Âm nhạc trong Nghệ thuật Xòe đã góp phần tạo nên không gian vui tươi rộn rã của bản mường Thái mỗi dịp tổ chức xòe vòng mà không phải dân tộc nào cũng có. Nhạc cụ cổ xưa nhất trong Nghệ thuật Xòe là các sản phẩm của tự nhiên như những đoạn gỗ, tre, nứa từng gắn bó với con người từ thuở hoang sơ ở núi rừng dùng gõ nhịp vào nhau để tạo ra âm thanh hòa theo nhịp điệu xòe, sau này con người đã sáng tạo ra các loại nhạc cụ như: trống, chiêng, chũm chọe, đàn tính (tính tảu), đàn nhị…

Dân tộc Thái là một dân tộc ưa ca hát, cuộc sống với nếp nhà sàn hết sức đặc trưng, với việc sử dụng nguyên vật liệu là tre, nứa để xây dựng ngôi nhà sàn vừa hài hòa với thiên nhiên, tận dụng thiên nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính nhịp điệu được tạo ra qua bước đi của người Thái trên nếp nhà sàn mến yêu đã tạo cho họ một nhạc cảm phong phú, rất có nhịp điệu, ngấm sâu vào con người họ từ khi nằm trong chiếc nôi của mẹ và đi hết suốt cuộc đời sau này; đặc biệt việc sử dụng  âm nhạc trong các điệu múa xòe, múa sạp đã nâng bước những đôi chân như biết nói hòa nhịp cùng với âm nhạc lúc rộn rã, lúc lắng đọng theo từng bước chân.

 Khi thưởng thức múa xòe chúng ta dễ nhận thấy đặc điểm về động tác: những bước chân không bước rộng mà được bước lên bước xuống nhẹ nhàng; bước nhẹ êm (có khi như lướt) và nhún nhẹ nhàng; kết hợp với bước chân như vậy là động tác vung tay đưa lên đưa xuống không hết đà (chỉ ở ngang người). Tuy nhiên, khi người tham gia xòe vòng trở lên cao hứng, phần nhạc đệm sẽ diễn ra với tiết tấu nhanh, mạnh hơn; kết hợp theo đó là động tác chân bước nhanh và tay vung cao hơn. Do vậy, sự kết hợp độc đáo về âm nhạc trong nghệ thuật xòe Thái nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng hết sức quan trọng tạo ra nhịp điệu lúc chậm lúc nhanh theo từng bước chân xòe.

Tính tẩu

Với đồng bào Thái, tính tẩu không chỉ là một nhạc cụ gắn với cuộc sống sinh hoạt, mà còn là một biểu tượng văn hóa. Tính tẩu là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe, những ngày hội của người Thái.

Trong tiếng Thái, "tính" có nghĩa là đàn, còn "tẩu" là quả bầu. Đây là nhạc cụ phổ biến không chỉ của người Thái mà còn của một số dân tộc vùng Tây Bắc, như Tày, Nùng... Nhưng, tính tẩu của người Thái có đặc trưng riêng, cả về cấu tạo lẫn âm thanh.

Người Thái sử dụng tính tẩu trong những hội xòe, những đêm hát giao duyên... Trong các nghi lễ, tiếng đàn đệm cho lời cúng của các thầy cúng, thầy phụ lễ; khi ấy, cây đàn trở thành vật thiêng. 

Người Thái có nhiều truyền thuyết về sự tích cây tính tẩu. Trong đó có truyền thuyết kể rằng, có một chàng trai Thái nghèo tình cờ nghe được tiếng đàn lạ từ những nàng tiên nhà trời. Âm thanh được phát ra từ một vật giống như quả bầu, có căng một sợi dây, do chính tay những nàng tiên chơi. Vì say mê âm điệu của tiếng đàn lạ kỳ kia, chàng trai về cũng dùng một quả bầu, lấy tơ tằm để làm dây, bắt chước theo cây đàn của các tiên nữ. Quả nhiên, cây đàn phát ra âm thanh rất hay. Từ đó, người Thái gọi là tính tẩu, có nghĩa là "đàn bầu".

Kỹ thuật làm tính tẩu của người Thái: Để làm ra một cây đàn tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, như: chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh và độ trầm bổng của đàn. ngoài việc làm bầu đàn bằng quả bầu già, khô thì còn có thể làm bằng đồng thau. Nhưng, dù chất liệu gì thì điều quan trọng là phải đảm bảo tiếng đàn được vang. Kích cỡ quả bầu có thể thay đổi song đường kính thường là 15-20cm. Để có độ vang âm sắc chuẩn, người ta thường chọn quả bầu tròn, thường là gầy đều để đảm bảo tiếng vang.

Cần đàn thường được làm bằng những loại gỗ dẻo, được gọt đẽo công phu. Phải chọn được gỗ tốt, ít mối mọt, và đặc biệt phải lưu ý thời gian chặt gỗ làm cần đàn. Thường người chế tác nhạc cụ dùng cây cây xoan hoặc là cây ba gạc là tốt nhất, nhưng phải chặt ngày cuối tháng thì mới không có mọt khoét.

