Dân tộc Hà Nhì nói chung trong đó có dân tộc Hà Nhì tỉnh Điện Biên nói riêng đều coi sinh hoạt Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng nhất, không thể thiếu trong đời sống của mình. Tiêu biểu trong các Lễ hội của người Hà Nhì là Lễ Cúng bản (Gạ Ma Thú); Đối với dân tộc Hà Nhì Lễ cúng bản được diễn ra vào những ngày con hổ (Khà là), trâu ( Nhù no), dê (Gió no) tháng 2 âm lịch, nhưng đặc biệt là vào ngày con Hổ. Theo đồng bào, đây được coi là những ngày đẹp, nhiều may mắn, đồng thời cũng là khoảng thời gian dân bản phát nương làm rẫy chuẩn bị gieo trồng vụ mới cầu xin sự phù hộ của trời đất làm cho mưa thuận gió hòa để bà con dân bản gieo cấy gặp nhiều thuận lợi mùa màng tốt tươi, thu hoạch được nhiều sản phẩm.
Trong lễ cúng bản có một người được dân bản bầu lên làm người chủ trì (mí cù à pố), ngoài ra còn bầu thêm các trợ lý cho thầy cúng chính; Thầy cúng được dân bản bầu chọn ra để chủ trì hành lễ.
Trong những ngày cúng bản (Gạ ma thú) dân bản không ai được đi làm nương, không ai ra khỏi bản, không ai được đào đất, lấy củi, các gia đình dừng mọi công việc hội tụ về bản... nếu nhà ai có người chết, đánh cãi nhau, bị tai nạn trong những ngày cúng bản thì việc cúng bản phải làm lại, và bị phạt theo tục lệ của bản.
Vào ngày chính lễ, buổi sáng các gia đình lo chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho Lễ hội bao gồm những đồ đóng góp và những thứ dùng riêng trong gia đình.Tùy điều kiện của từng gia đình mà người ta ăn to hay nhỏ. Song gia đình nào cũng phải có cơm vàng (khò sứ). Ngoài xôi vàng các gia đình còn nhuộm trứng đỏ (Á ụ u sư nhì xì), trứng trắng (Á ụ u phú nhì xì)
Ngày lễ diễn ra trước tiên thầy cúng chính chuẩn bị 01 mâm cúng gồm: 01 bát gạo đầy, 01 quả trứng gà sống, 03 bát rượu trắng, 03 bát nước chè, 03 bát nước trắng, trong bát nước trắng đặt 01 vòng bạc trắng thể hiện sự thanh bạch, trong sáng của những người dân trong bản, 01 lá cây Ồ mé đựng tro bếp, cám gạo, các loại chỉ màu đỏ, vàng, trắng, mạt sắt, đồng. Mâm cúng được đặt giữa nhà thầy cúng chính, trước khi đại diện các hộ dân trong bản mang góp lễ vật đến góp, thầy cúng chính phải có mấy lời khấn trước; trong trang phục truyền thống: quần áo nhuộm chàm chỉnh tề, đầu quấn khăn gọn gàng; thầy cúng ngồi giữa nhà, tay chắp trước ngực, mâm cúng đặt trước mặt thầy cúng bắt đầu khấn: "Hôm nay là ngày tốt, ngày con Hổ, bản làng tổ chức làm Lễ cúng bản, kính báo lên các vị thần linh thiêng, ông bà tổ tiên về chứng giám và thọ lộc", tiếp đến dân bản lần lượt mang lễ vật vào đóng góp, được trợ lý kiểm tra xắp xếp, phân chia cho các mâm cúng được qui định. Thầy cúng khác khi đi đến nhà thầy cúng chính, phải đem một mâm đựng đồ cúng được đan từ chất liệu tre, năm thầy cúng này tập trung tại nhà thầy cúng chính để nhận lễ góp của dân bản, khi dân bản góp lễ xong, các mâm cúng được lạ chạ chuẩn bị đầy đủ đồ lễ, đúng giờ đẹp 06 thầy cúng tỏa đi các hướng qui định của bản để cúng.
Sau khi đã chuẩn bị xong, người chủ trì lễ bắt đầu làm lễ, lễ cúng bản được diễn ra 01 ngày, theo phong tục, buổi sáng các gia đình nhuộm cơm vàng, trứng đỏ, chuẩn bị đồ lễ cúng nộp cho thầy cúng. Buổi chiều đến giờ đẹp (giờ đã ấn định và chọn trước) các gia đình trong bản mang đồ lễ cúng nộp tại nhà thầy cúng chính để cầu khấn gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc (đồ lễ của người dân trong bản được chia đều cho các mâm cúng, riêng mâm cúng đầu bản các đồ vật đơn giản nhưng to hơn, lợn, gà to hơn các mâm cúng khác).
Mâm lễ cúng bản thường có 06 mâm cúng, mỗi một mâm cúng mang một ý nghĩa khác nhau và do 01 thầy cúng chủ trì điều hành.
