Việc bảo vệ và phát triển cây Hoa Ban, cây Hoa Anh Đào đã được Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phòng, đơn vị trực thuộc và các tổ chức đoàn thể quan tâm, nhất là việc tuyên truyền, bảo vệ, chăm sóc cây Hoa Ban hiện có tại trụ sở các đơn vị trong ngành và các điểm di tích thuộc di tích Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, từng bước tổ chức trồng mới theo kế hoạch; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện bảo vệ và phát triển cây Hoa Ban, cây Hoa Anh Đào.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ và phát triển cây Hoa Ban, cây Hoa Anh Đào trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, đồng thời giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, công tác bảo vệ và chăm sóc cây Hoa Ban, cây Hoa Anh Đào được quan tâm, chú trọng: thực hiện quản lý, chăm sóc tốt 2.856 cây Hoa Ban, 11 cây Hoa Anh Đào hiện có tại trụ sở các đơn vị trực thuộc và các điểm thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; vận động, phối hợp với người dân sống quanh các điểm di tích cùng tham gia bảo vệ, chăm sóc các cây Hoa Ban; phối hợp với Trung đoàn 82 huy động chiến sĩ tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh tại các điểm di tích khu vực thành phố Điện Biên Phủ, nhất là trong dịp tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đồng thời tiến hành trồng mới 63 cây Hoa Ban tại trụ sở các đơn vị trực thuộc và tại một số điểm di tích, trong đó trồng tại Di tích đường kéo pháo của bộ đội ta tại Nà Nhạn là 40 cây. Thông qua các hình thức tuyên truyền đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ và phát triển cây Hoa Ban, cây Hoa Anh Đào. Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp trồng 2.000 cây Hoa Ban tại di tích đồi Độc Lập theo đề nghị của UBND xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, đó là: số lượng các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất phối hợp trồng cây Hoa Ban tại các điểm di tích chưa nhiều; việc phát triển cây Hoa Anh Đào tại khu vực thành phố Điện Biên Phủ gặp nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; kinh phí triển khai thực hiện còn hạn chế, chủ yếu huy động sự đóng góp của công chức, viên chức, người lao động; công tác chăm sóc, bảo vệ, cắt tỉa, tạo dáng, thế cho cây Ban chưa được quan tâm đúng mức.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển cây Hoa Ban, cây Hoa Anh Đào, trong thời gian tới Đảng ủy, Ban Lãnh đạo, các phòng, đơn vị trực thuộc và các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở và các đối tượng liên quan; chăm sóc, bảo vệ, cắt tỉa, tạo dáng, thế cho cây Ban để mỗi gốc Ban là một địa điểm có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để du khách dừng chân, nghỉ ngơi, chụp ảnh. Đồng thời, nghiên cứu, tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm khai thác, giới thiệu vẻ đẹp của Hoa Ban, Hoa Anh Đào đến đông đảo du khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch.