Những ngày tháng 3 này, đường vào di tích Trung tâm đề kháng Him Lam điểm trắng sắc hoa Ban. Sắc hoa gợi nhớ mùa xuân năm 1954, bộ đội ta giấu quân dưới những cánh rừng Ban trắng muốt, chờ ngày khai hỏa mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðể rồi lập chiến công với trận đánh mở màn ngày 13/3/1954 - trận Him Lam oanh liệt, làm “sập” sự kiêu căng, tự đắc của Quân đội Pháp về một “cánh cửa thép”, một “cối xay thịt” của tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”.

     Him Lam là một trong những vị trí vòng ngoài của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nằm trên đường 41 (nay là đường Võ Nguyên Giáp) cửa ngõ phía Đông Bắc, án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên, một trong những Trung tâm đề kháng mạnh của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng như các cứ điểm khác trong hệ thống phòng thủ 49 cứ điểm, Him Lam được Thực dân Pháp đặt cho một cái tên mỹ miều là Béatrice, tên một thiếu nữ xinh đẹp nước Pháp. Thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống phòng thủ nằm trên 3 quả đồi tạo thế chân kiềng vững chắc, yểm hộ nhau, có trận địa phòng ngự kiên cố, có nhiều hoả lực lợi hại và cả một hệ thống công sự phụ bằng hàng rào dây thép gai dày đặc. Ngoài ra còn được trang bị súng có tia hồng ngoại phát hiện mục tiêu ban đêm, xe tăng, pháo binh, không quân sẵn sàng chi viện bất cứ lúc nào. Lực lượng  bố trí tại cứ điểm này là Tiểu đoàn Lê Dương tăng cường, thuộc bán lữ đoàn Lê Dương số 13 mà Pháp cho là một trong những đơn vị thiện chiến nhất, với một bề dày thành tích chưa từng thua bất kỳ một trận đánh nào trước đó. Với hệ thống phòng ngự chắc chắn, lực lượng quân tinh nhuệ được trang bị, vũ khí hiện đại nên Pháp đã lớn tiếng tuyên bố Him Lam là một pháo đài rất mạnh, một “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”.

Him Lam được chọn là cứ điểm tấn công mở màn của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

      Về phía ta, Him Lam được Bộ chỉ huy mặt trận xác định là trận mở màn, để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Nhiệm vụ tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam được giao cho Trung đoàn  141 và 209 của Đại đoàn 312 trực tiếp tấn công tiêu diệt cứ điểm. Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu, từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng vào Him Lam và phân khu Trung tâm. Ngay từ loạt đạn đầu tiên ta đã bắn sập sở chỉ huy Trung tâm đề kháng Him Lam, giết chết Tiểu đoàn trưởng Pe go (Pesgaux) và 3 sỹ quan khác, liên lạc giữa Him Lam với Mường Thanh bị cắt đứt hoàn toàn...Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót mặc dù đã bị thương nặng, anh vẫn xông lên dùng bộc phá và lựu đạn diệt lô cốt số 2. Lúc đó hỏa lực của địch ở lô cốt số 3 điên cuồng nhả đạn khiến bộ đội ta không thể tiến lên được, anh Phan Đình Giót một người một súng, lợi dụng địa hình và cả những mô đất nhỏ, thận trọng di chuyển mỗi lúc một gần hơn họng súng trong lỗ châu mai đang khạc đạn về phía quân ta. Và thời cơ đã đến, vào đúng lúc tên xạ thủ thay băng đạn, Phan Đình Giót vùng lên nhằm thẳng lỗ châu mai của địch nhả đạn. Nhưng chỉ trong giây lát, nòng súng địch lại rung lên. Không chần chừ, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót đã kịp đè thân mình lên họng súng địch, bịt chặt lỗ châu mai. Đại đội 58 lập tức xung phong diệt hỏa điểm số 3 và cùng các mũi tấn công khác của tiểu đoàn tràn lên dùng lựu đạn, lưỡi lê tiêu diệt quân thù. Đến 23h30 phút ngày 13/3/1954, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ Trung tâm đề kháng Him Lam. Kết thúc trận đánh, quân ta đã tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống hơn 200 tên thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. Chiến thắng tại cứ điểm Him Lam là  thắng lợi đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.      

          Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam là một trong những di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nằm cách các điểm tham quan khác như: Di tích đồi A1, Di tích đồi D1 (Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ), Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ...khoảng 2km về phía Bắc. Trải qua hơn 65 năm, cứ mỗi độ Hoa Ban nở, chúng ta lại nhớ về trận mở màn Him Lam với những chiến công vẻ vang, những tấm gương anh hùng và cả những mất mát hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Chiến trường oanh liệt năm xưa nay đã được bảo tồn, tôn tạo các hầm hào, hàng rào dây thép gai, lô cốt,  ... là nơi nhân dân và du khách tham quan, tri ân và ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc. Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam là điểm tham quan mang lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa cho mỗi du khách  đến với Điện Biên Phủ - tháng 3 mùa Hoa Ban.

   

Khách du lịch tham quan Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.129.787
    Online: 104