Cách đây 74 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cổ vũ tinh thần đấu tranh của toàn dân, toàn quân ta chống lại kẻ thù xâm lược. 74 năm qua, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại vẫn còn nguyên giá trị.
Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay Nhân dân, Nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các thuộc địa, làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ. Mỹ công khai ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Anh xuất phát từ quyền lợi thực dân và theo quỹ đạo của Mỹ cũng ra sức ủng hộ ý đồ của thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn.
Trong hoàn cảnh ấy, Nhân dân ta phải cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả cách mạng và ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ cùng ngày, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Ngày 20/12/1946, sau khi Lời kêu gọi được Đài tiếng nói Việt Nam phát đi, "Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ". Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
"Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".
Toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ chí Minh
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ chí Minh đã hoạch định đường lối cho cuộc kháng chiến, đó là kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực và lâu dài nhằm giành độc lâp, thống nhất hoàn toàn đất nước.
Thực hiện đường lối đó cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Và 30 năm sau, chúng ta đã cắm lá cờ lên nóc dinh độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước.
74 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay.
Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy truyền thống bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, Xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.