Chạy dài theo thung lũng Mường Thanh là dãy đồi phía Đông nằm sát nhau tạo thành bức bình phong che chở cho phân khu trung tâm, mục tiêu đánh chiếm của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Trận chiến 5 quả đồi” như tên gọi của một số lính Pháp sau khi chiến tranh kết thúc đã nhấn mạnh chiến sự khốc liệt nhất của 56 ngày đêm diễn ra trên thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ chính là trên những cao điểm này.
13/3/1954 ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau năm ngày chiến đấu đầu tiên, ta tiêu diệt được 6 trong số 49 cứ điểm của Thực dân Pháp. Dự kiến tiêu diệt địch qua ba giai đoạn, giai đoạn một đã hoàn thành. Giai đoạn 2 sẽ là giai đoạn quan trọng nhất có tính quyết định để tiến lên chớp thời cơ tiến hành tổng công kích trên toàn mặt trận. Chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, ta chủ trương xây dựng trận địa tiến công và bao vây bằng các đường hào từ bốn phía, áp sát các cứ điểm địch. Các đại đoàn sẽ phát triển các đường hào này giống như những "con dúi" khoét đất, tiếp cận từng vị trí của địch, hào đào tới đâu, vị trí của ta được xác lập tới đó. Bên cạnh tập đoàn cứ điểm cố định của địch, đã xuất hiện thêm một tập đoàn cứ điểm di động của ta, phá vỡ cấu trúc ban đầu trận địa của địch, đặc biệt là cắt đứt liên lạc của phân khu trung tâm với phân khu Nam.
Sau khi chuẩn bị xong, ta bắt đầu bước vào đợt tấn công thứ hai. Chủ trương của Đảng ủy Mặt trận trong đợt hai là tập trung ưu thế binh, hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm phía Đông. Trong số này, có 5 cao điểm quan trọng. Đó là các cao điểm E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Dominique, C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Eliane. Dominique 1 và Dominique 2 nằm hai bên đường 41 là những cao điểm cao nhất ở phía Bắc, khoảng 70m so với mặt đất, trực tiếp kiểm soát sân bay và hai trận địa pháo 105 ở dưới chân đồi. Đây là bức "bình phong" che chở cho phân khu trung tâm, được địch tăng cường hỏa lực và quân cơ động mạnh, cộng thêm sự mất mát trong đợt vừa qua đã được bù đắp, chúng càng hung hăng chiến đấu. Nếu tiến đánh ta sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch, vì vậy cần có phương án đánh phù hợp, quyết liệt.
Các đơn vị được trực tiếp tham gia tiêu diệt địch tại các cao điểm này là: Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120, một đại đội súng cối 82 có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E (Dominique 1), D1 (Dominique 2), D2 (Dominique 3) thuộc trung tâm đề kháng Dominique, dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh địch ở cao điểm 210 (Dominique 6), và tiểu đoàn dù 5 hoặc tiểu đoàn dù 6 cơ động ở khu vực này; Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120mm có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), C2 (Eliane 4) thuộc trung tâm đề kháng Eliane và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động. Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở tung thâm phía Đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh địch.
Đường giao thông hào tấn công của bộ đội ta được hình thành từ trước đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của quân đội ta. Khi mở đầu chiến dịch ta mới chỉ đánh từng trung tâm đề kháng, từng lực lượng địch đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng mạnh với nhiều đơn vị thiện chiến, khó khăn sẽ gấp nhiều lần giai đoạn một. Quyết tâm giành bằng được chiến thắng, ta chủ động mở đợt tấn công thứ hai, ngày giờ nổ súng được xác định vào chiều muộn ngày 30 tháng 3 năm 1954.
Đúng 17 giờ, các cỡ pháo của ta đồng loạt dội xuống các cao điểm phía Đông khu trung tâm Mường Thanh, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ binh của ta tiến lên. Phía đồi D1, trong vòng 30 phút Trung đoàn 209 đã chiếm được cứ điểm D1. Sáng hôm sau, quân Pháp pháo kích dữ dội kết hợp với không quân trút hàng ngàn tấn bom xuống trận địa của ta nhằm chiếm lại ngọn đồi, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, sau 2 ngày ta hoàn toàn làm chủ 3 ngọn đồi D1, D2, D3. Sau đó địch có tổ chức nhiều cuộc phản pháo nhưng hoả lực của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vẫn hiên ngang đứng vứng trên vị trí đồi D1, D2, D3. Để hỗ trợ cho A1, tại C1 và D1 được đặt trận địa sơn pháo của ta. Khu trung tâm bị đặt dưới những nòng pháo bắn thẳng, phối hợp cùng đơn vị bạn ngày đêm uy hiếp quân Pháp trong khu trung tâm Mường Thanh, bảo vệ tốt sườn đồi cho các đơn vị bạn phòng ngự, tấn công tiêu diệt quân Pháp ở các cứ điểm còn lại.
