Trong gia đình xã hội chủ nghĩa, vợ chồng bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau nuôi dạy con thành những công dân có ích cho xã hội.
1. Quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng
Điều 17, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định năm 2014: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”
Không phải ngẫu nhiên mà Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến vấn đề bình đẳng đầu tiên trong nội dung viết về quyền và nghĩa vụ về nhân thân trong quan hệ giữa vợ và chồng bởi bình đẳng chính là điều kiện quan trọng nhất để hai cá nhân quyết định cùng chung sống và xây dựng một gia đình. Khác với quan hệ vợ chồng trong các chế độ xã hội xưa, người vợ thường chấp nhận phục tùng người chồng, ít khi được tham gia vào những quyết định quan trọng. Ngày nay, bình đẳng là thước đo sự phát triển của xã hội, là một giá trị mới nhân văn của gia đình hiện đại, là tiêu chí đánh giá một gia đình hạnh phúc. Việc nhấn mạnh quyền bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là hướng đến bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ vốn đã hàng trăm năm nay luôn bị quan niệm là hậu phương, là “ngồi xó bếp”, là “lấy chồng phải theo chồng”.
Bảo vệ quyền bình đẳng của vợ chồng trong mọi mặt đời sống đòi hỏi cả hai cá nhân cần nỗ lực để thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Việc thực hiện bình đẳng được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân như cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái; được thỏa mãn những nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập, tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; được bàn bạc, trao đổi, tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình cũng như bình đẳng, tôn trọng trong đời sống tình dục hay kế hoạch hóa gia đình.
Cho dù vậy, cũng rất khó xác định cách đảm bảo sự bình đẳng trong mọi hoạt động giữa vợ và chồng vì không giống như những quy định trong xã hội có tiêu chí đánh giá cụ thể, trong gia đình, hầu hết mọi hoạt động đều được phân công thực hiện theo những chuẩn mực, cách thức có từ nhiều thế hệ và mỗi cá nhân đều chịu những áp lực nhất định với vai trò của mình khi làm vợ/làm chồng. Do vậy, đôi khi tồn tại xung đột giữa mong muốn của cặp vợ chồng với mong muốn từ phía những thành viên khác (đặc biệt là cha mẹ), giữa những chuẩn mực ứng xử truyền thống và hiện đại.
Do vậy, đôi khi việc thực hiện quyền bình đẳng lại trở nên cứng nhắc như trong tình huống sau:
“Chị C luôn mong muốn vợ chồng phải bình đẳng trong gia đình. Chị C không “cào bằng” nhưng yêu cầu chồng phải luôn bên cạnh vợ, thấy vợ làm gì thì làm cùng. Để tiện “chia sẻ”, vật dụng gì trong nhà chị cũng sắm hai thứ. Nhà có 30m2 nhưng lúc nào vợ một xô nước, một cái chổi, thì chồng cùng nhăm nhăm lấy chổi, xách nước để lau cùng. Khi chị nấu bếp thì anh nhặt rau, chị thái hành, anh rán cá, chị vo gạo. Ngay cả việc giặt quần áo chị cũng đòi anh phải đứng cạnh để “vắt nước”. Khi chị rửa bát thì anh đứng cạnh để lau khô và xếp vào chạn… Hai vợ chồng cứ đủng đỉnh “sánh vai nhau” như vậy khiến anh K sốt ruột. Nhưng khi anh đề nghị mỗi người làm một việc cho nhanh thì vợ anh nhất định không chịu. Chị bảo như vậy thì sẽ có người việc nhiều, việc ít mà tình cảm vợ chồng không được kết nối. Hai người bên nhau sẽ chia ngọt sẻ bùi nhiều hơn.”
Đặc thù mối quan hệ giữa vợ chồng là xuất phát từ tình yêu, từ những cảm xúc, mong muốn, quy ước riêng tư nên sự bình đẳng không phải được thực hiện một cách cứng nhắc, cào bằng mà cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, dựa trên năng lực, sở trường của vợ và chồng. Có như vậy bình đẳng mới được thực hiện một cách tự giác và bền vững trong mỗi gia đình.
2. Quyền được yêu thương, chung thủy; được chăm sóc, quý trọng
Hôn nhân là sự kết hợp thiêng liêng giữa nam và nữ trên cơ sở tình yêu, sự hòa hợp về quan điểm, cách sống và chia sẻ trách nhiệm chung để cùng xây dựng một gia đình, chung sống lâu dài. Do vậy, việc duy trì tình yêu trong hôn nhân là yếu tố then chốt để giữ gìn hạnh phúc gia đình và sự say mê giữa các cặp lứa đôi. Khác với hôn nhân từ những lý do như kinh tế, địa vị, trao đổi lợi ích, hôn nhân vì tình yêu rất cần sự bồi đắp hàng ngày bởi nếu ngọn lửa tình yêu lụi tàn thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất dễ xảy ra.
