Him Lam là một trong những vị trí vòng ngoài của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nằm trên đường 41 (nay là đường 279) cạnh một bản nhỏ, cửa ngõ phía Đông Bắc, án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên, một trong những trung tâm đề kháng mạnh nhât của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng như các cứ điểm khác trong hệ thống phòng thủ 49 cứ điểm, Him Lam được Thực dân Pháp đặt cho một cái tên mỹ miều là Béatrice, tên một thiếu nữ xinh đẹp nước Pháp.
Thực dân Pháp đã chọn cách xây dựng hệ thống phòng thủ tại đây nằm trên 3 quả đồi trên điểm cao gần 500m với 3 cứ điểm hình thế chân kiềng, yểm hộ nhau, có trận địa phòng ngự vững chắc, có nhiều hoả lực lợi hại và có cả một hệ thống công sự phụ bằng hàng rào dây thép gai dày đặc. ngoài ra còn được trang bị súng có tia hồng ngoại phát hiện mục tiêu ban đêm, xe tăng, pháo binh, không quân. Lực lượng được bố trí tại cứ điểm này là tiểu đoàn Lê Dương tăng cường, thuộc bán lữ đoàn Lê Dương số 13 mà địch cho là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng, với một bề dày thành tích chưa từng thua một trận đánh nào trước đó. Với lực lượng phòng ngự chắc chắn, lại ỷ vào trang bị, vũ khí hiện đại nên Pháp đã lớn tiếng tuyên bố Him Lam là một pháo đài rất mạnh, một “cánh cửa thép” của Tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ.
Him Lam được Bộ chỉ huy mặt trận của ta xác định là trận mở màn, để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Nhiệm vụ tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam được giao cho Đại đoàn 312.
Trước khi ta nổ súng, mọi sự nghi ngờ về khả năng phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị dập tắt. Thực dân Pháp hoàn toàn biết trước về thời gian và kế hoạch tấn công trung tâm đề kháng Him Lam của Quân đội Nhân dân Việt Nam và đã có sự chuẩn bị tối ưu nhất. Pháo binh của Pháp cũng đã sẵn sàng chờ thời cơ để dập tắt mọi động tĩnh có thể gây hấn đối với Tập đoàn cứ điểm. Nhưng yếu tố bất ngờ là điều chúng không thể dự đoán trước. Sự có mặt của trọng pháo ta trên các triền đồi xung quanh lòng chảo và việc xây dựng các trận địa ngụy trang hoàn hảo đã đưa tới một sự ngạc nhiên không tưởng cho người Pháp, để rồi họ phải trả giá bằng sự sụp đổ gần như hoàn toàn của cụm cứ điểm Him Lam ngay trong những giờ phút đầu tiên của chiến dịch.
Sau nhiều lần thay đổi ngày giờ nổ súng, 17 giờ ngày 13/3/1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng Him Lam và phân khu trung tâm. Chưa bao giờ kẻ thù phải nếm những đòn khủng khiếp đến vậy. Một viên đạn pháo rơi trúng sở chỉ huy Him Lam tiêu diệt viên tiểu đoàn trưởng Pego (Pesgaux) cùng với 3 sĩ quan khác và cả chiếc điện đài. Him Lam mất liên lạc với Mường Thanh ngay từ những giờ đầu trận đánh.
Trong khi pháo ta vẫn đang bắn cấp tập vào các vị trí mục tiêu, quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh vào các cứ điểm 1, 2, 3. Ta nhanh chóng mở được cửa, bắt đầu xung phong, tiến vào đồn địch. Địch dựa vào lô cốt và các hỏa điểm bố trí sẵn chống trả quyết liệt nhằm bảo vệ bằng được Him Lam. Trong khi tại cứ điểm 2 và 3, ta gặp thuận lợi hơn thì tại cứ điểm 1, pháo binh và hỏa lực địch bắn cấp tập, ta gặp khó khăn khi tiến vào sâu do xuất phát chậm hơn. Sau khi chiếm được cứ điểm 2 và 3, các đơn vị đánh hai cứ điểm này được lệnh tăng cường sang cứ điểm 1. Được tiếp sức, các mũi tấn công của ta nhanh chóng bịt hỏa điểm địch đánh chiếm các lô cốt, lỗ châu mai. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung cao vẫy toàn đơn vị đánh vào tung thâm cứ điểm. Trước sức tấn công quyết liệt của các chiến sĩ ta, một số quân địch sống sót ở Him Lam bỏ đồn, chạy vào rừng tìm về Mường Thanh.
23h 30 phút ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Như vậy sau hơn 5 giờ chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo thời cơ thuận lợi tiến công đánh chiếm hai cứ điểm còn lại trong kế hoạch của đợt tấn công thứ nhất là Độc Lập và Bản Kéo.
Cũng trong trận đánh này, chúng ta đã chứng kiến sự hi sinh anh dũng của anh, Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình bịt các hỏa điểm của địch, tạo thời cơ cho đồng đội tiến lên chiếm các vị trí còn lại. Cùng với Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện và Trần Can, 4 vị anh hùng này nổi bật cho tinh thần "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" trở thành tấm gương và những cái tên bất tử trong sử sách, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ sau này.
Một trong những lý do sụp đổ nhanh chóng của một cụm cứ điểm được tổ chức vững chắc như vậy và do một tiểu đoàn Lê dương rất thiện chiến trấn đóng là vì Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó và người chỉ huy khu vực phòng thủ bị chết ngay trong đợt pháo kích đầu tiên do đạn pháo xuyên trúng hầm trú ẩn, ngang qua lỗ châu mai quan sát. Từ đó tiểu đoàn không còn người chỉ huy, việc phòng thủ như “rắn mất đầu”, pháo binh phản pháo không được hướng dẫn chính xác và các cuộc phản công của địch không mang lại kết quả.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện lần đầu của pháo 105 đã gây bất ngờ cho địch. Đại đội lựu pháo 806 được giao trọng trách giương cao nòng pháo trút loạt đạn đầu tiên, dội xuống lòng chảo theo mục tiêu đã định. Các loại pháo khác của ta cũng đồng loạt lên tiếng, tạo thời cơ cho bộ binh tiến lên. Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương, một cơn mưa đại bác bắn chính xác vào cứ điểm của địch, từ trên các điểm cao, hỏa lực bắn cấp tập về phía dưới tập đoàn cứ điểm, bất ngờ hơn ngay cả Piroth - chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm, phụ trách pháo binh cũng không hề biết được nguồn căn của những loạt đạn pháo ấy.
Sự thất thủ nhanh chóng của Trung tâm đề kháng Him Lam đã gây sự hoảng loạn tinh thần sâu sắc tới không chỉ binh lính mà ngay cả những nhân vật cấp cao của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thật vậy, ngay sau Him Lam, Độc Lập và Bản kéo cũng nhanh chóng bị tiêu diệt và bức hàng; ta đã mở thông cửa phía Bắc và Đông Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiếp tục tiến hành những bước tiếp theo nhằm một mục tiêu quan trọng khác là trung tâm Mường Thanh, từng bước tiêu diệt tập đoàn cứ điểm vô cùng mạnh này.
Trung tâm đề kháng Him Lam năm xưa nay đã trở thành di tích thành phần của khi Di tích chiến trường Điện Biên Phủ, đang được tôn tạo, trùng tu và sắp tới sẽ đưa vào sử dụng phục vụ, trở thành tuyến tham quan chính thức./.