Những ngày tháng 5 lịch sử, từng đoàn khách du lịch, trong đó có các cựu chiến sỹ Điện Biên thăm lại chiến trường xưa, để gặp gỡ đồng đội và tìm lại ký ức chiến tranh. Đồng thời cũng là dịp để thế hệ hôm nay tiếp tục được nghe lại những câu chuyện huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, có những câu chuyện bên lề ít ai biết. Cuộc gặp gỡ sau đây của phóng viên chúng tôi với các chiến sỹ Điện Biên tham gia vòng ngoài chiến dịch sẽ là những câu chuyện thú vị nhưng cũng đầy khí thế hào hùng mà ít ai biết đến.

Gặp những cựu chiến binh (CCB) tham gia vòng ngoài chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong số hàng trăm CCB về nguồn, thăm lại chiến trường Điện Biên năm xưa vào những ngày tháng lịch sử này, người chúng tôi được gặp đầu tiên là CCB, Cựu chiến sỹ Điện Biên Trương Khánh Hòa nay ông đã ngoài 90 nhưng người CCB này vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Sau chặng đường ngồi trên xe dài hơn 500km để đến với Điện Biên, đến với chiến trường xưa, với ông vẫn không hề hấn gì. Điều này phần nào thể hiện được sức trẻ và tinh thần sắt đá của ông khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 65 năm về trước. Khi đó, ông là Chiến sỹ lái xe kéo pháo, thuộc Đại đội 3, Trung đoàn 235. Trong câu chuyện dài với CCB Trương Khánh Hòa, chúng tôi được nghe nhiều những thông tin về hành trình đưa pháo vào trận địa. Theo đó, hành trình được bắt đầu từ  Tuyên Quang, để đưa Pháo lên Điện Biên, đoàn xe kéo pháo phải mất hơn 6 tháng.

Trò chuyện với CCB Trương Khánh Hòa - Chiến sỹ Điện Biên

PV: Trong quá trình lái xe pháo với hành trình dài như vậy thì dọc đường ăn uống, sinh hoạt như thế nào?

Ăn uống, nuôi quân thì mỗi người một ngày được cấp 1 nắm cơm và 1 bình tông nước.

PV: Vậy còn nhiên liệu thì bố trí ra sao?

Nhiên liệu về chuẩn bị cho xe pháo thì toàn bộ đơn vị tập trung ra chiến trường thì nhiên liệu xe, xăng, dầu, tóm lại là đều phải chuẩn bị đầy đủ, súng đạn phải luôn luôn có bên cạnh người kéo pháo.

PV: Nhiên liệu mình đem theo bằng một phương tiện khác hay thế nào?

Có dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong đi cùng pháo binh để đưa nhiên liệu, vật liệu để chuẩn bị tấn công Điện Biên Phủ.

PV: Trong quá trình đi thì giao thông khi đó thế nào?

Giao thông rất khó khăn, xe pháo đi rất hẹp, không đi được, vừa đi vừa mở đường, đường dốc đèo nhưng tinh thần của bộ đội rất dũng cảm.

Bố trí nhân lực cho mỗi một xe pháo từ đầu tuyến đến trận địa thế nào?

Mỗi một xe yêu cầu lái xe phải cầm tay lái đảm bảo 100%, anh em lái phụ phải chuẩn bị cái chèn và phải chèn bánh. Vậy chúng tôi phải luôn động viên nhau đoàn kết để giành thắng lợi.

Lịch trình mình đi thì phải có ấn định thời gian cụ thể hay tùy vào tình hình thực tế?

Đây là lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải đưa làm sao pháo lên trận địa phải đúng giờ, đúng ngày.

Có khi nào mình gặp phải những khó khăn về thời tiết trong quá trình hơn tháng trời mình đi như vậy?

Thời tiết rét, nhất là đi qua đèo pha Đin rất cao, trời thì rét mà chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ giao. Trong lúc lái xe, chúng tôi đề dòng khẩu hiệu trước mặt lái xe là: quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, làm tròn nhiệm vụ người chiến sĩ lái xe, đó là lời Bác Hồ dặn, chúng tôi phải đồng tâm hiệp lực để làm tròn nhiệm vụ của chiến sĩ lái xe.

 PV - Những gian nan của đoàn xe là gì?

Gian nan, khó khăn thứ nhất là đường xá không thể đi được, bánh xe đi thì pháo khá dài, chúng tôi kéo qua những cái đó, dứt khoát pháo sẽ rơi xuống hố. Nên vừa đi, vừa bám theo đường, và yêu cầu chủ xe phải trực cho xe làm sao giữ được an toàn, giữ nhất là an toàn của pháo. Cái nữa là phải bảo đảm người và hàng hóa, hàng hóa tức là súng đạn ấy. Phải đưa cho bằng được lên để phục vụ chiến dịch, đó là quyết tâm và cấp trên giao thì chúng tôi phải làm tròn nhiệm vụ.