Trận chiến diễn ra tại cao điểm đồi E1 hết sức quyết liệt, pháo của ta nổ đúng lúc diễn ra cuộc thay quân giữa một đại đội của Tiểu đoàn Angieri, với đại đội của Tiểu đoàn 5 tới thay thế. Theo lệnh của Langgle, binh lính được trang bị đầy đủ tập trung dọc giao thông hào không có hầm trú ẩn, đại đội cối hạng nặng của địch được bố trí nằm giữa vị trí chưa bắn loạt đạn nào đã bị pháo ta tiêu diệt. Hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428, đã dùng bộc phá ống, phá lưới hàng rào dây thép gai, vượt qua bãi mìn tiến công vào cứ điểm E1.
Sau 1 giờ 45 phút xung phong áp đảo quân địch, bộ đội ta chiếm toàn bộ cứ điểm, các chiến sỹ khẩn trương tổ chức phòng ngự và dùng súng DKZ, đại liên, súng cối chi viện cho mũi thọc sâu của trung đoàn phát triển, đồng thời khống chế trận địa pháo của địch, đặt trên cao điểm 210. Mất E1, Thực dân Pháp điều một lực lượng lên E2 đóng chiếm đồi này thành cứ điểm, thừa cơ tiến hành phản kích chiếm lại cao điểm E1. Nhưng cũng rất nhanh chóng, hỏa lực của pháo và súng cối của ta kịp thời khống chế, không cho chúng tiếp cận đỉnh đồi, buộc chúng phải rút lui. Ta đã để một bộ phận nhỏ của Đại đoàn 312 canh giữ ngọn đồi này đồng thời yểm trợ các đơn vị bạn tiêu diệt các vị trí khác của địch.
Trên cao điểm C1, ta mở rào bằng đạn phóng bộc lôi, các pháo thủ bắn rất chính xác phá tung từng đoạn rào, khi pháo chuyển làn các chiến sỹ bộc phá chỉ còn giải quýêt nốt những đoạn còn sót lại. Sau 5 phút Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã dọn song cửa mở qua 7 lần rào dây thép gai. Trong lúc hoả lực địch đang bị tê liệt, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hạ lệnh xung phong. Đường dây điện thoại với trung đoàn bị đứt nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm trung đoàn ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất nhô lên trên đỉnh đồi được anh em quen gọi là mỏm Cột Cờ; quân địch dồn về những lô cốt ở khu vực phía Tây gọi pháo bắn vào trận địa ta. Các chiến sỹ xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà, đập tan 3 đợt phản kích của địch. Trận đánh diễn ra đúng 45 phút, toàn bộ một đại đội 140 tên địch thuộc Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Ma Rốc số 4 bị tiêu diệt và bắt sống.
Tân công chiếm vị trí cột cờ - lô cốt cuối cùng của địch trên cứ điểm C1
Thất thủ ở C1, địch rút sang C2 sử dụng hỏa lực ở đây bắn lên C1 để chiếm lại, gây nhiều thương vong cho bộ đội ta.
Một đại đội của ta vượt qua mỏm yên ngựa đột nhập và nhanh chóng phát triển tiêu diệt liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Sau đó lực lượng phía sau của địch đã kịp thời chặn lại. Ta quyết định lui về phòng ngự C1, chờ thời cơ tiến đánh C2.
Tại cứ điểm C2, chỉ huy Bigead đã cho lính đào một đường hào từ C2 sang C1, chuẩn bị mở đợt tiến công bất ngờ, có tính quyết định của trận đánh. 5 giờ 50 phút ngày 10/4, Bigead đã ra lệnh tấn công trận địa phòng ngự của ta trên C1. Toàn bộ pháo địch gồm 20 khẩu 105mm ở Mường Thanh và Hồng Cúm đồng loạt bắn lên C1. 4 xe tăng từ C2 tiến lên trút loạt đạn về phía trận địa phòng ngự của Trung đoàn 98 ở mỏm Cột cờ. Phía bên trên máy bay địch liên tiếp bắn phá những con đường tiếp viện của ta; đưới đất, hai tiều đoàn dù số 5 và số 6 tiến quân lên C1 hòng chiếm lại cứ điểm. Các chiến sĩ Trung đoàn 98 đã bình tĩnh và anh dũng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa. Cuộc chiến đấu diễn ra ở đây trong tình thế giằng co quyết liệt. Địch liên tục chi viện, mở nhiều đợt xung phong, phản kích. 2 giờ sáng ngày 14/4, mỗi bên chiếm giữ nữa quả đồi.
