Ngày 20/11/1953, Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mở đầu giai đoạn chiếm đóng vùng đất xứ Thái Tây Bắc Việt Nam. Từ 6 tiểu đoàn dù, cho tới lúc cao điểm khoảng 16.000 tên với những đơn vị lính chiến đấu mạnh nhất, Pháp đã xây dựng Tập đoàn cứ điểm chưa từng có nhằm "bình định Đông Dương", kết thúc những giằng co giai dẳng giữa hai bên từ nhiều năm nay.
Từ cuối tháng 7/1953, Navarre đã có những trăn trở về việc thiết lập những căn cứ "lục - không quân hỗn hợp" hoặc những "căn cứ trận địa" để bảo vệ trực tiếp nước Lào nhưng chưa biết đặt căn cứ đó ở đâu. Trước đó Salan, người tiền nhiệm Navarre đề xuất xây dựng những căn cứ quân sự tại Điện Biên Phủ, và kế hoạch hành binh mang tên Caxstor ra đời, trong điều kiện Đại đoàn 316 của đối phương xuất quân lên hướng Tây Bắc. Theo kế hoạch, quân Pháp sẽ đánh chiếm Điện Biên Phủ bằng ba lực lượng phối hợp: từ Lai Châu đánh xuống, từ Thượng Lào đánh sang và quân dù từ trên trời nhảy thẳng xuống cánh đồng Mường Thanh.
Pháp đã dự định chiếm đóng Điện Biên Phủ qua 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu là chiếm Điện Biên Phủ bằng một cuộc hành quân không vận, giai đoạn hai là rút các lực lượng từ Lai Châu về Điện Biên Phủ nhưng do đặc thù của địa hình nên Pháp không thể bảo vệ được Lai Châu trước một đòn tấn công mạnh từ phía Việt Minh.
Từ khoảng 4 giờ 30 phút sáng, phía sau một chiếc Dakota số 356 cất cánh từ một sân bay Hà Nội mang theo các máy bộ đàm và nhiều sĩ quan cấp tướng, thăm dò để quyết định tiến hành hay hủy bỏ cuộc hành quân kinh khủng nhất của cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau khi bay một vòng quanh thành phố, viên phi công bẻ lái quá đi 20o về phía Tây và bay với tốc độ bình thường. Khoảng 5 giờ 45 phút, trời rạng sáng những khuôn mặt dán chặt vào khung kính máy bay chúng đã phát hiện giữa dãy núi hiểm trở có một thung lũng chạy dài phía trên được bao phủ bởi lớp sương mù trắng xóa. Các tướng tá của Pháp đang quan sát những rừng cây nhiệt đới sau lớp sương mù, Tướng Gilles hỏi: “Liệu sương có tan không?” Các tướng tá nhìn nhau với vẻ ái ngại. Chiếc Dakota tiếp tục hướng cũ bay về phía biên giới Trung Quốc rồi sau đó ngoặt sang 65o về phía trái theo hướng Tây Nam để tiến về phía đồng bằng.
6 giờ 30 phút, một bức điện báo về cho Cogny: “Ở Điện Biên Phủ sương đang tan dần”. Mọi ánh mắt đổ dồn về Tướng Gilles, người chỉ huy cuộc hành quân Caxstor sẽ làm lại một Nà Sản, nơi đã từng giam chân của hàng ngàn quân tinh nhuệ. Điện Biên Phủ sẽ phải nhận sự tiếp tế duy nhất bằng cầu hàng không. Ngoài ra nó còn cách căn cứ hậu phương gấp đôi so với Nà Sản. Tướng Gilles sẽ ném quân của mình xuống giúp quân đội bám trụ lại Điện Biên Phủ và sẽ nhường chỗ cho ai đó! Vì sức khỏe của ông bắt đầu có vấn đề. Đợi cho sương tan thì máy bay hạ thấp độ cao rồi hạ cánh.
Đến 8 giờ 15 phút các phi đội cất cánh. Khoảng 60 chiếc Dakota lần lượt cất cánh thành từng tốp, bay thành một đoàn dài chừng 10km. Trên mỗi chiếc máy bay có chở những tên lính dù với trang phục và mũ chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Lúc này lòng chảo Điện Biên Phủ đang là mùa thu hoạch vụ chiêm.
