Ngày 16/5, Bảo tàng tỉnh tiếp tục bảo quản đã xử lý, tu sửa, phục hồi hiện vật giấy với sự phối hợp, hỗ trợ thực hiện của Công ty TNHH mỹ thuật ứng dụng thương mại Hà Minh.
Theo đó, 45 hiện vật giấy gồm các cuốn sách cổ của dân tộc Thái và dân tộc Dao được bảo quản, phục hồi. Quy trình bảo quản được tiến hành qua các bước: Chụp ảnh hiện trạng hiện vật trước và sau khi bảo quản; làm sạch hiện vật bằng phương pháp cơ học: hút bụi, lau chải bằng bàn chải lông ngựa; xác định những điểm, những khu vực cần loại bỏ bụi bẩn, tạp chất, nấm mốc; bóc tách dính bết, đánh số trang theo thứ tự để bồi nền làm lớp lót cho trang sách bị rách mủn; làm lớp lót đối với tài liệu rách nát, mủn nhiều chỗ, có kết cấu yếu; cắt xén theo kích thước, xếp thứ tự trang và đóng bìa cho từng hiện vật; xông hơi bằng hóa chất diệt nấm mốc, vi sinh an toàn cho hiện vật cần xử lý khi bị nhiễm côn trùng, mốc. Cuối cùng là lập hồ sơ bảo quản (theo mẫu phiếu bảo quản hiện vật) và hoàn chỉnh các công đoạn.
Hiện vật giấy là hiện vật cần được bảo quản trị liệu cấp thiết. Với khoảng hơn 800 hiện vật trong kho cơ sở, chủ yếu là sách cổ của dân tộc Dao, Thái, Lự, các cuốn sách Hán nôm, sách Thái cổ phần lớn bị hư hỏng, rách mủn nát và bị dính bết ở một số quyển, chữ viết do ẩm lâu đã bị phai mực một số trang, có một số cuốn bị nhậy gián cắn thủng, bị côn trùng đục lỗ. Các hiện vật này nếu không được bảo quản trị liệu theo phương pháp khoa học chuyên ngành bảo tàng, tu sửa trám vá hồi phục lại thì sẽ không kéo dài được tuổi thọ cho hiện vật.
Hiện nay công tác bảo quản hiện vật tại bảo tàng tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt do tình trạng kho bảo quản không đảm bảo, thiếu thiết bị xác định tác nhân gây hại hiện vật, chưa có thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm cho kho; toàn bộ các chất liệu hiện vật đang để chung trong một kho diện tích chật chội.
Đây là đợt bảo quản quy mô lớn, sẽ góp phần phục hồi những hiện vật bị hư hỏng nặng, kéo dài tuổi thọ các hiện vật./.