- Mâm cúng đầu bản (Mâm cúng chính)
- Mâm cúng cổng bản
- Mâm cúng thần Núi (phía Tây)
- Mâm cúng thần Rừng (phía Đông)
- Mâm cúng thần gió, lửa (phía Nam)
- Mâm cúng thần Đất (phía Bắc)
Trong lễ cúng bản của người Hà Nhì, mâm cúng đầu bản được coi là mâm cúng chính, quan trọng hơn cả, các lễ vật phải to hơn các mâm cúng khác, do thầy cúng chính À Pố Mí Cù chủ trì làm lễ. Nơi đặt mâm cúng chính là vị trí có gốc cây to cổ thụ, nơi rừng thiêng của bản, vị trí này đã được dân bản lựa chọn từ lâu, nó cố định không thay đổi, được dân bản coi sóc bảo vệ không cho thú rừng hoặc châu bò phá hoại, đây được xem là nơi linh thiêng không cho phép bất kỳ một ai tùy tiện ra vào khu vực này, chỉ khi dân bản tổ chức cúng bản thì mới được phép vào phát cỏ và dọn dẹp để làm lễ cúng cho dân bản.
Khi đồ lễ đã được xắp xếp đầy đủ, tất cả các mâm cúng đều được phân tới các vị trí đã định để tiến hành làm lễ cúng, cùng xuất phát từ nhà thầy cúng chính, mâm cúng cổng bản được thầy cúng chính, trợ lý và một số thanh niên giúp việc vận chuyển ra phía đầu bản. Dẫn đầu tốp người này là thầy cúng chính trong trang phục truyền thống của dân tộc, đầu quấn khăn, vai khoác túi, một tay sách con gà; tiếp đến là người trợ lý cũng trong trang phục dân tộc, đầu quấn khăn, vai khoác túi, hai tay bưng mâm cúng; một số thanh niên phụ giúp việc đi phía sau, trong đó có hai người khiêng lợn, một người đeo dao bên hông đi theo hỗ trợ khi cần, tất cả cùng hướng ra phía đầu bản.
Trong lễ cúng bản của người Hà Nhì có rất nhiều điều cấm kỵ, trong đó có tục cấm bản, khi cổng bản được dựng lên, lễ cúng bản bắt đầu thì việc cấm bản hiệu lực, theo đó, mọi người trong bản không được phép ra ngoài, người ngoài bản cũng không được tự ý vào bản, khi thầy cúng cổng bản cùng một số người giúp việc đem các vật cúng tới nơi thì việc dựng cổng bản được một số thanh niên trong bản tiến hành. Hai cột dựng cổng phải là hai cây gạo, cao khoảng 04m, thân có nhiều gai nhọn, những gai nhọn giống như núm vú phụ nữ với mong muốn mọi thứ trong bản luôn được sinh sôi nảy nở và được nuôi dưỡng phát triển tốt tươi, thanh ngang trên cổng bản là một thân cây tùy ý, miễn sao chắc chắn và thẳng đẹp là được. Ngoài ra trên hai thân cột dựng cổng bản người ta còn làm các loại vũ khí và nhạc cụ như: Súng (mè bơ); Nỏ (kha thư); Dao (ma ché); Lựu đạn (lêu tán); Mũi lao (cán chi); ta leo (thé khá); sáo (tuy húy), vũ khí thì được treo quay ra phía ngoài bản, với ý nghĩa là chống lại tà ma xấu xa đen tối, nhạc cụ treo quay vào trong bản với ý nghĩa làm cho bản làng luôn vui tươi rộn rã.
* Một số quy định của người Hà Nhì trong lễ cúng bản:
Trong 03 ngày cấm bản, luật tục Hà Nhì quy định:
- Đối với mọi thành viên trong bản không được nói tục chửi bậy, không được cãi vã xô xát; Ngoài ra trong suốt 02 giáp sau đó(01 giáp của người Hà Nhì tương đương 12 ngày, ứng với 12 con giáp trong thập nhị chi theo quan niệm của Phương Đông) không được mang thịt chó, hoa chuối rừng, thịt các con thú rừng bị ăn dở và thịt các con vật sống trong lỗ đất như dúi, nhím...vào bản, vì người ta cho rằng đó là những thứ bẩn, mà trong thời gian này các vị thần linh còn chơi ở bản nên nếu mang những thứ bẩn vào sẽ bị các vị thần linh quở trách và sẽ giáng họa cho dân bản.
- Đối với người từ nơi khác đến có thể vào bản, nhưng không được phép ra khỏi bản trong thời gian cấm bản, trong trường hợp khẩn cấp có thể thông cảm được.
- Đối với thầy cúng và trợ lý của thầy cúng phải giữ mình trong sạch, kiêng những thứ coi là không được sạch.
- Trước đây, khi các nghi lễ cúng bản đang được tiến hành, người Hà Nhì kiêng không cho phụ nữ tham gia hoặc đến gần, khi dân bản làm mâm cơm chung mừng cúng bản thành công chỉ có nam giới mới được tham gia ăn uống tại nơi cúng bản, phụ nữ tuyệt đối không được tham gia. Ngày nay, vai trò của nữ giới trong xã hội được nâng cao, phụ nữ Hà Nhì đã được phép tham gia vào bữa cơm liên hoan ăn mừng Lễ cúng bản, tuy vậy vẫn phải ngồi riêng về một phía.
- Đối với những trường hợp vi phạm những điều kiêng kỵ trên, dân bản sẽ phải tổ chức lại lễ cúng bản.