Gỗ làm mặt đàn phải chọn gỗ mềm, có độ dày phù hợp để tạo tiếng vang. Mặt đàn đồng thời là nơi thoát âm, nên nghệ nhân ngoài việc chọn gỗ tốt thì khi khoan lỗ thoát âm cũng cần có những kinh nghiệm phù hợp. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng được xẻ mỏng khoảng 3 mm, trên mặt đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm. Trước kia, hai lỗ hoa thị người ta khoét sau bầu đàn.

Ở phần đầu đàn, các nghệ nhân thường chạm trổ, đục đẽo các hình thù đầy ấn tượng, như: rồng, phượng... Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Đàn tính truyền thống có 3 dây. Có hai con dây làm bằng dây cước, trước thì làm bằng dây tơ, tơ phải là tơ mịn, tơ cuối, lấy  từ tơ tằm ra, thậm chí có cả tơ lụa lấy sợi càng nhỏ càng tốt sau đó mới se lại.

Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát, khi thì cao vút, khi thâm trầm. Khi sử dụng, người ta có thể dùng một đoạn tre hoặc ngón trỏ của tay phải để gẩy đàn.

Cống (Trống)

Tiếp đó trong múa xòe, sạp của người Thái thì trống cũng là một nhạc cụ không thể thiếu, giữa núi rừng trùng điệp; tiếng trống vang vọng như mời gọi mọi người tham gia lễ hội, nắm tay nhau quanh bếp lửa, vòng xòe.

Trống theo tiếng Thái có nghĩa là cống, trong đó có chia ra “cống nọi (trống to), cống nhớ (trống nhỏ). Thông thường “cống nhớ” hay được dùng trong hội xuân, lễ cúng bản mường; còn “cống nọi” dùng khi chủ mường qua đời hoặc khi có giặc, báo động khi bản, mường có việc quan trọng…

Gỗ sau khi mang về được đục bỏ lõi, đây là công đoạn hết sức cần thiết để tạo ra âm thanh cho trống sau này, việc đục bỏ lõi cũng được người nghệ nhân tính toán rất chi tiết bởi nếu dày hay mỏng quá đều không có được âm thanh như ý muốn. Sau khi đã đục để chọn độ dày của tang trống phù hợp với từng loại trống to, trống nhỏ, người nghệ nhân làm trống phải bào nhẵn bên trong.

Để da trống giữ căng được lâu nghệ nhân sẽ dùng đá buộc vào các dây da đã dùng để kéo căng mặt trống và làm giàn để việc giữ căng mặt trống được lâu và đúng như ý muốn.

Tiếp đó da trống đã được căng có độ dãn như ý sẽ được đóng cố định với thân trống bằng các đinh làm bằng tre đực, trong quá trình chế tác không sử dụng bất cứ chiếc đinh nào.

Một nét độc đáo của việc đánh trống của người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Điện Biên nói riêng là trống khi sử dụng thường được treo dưới gầm nhà sàn để tổ chức các hoạt động, vì nếp nhà sàn là kiến trúc độc đáo rất đặc trưng của vùng Tây Bắc việc tổ chức các hoạt động của cộng đồng thường được tổ chức dưới sân, do vậy dân tộc Thái đã sáng tạo  cho phù hợp với ngữ cảnh của trống.

Các loại nhạc cụ khác

Chiêng tiếng Thái gọi là sánh, chiêng thường được làm bằng đồng thau hình tròn như chiếc nón quai thao, khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.

Nghệ nhân chỉnh chiêng hay người điều khiển giàn chiêng là nhạc công giỏi, có khả năng thẩm âm, biết phát hiện và chỉnh sửa thanh âm lạc điệu của từng chiêng để đạt được âm thanh chuẩn của cả giàn chiêng. Nghệ nhân chỉnh chiêng không chỉ chỉnh âm cho các chiếc chiêng sai âm, mà còn chỉnh âm cho các giàn chiêng mới. Nghệ nhân chỉnh chiêng được coi là báu vật dân gian sống, bao hàm tính truyền thống và tính khoa học, không chỉ đơn thuần là một kĩ thuật viên.

Chiêng và chũm chọe được chế tác công phu, đặc biệt là rốn chiêng. Để có âm thanh mong muốn, xưa các nghệ nhân pha thêm vào đồng một tỷ lệ vàng, bạc theo công thức bí truyền và dùng búa nhỏ tạo một hệ thống điểm nhấn lõm trên bề mặt chiêng một cách khoa học để có âm thanh chuẩn.
Chiêng có âm thanh trầm được gọi “tô me”, tức là con mái, chiêng có âm thanh cao gọi là “tô po”, tức là con trống, chiêng có âm thanh ở khoảng giữa gọi là “tô lụ” tức là con.

Chũm chọe gọi là “xánh”, chùm nhạc là “mắc hính”.
Chiêng có thể dùng riêng, hoặc phối hợp cả ba loại tạo ra một hợp âm độc đáo mà các nhà nghiên cứu cho rằng đậm đà ý nghĩa nhân sinh, mang một khát vọng phát triển và trường tồn của dân tộc, do sự hài hòa âm dương.

Đây là những nhạc cụ không thể thiếu của người Thái Tây Bắc, đặc biệt là trong múa xòe, múa sạp, góp phần làm cho đời sống nghệ thuật thêm phong phú, đồng thời còn chứa đựng những ý nghĩa tâm linh và nhân sinh cao cả, gửi gắm vào đó cả tình yêu, tinh thần lạc quan tin tưởng vào cuộc sống no ấm, hạnh phúc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.319.452
    Online: 60