Cứ điểm A1 sẽ là vị trí xung yếu của đợt tấn công thứ hai, đơn vị chủ công nhận nhiệm vụ tiêu diệt A1 là Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308. 17 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954 các mũi tiến công của quân ta dồn dập tiến vào các cao điểm phía Đông. Lần lượt C1, C2, D1, E1 bị bắn phá dữ dội; riêng A1 do đường dây thông tin bị gián đoạn ngay từ phút đầu nên không nhận được lệnh tấn công. Quá 30 phút, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An mới quyết định chỉ huy đơn vị mình đánh vào cửa mở. Với vị trí hiểm yếu của cứ điểm này nên Thực dân Pháp cũng dốc toàn lực để bảo vệ. Cuộc chiến tại cứ điểm A1 khó khăn gấp nhiều lần so với những tính toán ban đầu của Bộ chỉ huy chiến dịch, kéo dài tới 39 ngày đêm và được chia thành 4 đợt tiến công và 1 đợt phòng ngự, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng mét giao thông hào, thương vong của ta là khá lớn..
Bản mệnh lênh nổ khối bộc phá gần 1000kg trên cứ điểm A1 tối ngày 6.5
Khó khăn lớn nhất của ta đồng thời cũng là điểm mấu chốt của cứ điểm là một hầm ngầm bí mật, làm tốn khá nhiều sức lực và xương máu của bộ đội ta. Việc xác định vị trí hầm và việc áp sát tiêu diệt là khó khả thi trong điều kiện địch đã tập trung binh, hỏa lực mạnh nhất về đây hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những tính toán kiên quyết để tiêu diệt bằng được căn hầm này. Một kế hoạch “Lấy hầm trị hầm” được vạch ra, có tính chất quyết định tiêu diệt cứ điểm này. Để tiêu diệt hầm chỉ huy cố thủ cứ điểm A1, ta đã đào một đường hầm ngầm dưới đất dài 33m và một ngách ở cuối đường hầm để chứa 960kg thuốc nổ. Chiều ngày 01/5/1954, toàn mặt trận bước vào trận chiến đấu cuối cùng. Nhiệm vụ của đợt này là đánh chiếm các cao điểm còn lại ở phía Đông, trọng tâm là phải chiếm cho được đồi A1, tiêu diệt một số cứ điểm ở phía Tây, bắn phá khu vực trung tâm chuẩn bị chuyển sang tổng công kích. 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5, sau tiếng nổ của khối bộc phá, các đơn vị của ta tiến lên tiêu diệt các vị trí của địch. Sau hơn 8 giờ chiến đấu, rạng sáng ngày 7/5, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1.
Sau khi làm chủ A1, Trung đoàn 174 yểm trợ đắc lực cho C2, đập tan cuộc phản kích của địch. Lựu pháo của ta cũng dồn dập bắn chi viện hơn 200 quả, bộ binh cũng ào ạt xung phong. Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của Việt Minh, cứ điểm C2 đã bị thất thủ. Chiếm được C2, toàn bộ dãy cao điểm phía Đông đã nằm dưới sự khống chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trận chiến tại cứ điểm C2 kéo dài nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiếm được cứ điểm này đã tạo thuận lợi cho các mũi tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam vượt cầu Mường Thanh, tiến thẳng vào trung tâm chỉ huy của địch.
A1, C1, C2 những điểm cao phía Đông lần lượt bị mất, “chiếc chìa khóa của Tập đoàn cứ điểm đã lọt vào tay ta”, Sở chỉ huy của tướng De Castries nằm trong tầm hoả lực bắn thẳng của bộ binh. 15 giờ ngày 07/5/1954, từ các hướng quân ta đồng loạt tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiến thẳng vào hầm chỉ huy bắt sống De Castries cùng toàn bộ tham mưu của chúng. Sau khi truy quét nốt số tàn binh cố rút chạy sang Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử kết thúc đại thắng.
Toàn bộ lính Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng chiều 7.5.1954
Hồng Nhung