Quyền được yêu thương thể hiện ở khía cạnh tinh thần bằng sự chăm sóc, tôn trọng, trung thực trong đời sống thường ngày, là những lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ mỗi khi người vợ/chồng gặp khó khăn, đau ốm. Không phải vô cớ mà người xưa lại nhấn mạnh quan niệm “vợ chồng kính nhau như khách”. Khoan hãy bàn đến khía cạnh lễ giáo phong kiến mà chúng ta có thể thấy một nguyên tắc ứng xử rất quan trọng của mối quan hệ vợ chồng, đó là sự tôn trọng, giữ những nguyên tắc nhất định, không suồng sã để bỏ qua những mong muốn của người khác.
Ở khía cạnh vật chất, tình yêu thương, sự chăm sóc, quý trọng cần được thể hiện không phải bằng của cải mà là nỗ lực mang lại một cuộc sống ổn định, đảm bảo các nhu cầu sống và phát triển để người vợ không cần phải vất vả gánh vác gánh nặng kinh tế một mình.
Sự chung thủy là một trong những tiêu chí ứng xử quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng bởi nó chính là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển mối quan hệ vợ chồng/hôn nhân. Khi hai cá nhân bước vào hôn nhân là bản thân mỗi người đều xác định họ sẽ gắn bó, yêu thương với người vợ/chồng của mình đến trọn đời.
Quan hệ vợ chồng được kết nối bởi tình yêu, trách nhiệm, sự tôn trọng. Tình cảm này hết sức gắn bó, đẹp đẽ và thiêng liêng, là sự cam kết gắn bó giữa hai cá nhân thành một thực thể và sẽ chỉ thay đổi khi họ không còn sống chung hoặc một trong hai người mất đi.
Chung thủy là chỉ sự không thay đổi, trước sau như một. Tùy theo quan niệm, phong tục hay định kiến của từng dân tộc, từng quốc gia qua từng thời kỳ mà quan niệm về sự chung thủy hay nhiều yếu tố khác trong xã hội cũng có nhiều khác biệt. Các tôn giáo khi bàn tới đạo lý trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình cũng luôn đề cao giá trị của sự chung thủy. Như Phật giáo coi vợ chồng là nhân duyên và luôn nhắc nhở người vợ và người chồng phải giữ sự chuẩn mực đạo đức, tiết hạnh, không nảy sinh tà ý.
Đòi hỏi sự chung thủy cũng là quyền chính đáng của cặp vợ chồng, nhất là khi bối cảnh của cuộc sống xung quanh cặp vợ chồng luôn có nhiều biến động. Những quan niệm cởi mở hơn và đặc thù của các mối quan hệ xã hội có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng. Nếu như trước đây, khi kết hôn, cá nhân có xu hướng hạn chế các mối quan hệ khác giới khác như bạn bè, đồng nghiệp thì hiện nay họ có thể cởi mở hơn và duy trì các mối quan hệ này song song với quan hệ vợ chồng. Sự chung thủy trong xã hội hiện đại không chỉ là việc dành toàn bộ thời gian bên vợ/chồng của mình mà quan trọng là sự cam kết trong suy nghĩ, trung thực trong hành động và toàn tâm toàn ý yêu thương, chăm sóc vợ/chồng của mình.
Cuộc sống hiện nay luôn ẩn chứa nhiều cám dỗ, những chướng ngại cần phải vượt qua. Tuy nhiên, duy trì sự chung thủy chính là khả năng, là sự biểu hiện của người trưởng thành, có lý trí. Giữ gìn sự chung thủy là giữ gìn được lòng tin, sự tôn trọng và tình yêu trong hôn nhân, giúp cuộc hôn nhân được bền vững và cặp vợ chồng trải qua được những sóng gió của cuộc đời.
3. Quyền cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình
Việc nhà, theo quan niệm của người Việt Nam thường được coi là trách nhiệm của người phụ nữ/người vợ/người mẹ. Rất nhiều loại công việc thường được coi như không tên và không được tính công và vì vậy công sức, sự vất vả, thời gian của người vợ khi làm việc không tên này trong nhiều trường hợp không được nhìn nhận công bằng. Quan niệm đã tồn tại phổ biến trong các gia đình cũng như ngoài xã hội.
Và chính vì phụ nữ phải chịu trách nhiệm làm những công việc không tên/không được trả công và đặc biệt những người phụ nữ vì một số lý do nào đó không tham gia vào lĩnh vực có thu nhập nên tiếng nói của họ trong gia đình trở nên ít có giá trị, thậm chí có những quan niệm nặng nề như “đàn bà ngồi trong xó bếp, biết gì mà tham gia”. Giá trị của người vợ và công sức lao động của họ bị xem thường và bỏ qua.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội được tiến hành năm 2007 tại Hà Tây thì một ngày một người phụ nữ dành năm tiếng để làm việc nhà trong khi đàn ông chỉ dành một hoặc hai tiếng để “giúp một tay/giúp đỡ làm việc nhà”.
Tuy nhiên, quyền chia sẻ và thực hiện các công việc trong gia đình hiện nay đã được luật pháp quy định và bảo vệ. Điều 19, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm của vợ chồng là cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Như vậy, được chia sẻ công việc nhà là quyền lợi và nghĩa vụ của cả vợ và chồng chứ không phải là trách nhiệm của riêng người vợ hay sự giúp đỡ, “làm hộ” của người chồng.
4. Quyền sống chung giữa vợ và chồng
Khoản 2, Điều 19 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.
Như vậy, quyền sống chung nhằm mục đích để quy định việc cùng chung sống sau khi kết hôn nhằm chia sẻ những trách nhiệm, xây dựng sự gắn bó bền vững.
Trên thực tế, có nhiều gia đình vì những hoàn cảnh riêng như công việc, chăm sóc các thành viên khác (như cha mẹ già yếu) nên không thể cùng chung sống. Trong những trường hợp này, cặp vợ chồng cần nỗ lực để hòa hợp, thông cảm và chia sẻ cũng như tìm cách bù đắp, chăm sóc nửa kia của mình.
5. Quyền được học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đây là những quyền cơ bản của mỗi cá nhân trong xã hội, phục vụ cho nhu cầu sống, phát triển lành mạnh, tích cực của mỗi cá nhân. Khi chưa kết hôn và đã là người trưởng thành chúng ta dễ dàng hơn khi có thể tự quyết định những vấn đề của mình. Tuy nhiên, khi đã có gia đình với những sự ràng buộc của trách nhiệm, những lo toan, tính toán không chỉ cho mình mà cả người vợ/chồng và các thành viên khác, mọi lựa chọn đều cần có sự ủng hộ, giúp đỡ của người còn lại. Đặc biệt là đối với người phụ nữ, ngay cả khi giá trị bình đẳng đã trở thành quyền được pháp luật bảo vệ và quy định thì khi trở thành người có gia đình - với thiên chức làm vợ, làm mẹ, họ đều dễ gặp phải những cản trở khi thực hiện những quyền trên của mình.
Mỗi người phụ nữ khi bước vào cuộc sống gia đình, bên cạnh việc mang trong mình những trách nhiệm mới của việc làm vợ/làm mẹ thì bản thân họ cũng là những cá nhân có công việc, sở thích, mong ước riêng của mình. Do vậy, họ vẫn được đảm bảo những quyền lợi của mình để tiếp tục tham gia học tập, làm việc. Đối với phụ nữ Việt Nam, bên cạnh việc lao động, học tập, chị em còn chịu trách nhiệm chính trong công việc nhà và chăm sóc con cái do vậy đôi khi quyền lao động, học tập của phụ nữ chưa được đảm bảo đầy đủ. Điều này xuất phát không chỉ do xã hội, các gia đình và bản thân người chồng chưa tạo điều kiện, chia sẻ, động viên người phụ nữ mà bản thân người vợ cũng đôi khi vì ý thức về vai trò của mình mà bỏ qua những cơ hội để phát triển.
Do vậy, hơn ai hết, người vợ phải nhận thức được quyền lợi của mình trong gia đình để tích cực trao đổi với người chồng trong việc chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cũng như có định hướng đầu tư hợp lý thời gian, kinh phí cho những mong ước chính đáng trong bước đường phát triển của người vợ.
Trên thực tế, người phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực lao động, việc làm đều thiệt thòi hơn nam giới. Tính đến 01/7/2017 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam 28,3 triệu người chiếm 52%, lao động nữ 26,2 triệu người chiếm 48%.
Chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,58 triệu đồng so với nam là 5,19 triệu đồng).
Mặt khác, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay. Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Vấn đề này Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam chỉ giảm 2% trong khi lao động nữ giảm tới 10% so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017.
Những con số này cho thấy sự bất bình đẳng mà người phụ nữ đang phải chịu khi tham gia vào lĩnh vực lao động, việc làm. Do vậy, hơn ai hết, gia đình và đặc biệt là người chồng cần quan tâm tới khả năng và nhu cầu của người vợ để cùng tạo điều kiện cho cả hai người được học tập và làm việc theo mong muốn của mình. Từ việc thực hiện bình đẳng trong gia đình, người phụ nữ mới được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc cũng như xã hội.
Đối với việc tham gia vào hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều không phân biệt giữa phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, cũng giống như các lĩnh vực khác, rào cản lớn nhất đối với người phụ nữ có khi lại xuất phát từ chính gia đình, bởi những trách nhiệm mà xã hội “gán” cho phụ nữ. Có những gia đình, hết giờ làm, người chồng có thể dành ít nhất một buổi tối trong một tuần để tham gia hoạt động thể thao hoặc đi gặp bạn bè, giải trí trong khi người vợ của họ phải làm việc nhà đủ bảy ngày trong một tuần. Những quy định của Nhà nước đôi khi chỉ đặt ra những nguyên tắc xử sự chung mà không thể can thiệp vào cuộc sống riêng của mỗi gia đình. Do vậy, việc sắp xếp, bố trí thời gian, công việc, nguồn lực tài chính để cả người vợ và người chồng đều được tham gia vào các hoạt động xã hội là trách nhiệm của người chồng và các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh những quyền lợi cơ bản được liệt kê ở trên, người vợ còn có những quyền khác được pháp luật bảo vệ như tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng đồng thời rất nhiều quyền, nghĩa vụ khác liên quan tới chế độ tài sản, chấm dứt hôn nhân, con cái.