sẽ giã bánh Dày. Đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng nhân dịp tết của người Mông. Khi đồ gạo, cần đun nhỏ và đều lửa, thời gian đồ khoảng một tiếng, để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã, cần giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Việc giã bánh Dày thường do những nam thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong rồi cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, để nguội khó nặn, lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch. Trước tiên, người ta nặn một cái to nhất vừa đầy cái mẹt và mang cất đi để đến ngày mồng ba tết cúng mời tổ tiên. Còn lại lấy lá chuối gói thành từng bánh tròn có kích thước bằng hai bàn tay để ăn trong những ngày tết. Khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng bánh nhỏ hình chữ nhật rồi cho lên rán phồng thật thơm và hấp dẫn. 

Nghi thức cúng lễ cuối cùng trong ngày tết diễn ra vào chiều mồng 03 tết, đó là lễ mời tổ tiên, các vị thần linh về hưởng thụ bánh Dày, để các gia đình thể hiện sự biết ơn tổ tiên, thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con cháu. Đây là một chiếc bánh dày to nhất được phần lại khi giã bánh dày chiều ba mươi tết. Theo quan niệm của người Mông, chiếc bánh Dày này tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất nên khi mời tổ tiên ăn bánh Dày là để tạ ơn và tiễn đưa tổ tiên trở về sau khi đã về vui tết cùng con cháu. Chủ nhà bày một mâm để giữa nhà, cắt chiếc bánh Dày đó thành các mảnh nhỏ cho lên rán phồng, thơm và ngồi khấn:

“Hôm nay là ngày mồng ba tết, gia đình có bánh Dày mới chưa ăn, kính mời tổ tiên ông bà, các vị thần linh về hưởng. Về cùng ăn, về cùng uống. Bước sang năm mới xin các thần linh, thổ công, thổ địa, ông bà, tổ tiên xua đuổi những điều xấu, rủi ro, bệnh tật của năm cũ đi, phù hộ cho gia đình chúng con gặp nhiều may mắn, làm nương rẫy gặp nhiều thuận lợi, đi đường xa không gặp mưa to gió lớn, kinh tế gia đình sung túc, có cơm ăn, có nước uống, chăn nuôi không bị bệnh dịch, mùa màng bội thu, làm ít được nhiều, làm nhiều sẽ có của ăn của để cho gia đình nhé".

Khấn xong chủ nhà và những người đàn ông trong nhà kiêng không được ăn cái bánh đó, vì người ta quan niệm rằng nếu những người đàn ông trong nhà mà ăn thì tổ tiên sẽ không có phương tiện để trở về. Vậy nên, chiếc bánh đó chỉ những người phụ nữ, khách hoặc những người khác dòng họ mới ăn được.

Như vậy, bánh Dày không chỉ là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến nhà, trong ngày tết bánh Dày còn được dùng để thờ cúng tổ tiên, các thần linh. Khi đến với Tết cổ truyền “Nào Pê Chầu” của dân tộc Mông, du khách không chỉ được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con dân tộc Mông mà còn được thưởng thức món bánh Dày, đặc sản ẩm thực của người Mông.

Việc gìn giữ và phát huy giá trị của các nghi lễ truyền thống là góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào, làm lành mạnh, phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng và cũng để nhằm góp phần “Xây dựng văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đa sắc màu”. Lễ “Cúng bánh Dày” với tầm ý nghĩa, giá trị tâm linh, văn hóa sâu sắc cũng đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế qua quảng bá hình ảnh, văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên với nhân dân cả nước./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.317.378
    Online: 42