Khoảng 10 giờ 35 phút, những chiếc Dakota đã vượt qua những đỉnh núi cao và thả gần 3.000 lính dù xuống hai khu vực được chỉ định là Natacha (nằm ở phía Tây Bắc của lòng chảo Điện Biên), gồm 1 đại đội công binh và 6 tiểu đoàn lính dù do Tướng Brechignac chỉ huy cách đó 5km là khu vực thứ hai có tên là Simone (nằm ở phía Nam) có tiểu đoàn II/R.C.P số 1 của Brechignac. Trên điểm Simone tiểu đoàn Brechignac đã dàn quân trên một vùng đất rộng hoang vắng nằm ngăn giữa một bên là sông Nậm Rốm bên kia là những triền dốc phía Đông trong địa phận của Hồng Cúm. Do thông tin chuyển đi không chính xác nên quân Pháp đã nhảy dù xa so với vị trí xác định ban đầu do đó đã không gặp phải bất kỳ sự phản kháng nào từ phía đối phương. Còn tại Natacha cách chỗ quân Pháp nhảy dù 500m về phía Tây binh lính Pháp đã đối đầu với sự phản ứng từ phía Việt Minh khá dữ dội. Các đại đội của tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 truy kích ngay khi chưa chạm đất, rất nhiều lính dù bị bắn và bị thương khi đang nhảy dù. Một trận mưa dù đã phủ trắng thung lũng Mường Thanh, những tên lính dù được thả xuống cánh đồng và mau chóng tập kết thành từng toán di chuyển trên cánh đồng. Tại Hà Nội, Cogny cũng lên máy bay Dakota để đến Điện Biên Phủ. Những chiếc Dakota đã quay trở lại Hà Nội và tiếp tục đưa tiểu đoàn dù số 1 thả xuống Natacha.
Ngay hôm sau, cùng với đợt nhảy dù buổi sáng, Tướng Gilles đã hạ cánh xuống Natacha cùng lúc với trung tá Langlais, người đã nhận được quyền chỉ huy binh đoàn. Chỉ sau 3 ngày từ 20 đến 22/11 sáu tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 lính đã được ném xuống Điện Biên Phủ.
Trong vòng 10 ngày (từ 23/11 đến 03/12/1953), quân đội Pháp đã thả hàng ngàn chiếc dù hàng với đủ loại vũ khí phương tiện cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ. Những cuộn dây thép gai, phuy ét xăng, đạn dược, thực phẩm những khối đạn pháo và phương tiện đủ loại được thả xuống Điện Biên Phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn sân bay Mường Thanh đã được tu sửa lại. Ngày 25/11 chiếc Dakota đầu tiên đã hạ cánh xuống Điện Biên Phủ.
Việc nhảy dù và chiếm đóng Điện Biên Phủ của Pháp khá thuận lợi, không gặp trở ngại gì ngoài việc tướng Gilles, sau khi hoàn tất nhiệm vụ đưa quân dù xuống đã đề nghị người thay thế vai trò Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm với lý do không đảm bảo sức khỏe. De Castries được chỉ định nhận nhiệm vụ quan trọng này.
Sau khi nghiên cứu kỹ Điện Biên Phủ từ vị trí chiến lược, những điều kiện thuận lợi và điểm mạnh của quân Pháp nếu chiếm đóng nơi này, Navarre đã quyết định thiết lập căn cứ quân sự kiểu đã xây dựng tại Nà Sản trên thung lũng Mường Thanh. Đây sẽ là căn cứ quân sự khổng lồ nhằm ngăn chặn quân chủ lực Việt Nam tiến sang Thượng Lào và sẽ là tử địa của họ nếu chấp nhận chiến đấu tại đây. Như vậy, việc tiến hành chiếm đóng Điện Biên Phủ của quân đội Pháp, ban đầu chỉ để ngăn chặn đối phương, sau này lại trở thành giai đoạn chuẩn bị của một trận đánh lớn./.