PV: Trong quá trình xe kéo pháo đi có khi nào cần đến sự hỗ trợ bằng nhân lực thủ công?

Xe kéo pháo kéo lên nó nặng thế thì phải nhờ anh em lái xe, nhờ dân công hỏa tuyến thanh niên xung phong đẩy cho xe pháo lên. Thì mới vượt qua được đèo, sức bộ đội không đủ nên phải nhờ cả sức của dân công hỏa tuyến nữa, của thanh niên xung phong.

PV: Mối nguy hiểm khi đó là gì?

Nguy hiểm nhất là khi địch bắn pháo và thả bom. Đó là lúc nguy hiểm nhất trong lúc khó khăn bom đạn. Mà chúng ta hết sức bình tĩnh, để đưa pháo lên chiến trường. Nếu mà mình không quyết tâm thì không làm được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao.

Nếu như CCB Trương Khánh Hòa làm nhiệm vụ đưa pháo vào chiến dịch thì Cựu TNXP Nguyễn Hữu Ý lại tham gia mở đường cho người và phương tiện vào chiến dịch. Dù là nhiệm vụ khác nhau nhưng đều trong trường hợp tham gia ở vòng ngoài, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là người thứ hai chúng tôi được gặp trong Đoàn CCB về nguồn tại Điện Biên lần này. Những năm 1953 - 1954, Cựu TNXP Nguyễn Hữu Ý cùng đơn vị của mình đã tập kết tại Sơn La để tiếp nhân, tải đạn và làm đường từ đầu đến cuối chiến dịch.

Trò chuyện với Cựu TNXP Nguyễn Hữu Ý - Người tham gia đào đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

PV: Nhiệm vụ chính của đơn vị ông lúc đấy là gì?

Đi mở đường. Ban chỉ huy nhận lệnh về rồi phổ biến cho từng tiểu đội. Ví dụ hôm nay tiểu đội 1 sẽ mở đường từ đây đến 30m tiếp theo. Chỉ 30m vì toàn là rừng già.

PV: Đoạn đường mình làm được giao cụ thể hay tùy theo sức?

Cứ tùy theo sức, đôi lúc có ấn định nhưng do rừng già, cây cối chằng chịt, lúc bấy giờ là hổ báo nhiều.

PV: Gian nan nhất trong quá trình đào đường là gì?

Đào đường có lúc thì có xẻng, có lúc chỉ có dao găm, dao găm mà đào đất, bẩy đá. Rất gian khổ. Lương thực, vũ khí, đạn dược thì đều mang ra chiến trường, mình nhịn đói, mình không có cơm có gạo ăn cũng thôi, cứ đói.

PV: Địa điểm ông tham gia đào đường là gồm những đâu?

Ở xung quanh khu vực Cò Nòi, ở trong rừng già. Ví dụ đường cái gọi là xương sống, thế còn chúng tôi đào đường xương cá ở trong rừng, muôn hình vạn trạng. Nó đánh chỗ này thì lại có đường khác đi. Còn đường cái này nó cày xới liên tục, không có lúc nào thôi. Đội TNXP của đơn vị khác lại nhận nhiệm vụ chỗ khác thì cứ biết là đào ở đó, làm sao cho thông xe, thông đường.

Cũng theo Cựu TNXP Nguyễn Hữu Ý, nơi Đội TNXP của ông tập kết, làm nhiệm vụ là Cò Nòi, tỉnh Sơn La. Trong đó, tại ngã ba Cò Nòi khi ấy được mệnh danh là "chảo lửa", "túi bom", "cửa tử", có ngày địch dùng đến 69 lượt máy bay các loại, ném tới 300 quả bom; có đợt, chúng đánh phá hai đến ba tuần liên tục, với cường độ rất quyết liệt. Gian nan là thế, nguy hiểm là thế nhưng những TNXP như ông Nguyễn Hữu Ý thời ấy vẫn hăng hái để đào đường, mở lối phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Những TNXP lúc bấy giờ cũng như các chiến sỹ Điện Biên, dù trong bất kể hoàn cảnh, tình huống nào cũng luôn tâm niệm: Cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cố gắng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Dù là chiến sỹ hay TNXP thì vai trò của họ trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều hết sức quan trọng. Với sức trẻ và ý chí, cộng thêm lòng yêu nước, căm thù giặc trong mỗi người khi ấy cộng lại đã đưa Việt Nam giành được thắng lợi vĩ đại trước Quân đội hùng mạnh của Pháp bằng chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.151.863
    Online: 67