Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em đang sống trên dải đất Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc Việt Nam như: Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương, như: Dao Quần trắng, Dao quần chẹt, Dao Tiền, Dao Thanh Y, Dao Lô Gang, Dao Đỏ... và có nhiều tên gọi khác: Mán, Động, Trại, Đại Bản, Tiểu Bản....

Ở Điện Biên, người Dao đỏ sống tập trung ở huyện Nậm Pồ và huyện Tủa Chùa. Đồng bào Dao huyện Nậm Pồ chiếm 4,15%  tổng số dân toàn huyện, cư trú tập trung ở các xã: Pa Tần, Nà Hỳ, Vàng Đán. Với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ. Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được các bà, mẹ truyền dạy may vá thêu thùa. Và khi đến tuổi “cập kê” cũng là lúc các thiếu nữ biết làm những trang phục đẹp cho riêng mình.

Để phân biệt các nhóm Dao, người ta chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục truyền thống. Và một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng cho người Dao đỏ ở nơi đây chính là bộ trang phục phụ nữ truyền thống, gồm: Áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.

Khăn đội đầu của ngươi Dao đỏ được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn, khăn được gấp đôi theo chiều dọc. Khi đội người ta cuộn nhiều vòng quanh đầu. Theo ông Lý Lìn Siểu – người Dao đỏ bản Sín Chải 2 xã Nà Hỳ - huyện Nậm Pồ cho biết: "Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Dao, những họa tiết trang trí hình tam giác trên chiếc khăn đội đầu là mô phỏng của chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, người dân muốn thể hiện tín ngưỡng phồn thực, mong muốn mua màng bội thu, cơm gạo đủ đầy cuộc sống no ấm.

Trang phục của người phụ nữ Dao đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài. Theo phong tục, phụ nữ Dao đỏ ở đây không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài (áo tứ thân màu đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân) với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình quả trám, hình thập ngoặc và hình hoa cúc,... Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của dân tộc Dao. Trên thân áo hàng cúc bạc hình chữ nhật to, khắc trên cúc áo là dấu của Thiên Đế (dấu của trời). Theo quan niệm của người Dao, khi mặc trang phục trên người thì họ luôn được trời, tổ tiên che chở, phù hộ; khi mất đi, bộ trang phục sẽ được chôn cùng và những chiếc cúc áo chính là dấu hiệu để người Dao được lên trời, nhận về với tổ tiên của mình. Bên cạnh những chiếc cúc bằng bạc với hình khắc đặc biệt ấy còn là những bông len nhỏ màu đỏ được đính chạy dài  vòng qua cổ áo và song song 2 bên cùng hàng cúc áo làm tăng thêm vẻ rực rỡ của phần trang phục và thể hiện được nét đặc sắc riêng của người Dao đỏ. Đồng thời, quần của phụ nữ Dao đỏ luôn cùng màu với áo, được thêu thùa hoa văn và họa tiết tỉ mỉ hơn. Họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết thêu hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám; bên trong là các họa tiết hình sôm, hình thập ngoặc, hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình người mặc váy. Khi mặc quần phần trên màu đen không có hoa văn chỉ quấn bằng dây thắt lưng bởi khi mặc áo dài sẽ bị che lấp, chỉ hở phần dưới của hai ống quần với các hoa văn họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ y phục.

Quấn ngoài thắt lưng là xà cạp hình tam giác thường, đuôi dài, nhọn. Xà cạp được làm bằng vải bông nhuộm chàm, mặt phải thêu nhiều kiểu hoa văn với các màu chỉ, xung quanh đính tua bông màu hồng, phần đuôi có đính 1 sợi dây dài để buộc có tính chất trang điểm thêm cho bộ trang phục.

Góp phần trang trí thêm cho chiếc áo dài còn có dây lưng. Hoa văn trang trí trên dây lưng tập trung ở hai đầu gồm các họa tiết hình sôm, hình dấu chân hổ, hình cây thông, hình thập ngoặc và hình người mặc váy. Khi thắt dây lưng phải cuốn từ 3 đến 4 vòng và buộc chặt ở phía sau.

Nếu như trang phục của nữ Dao đỏ cầu kì bao nhiêu thì trang phục của nam người Dao đỏ ở Nậm Pồ lại rất đơn giản, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần. Khăn đội đầu của nam, nữ Dao đỏ giống nhau, được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ, vàng và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn, khăn được gấp đôi theo chiều dọc. Khi đội người ta cuộn nhiều vòng quanh đầu. Những họa tiết trang trí trên khăn và quần áo cũng mang ý nghĩa nhân sinh, tín ngưỡng phồn thực, vừa mô phỏng các hiện tượng tự nhiên, vừa thể hiện sự sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, giàu có. Vào mỗi dịp lễ hội, con trai Dao đỏ trang trí thêm cho bộ trang phục của mình bằng chiếc túi được thêu cầu kỳ và trang trí bằng len đỏ, đồng bạc, chỉ màu.

Trang phục của người Dao đỏ, ngoài đường may thành hình quần, áo thì tất cả các họa tiết trên trang phục đều được thêu tay cầu kỳ, tỉ mỉ, ta có thể thấy cả 2 mặt trang phục đều rất đẹp, không chỉ có chỉ màu mà chỉ đen cũng được thêu xen kẽ vừa làm tăng độ dày cho áo, quần, vừa tăng thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục. Để hoàn thiện một bộ trang phục đầy đủ , người phụ nữ Dao thường sẽ mất khoảng 2 đến 3 năm. 

Hoa văn trang trí trên trang phục của đồng bào dân tộc Dao đỏ không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, vui tươi, trong sáng, góp phần tô điểm thêm cho vườn hoa trang phục đầy hương sắc của các dân tộc ở tỉnh Điện Biên nói chung và bản sắc riêng vốn có của dân tộc Dao đỏ huyện Nậm Pồ nói riêng./.

Xuân Mùi


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.154.167
    Online: 100