Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó nhóm giải pháp có ý nghĩa then chốt là “Mở cuộc vận động giáo dục Chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Với nội dung phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào, bao gồm các phong trào hiện có như: Người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, Xóa đói giảm nghèo, Xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư (nay là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh) … và toàn bộ các phong trào ấy đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương. Ban chỉ đạo phong trào tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện theo từng từng năm, từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Qua 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của quần chúng nhân dân, ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả to lớn, toàn diện và sâu sắc. Từng nội dung cụ thể về xây dựng gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã đi vào đời sống xã hội, trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và tạo khí thế thi đua sôi nổi trong từng hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp đã có nhiều sáng tạo, quyết liệt trong việc chỉ đạo phát triển thực hiện, lồng ghép, kết hợp, cụ thể hóa các nội dung của phong trào với các nhiệm vụ chính trị của địa phương và trở thành những việc làm thiết thực, huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ từ cơ sở góp phần giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Gắn việc thực hiện phong trào với các cuộc vận động thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới như: công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện kỷ cương pháp luật; phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng; chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà văn hóa khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố; chương trình giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa... theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng”. Các phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; phong trào Toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại; phong trào học tập, lao động sáng tạo được triển khai sâu rộng…
Kết quả cụ thể: Số lượng các hộ gia đình; thôn bản, tổ dân phố; cơ quan đơn vị doanh nghiệp được công nhận văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Năm 2000 toàn tỉnh có 5.441 gia đình văn hóa được công nhận; 12 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa được công nhận; chưa có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có 70% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 62% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa dần được quan tâm đầu tư, xây dựng, tạo địa điểm sinh hoạt văn hóa tại chỗ cho nhân dân; đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn, biên giới từng bước được cải thiện. Hiện nay toàn tỉnh hiện có 10/10 nhà văn hóa huyện chiếm 100%; 88/129 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn chiếm 68,2%; 635/1.441 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố chiếm 44%; có 09 sân vận động, 78 sân Bóng đá (trong đó có 08 sân Bóng đá có thảm cỏ nhân tạo), 01 sân Điền kinh, 08 sân Tennis, 98 nhà tập luyện, 22 Bể bơi, 19 sân Bóng rổ, 442 sân Bóng chuyền ngoài trời, 832 sân Cầu lông, Đá cầu và trên 300 các khu thể thao, vui chơi giải trí khác.
Với những kết quả đạt được như trên, có thể khẳng định qua 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt được những kết quả quan trọng, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến nhận thức, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân về vị trí, nhiệm vụ, tác dụng của Phong trào. Phong trào đã diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các phong trào thi đua yêu nước khác, trở thành động lực mạnh mẽ, xây dựng những cá nhân, tập thể, gia đình, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đề ra./.