Nhiệm kỳ 2015 - 2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn với tinh thần đoàn kết thống nhất cao cơ bản hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch, giành được nhiều thành tựu quan trọng.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức thường xuyên với quy mô ngày càng mở rộng đã tạo được ấn tượng tốt, hình thức đa dạng, phong phú đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, tinh thần, tham gia luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.
Ngành đã hoàn thành việc tham mưu cho tỉnh báo cáo Ban Bí thư và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt và Sở đang triển khai thực hiện Đề án. Hoàn thành việc kiện toàn, sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở theo chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, hiệu quả, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức sáng tác, dàn dựng, biểu diễn nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Hoạt động tuyên truyền, văn hóa nghệ thuật luôn bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong nhiệm kỳ, Đội tuyên truyền lưu động toàn tỉnh tổ chức 4.480 buổi tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cho 2.025 ngàn lượt người dân, bình quân đạt 0,7 lượt/người dân/năm, đạt 100% kế hoạch đề ra; căng treo 24.535 lượt băng, cờ, khẩu hiệu; chủ trì tổ chức thành công Hội thi Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh định kỳ 02 năm/lần; dàn dựng 42 chương trình nghệ thuật, thực hiện 606 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phục vụ trên 1.160 ngàn lượt người xem, đạt 105,1% so với Kế hoạch, tăng 26,1% so với giai đoạn 2011-2015; các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn 18.425 buổi phục vụ 3.365 ngàn lượt người xem, nâng cao mức hưởng thụ bình quân của người dân đạt 1,2 lượt/người/năm.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được triển khai; công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cũng như xây dựng các đề án bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ, đã lập hồ sơ xếp hạng được 07 di tích (04 di tích cấp tỉnh, 03 di tích quốc gia), nâng tổng số di tích được xếp hạng đến thời điểm này là 25 di tích gồm Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 13 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ, các tầng lớp nhân dân; tiến hành bảo tồn 05 lễ hội của 04 dân tộc; có 20 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nâng tổng số Nghệ nhân ưu tú trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng thành 28; dự ước đến năm 2020, tỉnh có 12 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Tăng cường công tác tổ chức sưu tầm bổ sung hiện vật, phục vụ khách tham quan bảo tàng và các điểm di tích; hằng năm tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền, giới thiệu về di sản văn hóa và Chiến thắng Điện Biên Phủ đến đồng bào và nhân dân cả nước. Dự ước trong giai đoạn các Bảo tàng và các điểm di tích đón trên 1.729,85 ngàn lượt khách tham quan, trong đó có khoảng 81,7 ngàn lượt khách nước ngoài, đạt 107,9% kế hoạch đề ra.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào đời sống xã hội, ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được những kết quả nhất định góp phần không nhỏ trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội; dự ước đến năm 2020 toàn tỉnh có: 70% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 62% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công nhận đạt chuẩn văn hóa. Công tác gia đình được quan tâm, triển khai, đặc biệt là công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt, các thành viên trong nhóm tích cực tham gia hòa giải khi có các vụ bạo lực gia đình xảy ra, từng bước ngăn chặn và hàng năm giảm 10 - 15% vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Phong trào luyện tập thể dục thể thao của tỉnh ngày càng được nhân rộng, có sức lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, địa bàn dân cư. Nhiều công viên, hoa viên tại các góc đường có bố trí hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng và các công cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước tiếp tục được thực hiện với nhiều nội dung đa dạng, hình thức phong phú. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 30% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình thể thao đạt 19%, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Thể thao thành tích cao của tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Công tác tuyển chọn đào tạo lực lượng vận động viên từng bước đi vào nề nếp, có chuyển biến tích cực, thành tích ở một số môn thể thao trọng điểm được nâng lên thông qua việc tham dự các giải thi đấu đạt 263 huy chương các loại (đặc biệt có 1 HCV Đông Nam Á môn Karatedo), đạt 128,9% kế hoạch đề ra; có 25 lượt vận động viên đạt đẳng cấp qua các giải thi đấu, trong đó 5 lượt kiện tướng, 20 lượt vận động viên cấp I, đạt 125% kế hoạch 5 năm đề ra, tăng 25% so với giai đoạn 2010-2015.
Hoạt động du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước mang tính chuyên nghiệp, trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao đọng, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như lữ hành, nhà hàng, khách sạn, các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng tại các Bản làng chủ yếu do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, một số cơ sở có mức đầu tư khá lớn, có chất lượng dịch vụ du lịch tốt, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, thăm quan, nghiên cứu, trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của du khách. Hằng năm, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia tài trợ, hỗ trợ kinh phí, hiện vật tổ chức Lễ hội Hoa Ban với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Dự ước trong giai đoạn 2015 - 2020 đón khoảng trên 3 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2010 – 2015 ; thu hút và góp phần giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp đạt 6.000 người, lao động gián tiếp đạt trên 8.000 người; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững.
Trong nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao đọng toàn Ngành, Sở Văn hóa, Gia đình, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những đóng góp quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, công tác tuyên truyền được triển khai kịp thời; xây dựng tốt đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới./.