Các Nghệ nhân ưu tú là người nắm giữ, thực hành, truyền dạy, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nếu như không có các nghệ nhân thì di sản sẽ không có tính kế thừa mà dần bị mai một và mất đi bởi không có người trao truyền và thực hành di sản.
Việc triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở một số địa phương còn lúng túng trong việc hướng dẫn cá nhân xây dựng hồ sơ, đồng thời triển khai thiếu đồng bộ giữa các dân tộc hoặc chưa toàn diện tới các xã đóng trên địa bàn. Nguyên nhân là do cán bộ làm công tác hướng dẫn chưa có kinh nghiệm hoặc chưa nắm chắc quy định, chưa am hiểu sâu sắc về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để giúp các cá nhân có thể dễ dàng xác định loại hình di sản nắm giữ, khả năng thực hành và thành tích đạt được. Nhận thức của một số cá nhân, nghệ nhân về các tiêu chuẩn và nội dung lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” còn nhiều hạn chế; việc kê khai các thông tin của cá nhân theo mẫu không đầy đủ, còn nhầm lẫn hoặc chưa rõ ràng.
Chính vì lẽ đó cần nâng cao hiệu quả việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhằm đảm bảo tính kịp thời cũng như hiệu quả trong việc xét chọn, tôn vinh những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian trình Hội đồng các cấp đề nghị Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Theo quy định, các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú phải đảm bảo 04 tiêu chuẩn sau:
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
- Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;
- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.
Nếu căn cứ vào 04 tiêu chuẩn trên cho thấy nội dung rất chung chung, cần cụ thể hóa các nội dung được áp dụng trong thực tiễn để đánh giá, lựa chọn các cá nhân tiêu biểu đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Để nâng cao hiệu quả công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cần quan tâm đến một số kinh nghiệm được đúc rút từ các đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như sau:
- Rà soát, lựa chọn và tham mưu việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú thông qua công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
Hàng năm tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ kết quả kiểm kê sẽ tổng hợp, hệ thống lại các nghệ nhân nắm giữ, thực hành và truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để theo dõi, đánh giá quá trình phát huy vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong cộng đồng. Qua đó định kỳ 03 năm/lần sẽ lựa chọn, hướng dẫn các nghệ nhân hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú theo quy định.
- Lựa chọn nghệ nhân thông qua công tác bảo tồn văn hóa dân tộc: Thông qua các chương trình bảo tồn văn hóa các dân tộc hàng năm để lựa chọn các cá nhân có đủ tiêu chuẩn lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với nội dung này, hàng năm các phòng, đơnvị thuộc Sở trực tiếp triển khai thực hiện, do vậy sẽ dễ dàng nắm bắt, nhận diện các nghệ nhân tiêu biểu tham gia các hoạt động bảo tồn di sản thông qua việc thể hiện tài năng của họ như: múa, hát, chế tác và sử dụng nhạc cụ, thực hiện các nghi lễ, truyền dạy cho thế hệ trẻ hoặc các hình thức khác.
- Hiệu quả việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú còn được nâng lên khi thực sự chú trọng, quan tâm đến các hạt nhân tại các Hội thi, Hội diễn trong và ngoài tỉnh như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh, Ngày hội văn hóa, thể thao tại các huyện, thị xã, thành phố hoặc đưa đoàn nghệ nhân tham gia nhiều hoạt động văn hóa do Trung ương tổ chức như: Tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc Tây Bắc; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào; Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông. Thông qua Hội thi, Hội diễn là phương thức dễ nhận biết và đánh giá các nghệ nhân đạt được tiêu chuẩn theo quy định để lựa chọn, đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
- Cần lựa chọn các nghệ nhân tiêu biểu theo thành phần dân tộc, đặc biệt quan tâm các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh, không nên quá tập trung vào các dân tộc chiếm phần lớn số dân trên địa bàn. Bởi thực tế, dựa theo các tiêu chuẩn để đánh giá về thành tích, có các giải thưởng chỉ phù hợp với loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Hơn nữa, tại các sự kiện văn hóa hay các Hội thi, Hội diễn, các cuộc liên hoan của Trung ương và địa phương tổ chức chỉ tập trung cho một số dân tộc như Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Tày, Nùng....còn lại các dân tộc ít người như Cống, Si La, Phù Lá, Xinh Mun thì hầu như chưa có. Do đó, các cơ quan, tổ chức chưa tạo được không gian văn hóa, môi trường văn hóa để thu hút các nghệ nhân của các dân tộc đều được tham gia các hoạt động. Nói như vậy để thấy nhiều nghệ nhân của các dân tộc ít người không có cơ hội để thể hiện tài năng của mình. Vì thế việc xét tặng cần có sự cân nhắc về vai trò của chủ thể văn hóa là người dân tộc ít người am hiểu, gìn giữ các loại hình di sản trong cộng đồng chứ không nhất thiết phải có các hình thức khen thưởng hoặc các giải thưởng.
- Nâng cao nhận thức của những người trực tiếp hướng dẫn các cá nhân đủ tiêu chuẩn, đồng thời quan tâm đến cách viết hồ sơ của các cá nhân đề nghị xét tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Qua 02 đợt tham mưu, hướng dẫn cán bộ cơ sở triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy còn nhiều lúng túng, chưa bám sát quy định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, thậm chí có cán bộ còn khẳng định trên địa bàn quản lý không có nghệ nhân ưu tú nhưng sau khi được hướng dẫn rà soát, chọn lựa thì đơn vị đã đề xuất được nhiều nghệ nhân đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vì thế, để góp phần vào việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đạt hiệu quả phải đi liền với việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ cơ sở.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có mẫu để điền thông tin hồ sơ nhưng hầu hết các nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú còn hạn chế về khả năng viết, kê khai thành tích. Có những cá nhân đã phát huy tốt vai trò của mình, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong thực tế nhưng không thể hiện được thông tin trong hồ sơ. Vì thế các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần tăng cường hướng dẫn trực tiếp đối với cá cá nhân đề nghị xét tặng. Mặt khác, cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng (Theo Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 62/2014
- Điều quan trọng cần xét đến là phải được sự nhất trí, sự đồng thuận từ cộng đồng đối với các cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Việc thừa nhận tài năng của cộng đồng đối với nghệ nhân và đề xuất, ủng hộ của công chúng, của cộng đồng là thước đo để đánh giá tiêu chuẩn các nghệ nhân đó có được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú hay không.
Các Nghệ nhân ưu tú là người nắm giữ, thực hành, truyền dạy, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nếu như không có các nghệ nhân thì di sản sẽ không có tính kế thừa mà dần bị mai một và mất đi bởi không có người trao truyền và thực hành di sản.Qua đó đã thấy được các nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc, nghệ nhân là người kết tinh những giá trị di sản văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Nói cách khác, bản sắc văn hóa các dân tộc được hội tụ, gìn giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác là bởi các nghệ nhân nắm giữ và trao truyền.