Đây là một trong những tín ngưỡng, nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Truyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa có hai vợ chồng người dân tộc Si La ở bản Nậm Sim, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sống với nhau rất hạnh phúc. Hằng ngày hai vợ chồng cùng nhau đi làm nương, rẫy. Đến mùa thu hoạch được nhiều thóc lúa, chăn nuôi lợn, gà đầy chuồng.
Vào một ngày nọ hai vợ chồng người Si La lời qua tiếng lại, cãi vã nhau không phân thắng thua, không ai chịu nhường nhịn, ai cũng cho là mình đúng, người kia sai. Cuộc cãi nhau của hai vợ chồng ngày càng to tiếng. Thế rồi họ quyết định chia tay nhau mỗi người một nơi, đường ai người nấy đi.
Kể từ ngày hai vợ chồng người Si La ở bản Nậm Sim cãi nhau bỏ đi khỏi bản, dân bản bỗng nhiên bị ốm đau triền miên, lúa, ngô trên nương dãy bị sâu bệnh, hằng năm mất mùa thất thu, chăn nuôi lợn, gà đều bị dịch bệnh. Cuộc sống của dân bản ngày càng thiếu thốn, đói khổ nhiều năm liên tục. Dân bản bèn lấy một con chó đực có lông màu đen và con gà mái có lông màu trắng cùng một bát gạo đem ra cúng tại đầu bản để cầu mong cho dân bản được mạnh khỏe, lúa ngô trên nương được tươi tốt thu hoạch đầy nhà; nuôi lợn, gà được đầy chuồng.
Cũng từ năm đó vào tháng riêng âm lịch hằng năm, chọn ngày con hổ, người Si La, bản Nậm Sim, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lại tổ chức Lễ cúng bản, nhằm mục đích cầu mong cho dân bản bước sang một năm mới được mạnh khỏe, hạnh phúc, bình yên có cuộc sống ấm no mùa màng tươi tốt, chăn nuôi lợn, gà đầy chuồng. Trong ngày diễn ra Lễ cúng bản không ai được to tiếng cãi vã nhau, không được ra khỏi bản vì sợ năm mới lại mang những điều tốt lành trong bản ra ngoài, bên ngoài cũng không được vào bản vì sợ mang điều không tốt lành về cho dân bản. Trong thời gian cấm bản mọi người trong bản hay bất kỳ ai cũng không được ra hay vào bản "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người Si La quan niệm rằng: Nếu ai đó đi ra khỏi bản trước giờ cấm thì sẽ đem điều phúc, điều may mắn tốt đẹp trong cả năm của bản ra khỏi bản; còn có người đi vào bản thì ma, quỷ sẽ theo vào và những điều không may mắn, tai họa vào bản. Nếu ai đó cố tình hoặc vô ý vi phạm, phải có một con chó, một con gà để làm lại lễ hoặc phải nộp phạt bằng tiền và ở lại bản sáng hôm sau mới được ra khỏi bản.
Lễ vật cúng bản của người Si La bao gồm: Một con chó lông màu đen , một con gà lông màu trắng, một bát gạo. Trong lễ cúng bản mỗi gia đình trong bản phải cử một người đại diện cho gia đình tham gia vào Lễ Cúng bản. Sau khi đã chuẩn bị đồ lễ cúng bản xong, người chủ trì lễ bắt đầu làm lễ: Họ cắt tiết chó, gà và lấy tiết đó bôi lên các hình tượng trưng đã chuẩn bị từ trước và treo lên cổng, họ quan niệm rằng như thế sẽ ngăn chặn được các loại ma tà, tai họa, những điều không may mắn xâm nhập vào bản. Người chủ trì lễ bắt đầu cúng, lời cúng với nội dung cầu mong sức khỏe cho nhân dân trong bản, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.
Đây là một trong những tín ngưỡng, nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, vì hằng năm, sau khi tổ chức lễ cúng bản mọi người mới được đi làm nương, đi rừng khởi đầu cho một năm mới được tốt đẹp may mắn.