Ngay khi Nghị quyết số 13-NQ/TU được ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cụ thể. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực chủ động triển khai thực hiện bám sát theo các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết, Kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều mặt.
Hoạt động tuyên truyền Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo liên quan được quán triệt, phổ biến sâu rộng tới cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh thông qua các hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động phục vụ cơ sở... đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.
- Về xây dựng con người Điện Biên phát triển toàn diện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường đẩy mạnh công tác chỉ đạo. Các đơn vị sự nghiệp trong toàn ngành đã tích cực triển khai hiệu quả. Hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi, phong phú như biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị (hằng năm tổ chức trên 130 buổi biểu diễn nghệ thuật); tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động phục vụ đồng bào tại cơ sở bằng các hình thức như biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền miệng, chiếu bóng lưu động, thư viện lưu động;... Ngành đã chủ đông ký kết và thực hiện chương trình phối hợp trong tổ chức các hoạt động thông tin, văn hóa, văn nghệ, thể thao với các đơn vị ngoài ngành như công an, quân đội, giáo dục...
Để phát triển toàn diện con người Điện Biên, ngành đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao (TDTT) trong nhà trường, cơ quan, đơn vị và phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao thể lực, phát triển con người toàn diện. Ngoài quan tâm tổ chức các giải thi đấu, đẩy mạnh công tác huấn luyện TDTT, xây dựng và phát triển mô hình các CLB, ngành đã tập trung đầu tư cơ sở thiết chế thể thao, dụng cụ tập luyện, cải tạo điều kiện sân bãi; đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng trong tỉnh để duy trì và phát triển phong trào TDTT trong toàn tỉnh. Do đó, bên cạnh sự lớn mạnh của phong trào TDTT quần chúng, hoạt động TDTT thành tích cao cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ tại nhiều giải thi đấu cấp Quốc gia, khu vực.
Qua đó đã thiết thực đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đồng bào các dân tộc, giáo dục thể chất nhằm xây dựng con người Điện Biên phát triển toàn diện.
- Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tích cực xây dựng các quy ước thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, bản, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, trường học văn hóa.
Đối với nội bộ Ngành, tập trung quan tâm và đẩy mạnh thực hiện việc nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động xây dựng người CBVC và môi trường văn hóa nơi công sở. Hằng năm 100% cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa và 100 % gia đình CBVC đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, Sở cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy công năng của các thiết chế văn hóa: bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện... nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của quần chúng trên địa bàn tỉnh.
- Về xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế: Được triển khai gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch CCHC, đồng thời công khai tất cả 141 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên Cổng thông tin điện tử của Sở.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa: Trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, hiện nay, toàn tỉnh có: 22 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt; 13 di tích cấp Quốc gia và 08 di tích cấp tỉnh. Tỉnh, ngành đã quan tâm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, đặc biệt là di tích cấp Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Hoàn thành việc kiểm kê các dân tộc, lập 08 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục quốc gia và 02 hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: (Nghệ thuật Xòe Thái và di sản “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”); lập hồ sơ và đề nghị Nhà nước phong tặng 27 Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; sưu tầm nghiên cứu 14 lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng; tổ chức sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ hoạt động của các bảo tàng.
Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hàng năm tổ chức nhiều chương trình, sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự kiện Hoa Anh Đào - Pá Khoang - Điện Biên, các hội thi, hội diễn, liên hoan... đã góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển phong trào văn hóa cơ sở, đồng thời tác động tích cực đến phát triển du lịch. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp từng bước phát triển, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Để nâng cao chất lượng hoạt động, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn, chương trình hướng dẫn nghiệp vụ cơ sở, tăng cường công tác truyền dạy thông qua mô hình câu lạc bộ, đội văn nghệ; phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và phát triển phong trào sáng tác văn học nghệ thuật trong toàn tỉnh.
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; huy động nguồn lực để phát triển, bảo tồn văn hóa và từng bước hình thành các ngành dịch vụ văn hóa, du lịch trên địa bàn: Vấn đề cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện, đảm bảo phù hợp quy định và sát hợp với tình hình địa phương. Ngành đã tham mưu cho tỉnh điều chỉnh một số thủ tục hành chính đối với hoạt động dịch vụ văn hóa, du lịch. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực thông qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch trên địa bàn; tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức như Dự án Esrt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động du lịch.
- Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa:
Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao và du lịch được tăng cường, đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng cường các hoạt động văn hóa đối ngoại theo nội dung được xác định trong Kế hoạch số 2269/KH-UBND ngày 03/8/2016 của UBND tỉnh về Triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa như: Biểu diễn giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị về các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của bạn bè quốc tế, đặc biệt là với các địa phương có mối quan hệ truyền thống với tỉnh. Đồng thời, gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với vận động thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ giữa tỉnh với quốc tế.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tỉnh Bắc Lào và Bắc Thái Lan; tổ chức Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các hoạt động hợp tác phát triển du lịch tại các tỉnh Bắc Thái Lan, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức 22 đoàn công tác của tỉnh đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Trung Quốc để học tập kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời tổ chức đón tiếp 10 đoàn công tác của các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Pháp đến học tập, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư, tham dự các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh.
- Huy động nguồn lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên:
Nhằm tăng cường nguồn đầu tư của nhà nước để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch hằng năm. Cùng với việc đầu tư ngân sách cho phát triển sự nghiệp văn hóa, công tác xã hội hóa cũng luôn được quan tâm nhằm huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần cùng tham gia sáng tạo, liên doanh, liên kết, tài trợ cống hiến cho sự nghiệp văn hóa như Lễ hội Hoa Ban, các giải thi đấu hằng năm đã huy động được sự tham gia ủng hộ, tài trợ về cơ sở vật chất, kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ 2014 đến nay Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức 02 cuộc phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trưng bày, đến nay đã tiếp nhận hơn 380 tài liệu, hiện vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hiện vật, cổ vật cho Bảo tàng tỉnh.
Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết, kế hoạch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tham mưu đề xuất các chính sách, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Điện Biên đã được quan tâm nhưng kết quả còn hạn chế; Việc triển khai một số chương trình, Đề án được giao còn chậm, chưa sát với thực tiễn; Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc còn khó khăn; Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có tiến bộ bước đầu nhưng chưa rộng khắp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế; ....
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Nghị quyết 13- NQ/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch hành động số 2131/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa; Tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người, nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với bạn bè trong và ngoài nước...