Thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, ngày 13/3/2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 663/KH-UBND về tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2020.
Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dậy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước; tạo động lực thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bể bơi để thúc đẩy phát triển phong trào thể dục thể thao trên địa bàn.
Theo kế hoạch, cùng với các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ, tranh ảnh, phát clip về kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước cấp tỉnh tại thành phố Điện Biên Phủ. Thời gian dự kiến cuối tháng 6/2020 tại Bể bơi Khách sạn Him Lam với quy mô khoảng trên 200 người tham gia, trong đó: 50 học sinh Tiểu học, THCS; 50 học sinh THPT; 50 Thanh niên; 50 học sinh Làng trẻ em SOS và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Nội dung thực hiện tại Lễ phát động cấp tỉnh gồm: Hướng dẫn một số kỹ thuật bơi, kỹ thuật sơ cứu đuối nước; tổ chức thi bơi cự ly 25m và các trò chơi vận động dưới nước.
Tại các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Lễ phát động ở địa phương, vận động các đối tượng, đặc biệt là trẻ em thuộc các xã, phường, thị trấn, trường học trên địa bàn tham gia Lễ phát động. Mỗi địa phương cấp huyện huy động từ 100 người tham gia trở lên, cấp xã huy động từ 50 người trở lên. Căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lựa trọn đơn vị để tổ chức Lễ phát động điểm cấp huyện; chỉ đạo hướng dẫn các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có bể bơi, cơ sở hoạt động thể thao dưới nước để tổ chức Lễ phát động tại cơ sở. Đối với các địa phương chưa có bể bơi, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình, UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền về vai trò, tác dụng của tập luyện môn bơi, hướng dẫn các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu đuối nước qua video, hình ảnh minh họa. Tiến hành rà soát, xây dựng phương án tận dụng các ao, hồ đảm bảo tuyệt đối an toàn và vệ sinh nguồn nước để tổ chức các hoạt động theo Kế hoạch. Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, lắp ghép bể bơi nhân tạo để tổ chức hoạt động bơi trên địa bàn.
Việc tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước là hoạt động rất thiết thực và cần thiết hiện nay, góp phần tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em thiếu niên, nhi đồng, thanh niên trong dịp hè, đồng thời đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn thương tích, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quyền trẻ em, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước./.